Hãng Semafor hôm 11/10 dẫn lời người đứng đầu phái bộ cho biết các quốc gia thành viên EU có thể sẽ tiếp tục huấn luyện binh sĩ Ukraine để chiến đấu với Nga sau khi chương trình hiện tại hết hạn vào cuối năm nay.
Đại tá Đức Niels Janeke, người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của EU hỗ trợ Ukraine (EUMAM Ukraine), nói với hãng tin Mỹ rằng có “sự đồng thuận” giữa các quốc gia liên quan rằng chương trình đào tạo sẽ được kéo dài thêm 2 năm nữa. Một sĩ quan Đức khác giám sát sáng kiến này, Trung tá Roland Bosker, cho biết kế hoạch huấn luyện đã được chuẩn bị cho năm 2025 và 2026.
Nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được Hội đồng châu Âu đưa ra, báo cáo cho biết thêm. Một quan chức châu Âu giấu tên cho biết các cuộc đàm phán về việc kéo dài đề xuất đang “đang ở giai đoạn cuối”, và chỉ ra rằng Hungary là một trở ngại. Budapest đã chỉ trích cách tiếp cận của Brussels trong cuộc xung đột Ukraine và từ chối cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào cho Kiev.
Theo cơ quan báo chí của EU, chương trình đào tạo này được triển khai vào năm 2022, với 24 quốc gia thành viên hiện đang tham gia. Phái đoàn chủ yếu được tổ chức bởi Đức và Ba Lan, với hơn 60.000 người Ukraine được cho là đã hoàn thành các khóa huấn luyện cho đến nay.
Binh lính Ukraine không chỉ được các huấn luyện viên phương Tây dạy cách chiến đấu mà còn được EU tài trợ trang bị, với nguồn tài trợ thông qua Cơ sở Hòa bình Châu Âu, một cơ chế chung được sử dụng để chi trả cho vũ khí mà Kiev yêu cầu.
Một số học viên đã đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo. Họ nói với các nhà báo rằng các lớp học không tính đến tính chất khốc liệt của cuộc chiến thực sự chống lại lực lượng Nga.
Theo một tài liệu được tờ báo Đức Die Welt đưa tin lần đầu tiên vào tháng 8, cơ quan chính sách đối ngoại của EU, EEAS, đã khuyến nghị ngay từ tháng 7 rằng nên gia hạn sứ mệnh thêm 2 năm sau thời hạn chót giữa tháng 11. Theo thông tin rò rỉ, các quan chức ở Brussels cho rằng lựa chọn thích hợp hơn là tổ chức huấn luyện trên đất Ukraine, vốn đòi hỏi phải gửi quân NATO tới nước này.
Đề xuất gửi binh sĩ từ các quốc gia NATO vào Ukraine đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra. Tháng 2 năm nay, ông Macron đã kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây khác không loại trừ ý tưởng này của ông. Một số quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte, ủng hộ việc tổ chức phái đoàn huấn luyện ở Ukraine, nhưng các nước EU khác cho biết họ sẽ không triển khai quân tới nước này.
Có những chương trình khác dành cho quân đội Kiev do các nước thành viên EU tổ chức. Đầu tuần này, ông Macron đã giới thiệu chương trình huấn luyện mà quân đội Ukraine nhận được từ quân nhân Pháp tại một cơ sở ở vùng Grand Est, phía Đông Bắc nước Pháp.