Việc áp dụng giải pháp công nghệ đã giúp các cổ đông Pjico hiện thực được quyền cổ đông một cách thuận lợi, nhanh chóng và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Các tài liệu, thảo luận các nội dung được trực tuyến hóa tại đại hội đã giúp các cổ đông và cả những nhà đầu tư quan tâm được tiếp cận và theo dõi tiến trình đại hội một cách cụ thể và thuận tiện, bao gồm cả những nội dung quan trọng nhất như kiện toàn nhân sự thượng tầng.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ vừa rồi, Pjico đã miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Kim Chang Soo và bà Nguyễn Minh Hường. Đồng thời, tiến hành bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 bằng hình thức bỏ phiếu điện tử trên hệ thống Bvote.
Dù chỉ có 2 “ghế”, song danh sách ứng cử vào HĐQT Pjico có tới 3 ứng viên, bao gồm: ông Lee Jae Hoon (SN 1969), bà Trương Diệu Linh (SN 1982) và ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1957).
Trong đó, ông Lee Jae Hoon và bà Trương Diệu Linh lần lượt là các ứng cử viên do Samsung Fire & Marine Insurance (viết tắt: SFMI) và Vietcombank đề cử. Cả SFMI và Vietcombank là các cổ đông lớn tại Pjico, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 8,029%.
Trước đó, các ứng cử viên do 2 cổ đông lớn này đề cử là ông Kim Chang Soo và bà Nguyễn Minh Hường đã trúng cử vào HĐQT PGI nhiệm kỳ 2019 - 2024. Vậy nên, việc SFMI và Vietcombank lần lượt đề cử ông Lee Jae Hoon và bà Trương Diệu Linh (thay thế cho ông Kim Chang Soo và bà Nguyễn Minh Hường) phần nào có thể hiểu là động thái “giữ ghế” tại thượng tầng của Pjico, nhằm đảm bảo tiếng nói và quyền lợi của hai cổ đông lớn tại doanh nghiệp thuộc tốp các công ty dẫn đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Ứng viên còn lại, ông Nguyễn Văn Dũng. Ông Dũng được đề cử bởi nhóm cổ đông nắm giữ hơn 12,8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 14,516% vốn điều lệ Pjico.
Kết quả bầu cử tại đại hội, hai ứng viên của SFMI và Vietcombank đã trúng cử vào HĐQT Pjico.
Cũng tại phiên họp ĐHĐCĐ, các cổ đông đã thông qua việc nới "room" ngoại tại Pjico lên 100%.
Năm 2019, Pjico đã nâng tỷ lệ đồng bảo hiểm cho 2 đội tàu bay lớn của Việt Nam là Vietjet Air và Bamboo Airway lên lần lượt là 15% và 20% qua đó khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ bảo hiểm ngành hàng không của Pjico trên thị trường.
Ngoài ra, Pjico nhiều năm qua vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư nhằm thu xếp nguồn lực để xây dự án trụ sở Tower Pjico tại Hà Nội đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua từ năm 2014.
Được biết, năm 2017, Pjico đã chào bán riêng lẻ hơn 17,74 triệu cổ phần cho SFMI với giá 30.000 đồng/cổ phần, thu về hơn 532,3 tỷ đồng. Trong đó, Pjico dự kiến dành ra 300 tỷ đồng để đầu tư vào dự án bất động sản Tower Pjico.
Năm 2020, Pjico đặt mục tiêu tổng doanh thu là 3.468 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế không thấp hơn 180,8 tỷ đồng, mức cổ tức dự kiến chi trả là 12%.
Cơ cấu cổ đông của Pjico ngày càng cô đặc? Để chuẩn bị cho phiên họp ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 8/6 vừa qua, Pjico đã gửi lời mời dự họp tới 1.890 cổ đông (sở hữu hơn 88,7 triệu cổ phần, tương ứng với 100% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành). Biên bản họp cho thấy, phiên họp trực tuyến có 38 người tham gia, đại diện cho hơn 75,5 triệu cổ phần, chiếm 85,14% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Pjico. Trước đó, ở phiên họp ĐHĐCĐ năm 2019, dù tổng số lượng cổ phần không đổi, Pjico đã mời tới 1.952 cổ đông tham dự. Phiên họp thu hút 62 người tham gia, đại diện cho hơn 73,5 triệu cổ phần, chiếm 82,924% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Cơ cấu cổ đông của Pjico, do vậy, dường như có xu hướng trở nên cô đặc hơn./. |