Các Bộ trưởng quốc phòng thuộc khối NATO sẽ nhóm họp tại Brussels vào tuần tới để bắt đầu xem xét lại chiến lược đã kéo dài hàng thập kỷ của khối này về quan hệ với Nga, hãng Politico đưa tin.
Mặc dù mối quan hệ giữa NATO và Nga đã chạm đáy sau khi xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, nhưng ‘Đạo luật nền tảng’ với Moscow vẫn có hiệu lực trong liên minh do Mỹ dẫn đầu, tờ báo này lưu ý trong một bài viết đăng tải hôm 11/10.
Tài liệu năm 1997, trong đó tuyên bố rằng NATO và Nga có chung mục tiêu là “xây dựng một châu Âu ổn định, hòa bình và không chia cắt”, không phản ánh tình hình hiện tại, Politico viết.
Trong hội nghị thượng đỉnh của khối tổ chức tại Washington vào tháng 7, NATO đã coi Moscow là “mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất đối với an ninh của khối đồng minh”, trong khi Nga tiếp tục nhấn mạnh rằng việc mở rộng về phía Đông của khối là “mối nguy hiểm hiện hữu” đối với nước này.
Các nước NATO hiện đang cố gắng “vạch ra các yếu tố khác nhau trong chiến lược ứng phó với Nga và thúc đẩy các cuộc tranh luận trong liên minh đưa chúng ta đến các chủ đề như tương lai của Đạo luật nền tảng NATO-Nga”, một quan chức cấp cao của Mỹ được Politico dẫn lời, cho hay.
Quan chức này nói thêm: “Đã đến lúc xây dựng một chiến lược mới xét về quan điểm cụ thể” của các quốc gia thành viên.
Bài viết của Politico cho biết, các cuộc thảo luận cấp thấp hơn về chính sách mới liên quan đến Nga đã được tiến hành trong nhiều tháng trong khối và vấn đề này sẽ được giải quyết ở cấp Bộ trưởng vào tuần tới. NATO trước đó đã thông báo rằng họ có kế hoạch xây dựng một chiến lược mới trước hội nghị thượng đỉnh ở The Hague, sẽ được tổ chức vào mùa Hè tới.
"Ngay bây giờ toàn bộ liên minh phải hiểu rằng...rằng [Đạo luật nền tảng] và Hội đồng NATO-Nga được xây dựng cho một kỷ nguyên khác, và tôi nghĩ các đồng minh đã sẵn sàng nhận thức rằng mối quan hệ với Nga hiện nay đã bước vào một kỷ nguyên khác, bởi vậy điều gì đó mới mẻ sẽ có giá trị”, quan chức Mỹ giải thích.
Theo Politico, có sự khác biệt giữa các thành viên khi nói đến chính sách mới đối với Moscow, bởi một số lo ngại rằng một “tín hiệu” mạnh mẽ quá mức có thể “gây bất ổn” cho Nga. Ngoài ra còn có những câu hỏi liên quan tới Hungary và Slovakia, những quốc gia coi mối quan hệ với Nga là có “giá trị chiến lược”, mặc dù là thành viên NATO.