Đêm muộn ngày 14/8/2020, Eximbank đã phát đi thông cáo cho biết, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng đã ban hành Nghị quyết số 407/2020/EIB/NQ-HĐQT quyết nghị việc hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 được triệu tập lần thứ ba tại Hà Nội (dự kiến khai mạc vào 9h ngày 17/8/2020), nhằm chấp hành chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2020 được triệu tập lần ba sẽ được di dời sang thời điểm thích hợp, tuân thủ theo chỉ đạo của cơ quan chính quyền tại địa phương mà Eximbank tổ chức họp ĐHĐCĐ” – Nghị quyết viết.
Lưu ý rằng, nửa tháng trước, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19 cũng từng được hiểu là một trong những yếu tố để nhà băng có hội sở tại TP. HCM này quyết định chuyển địa điểm tổ chức ra thủ đô Hà Nội – động thái gây bất ngờ và làm dấy lên không ít ý kiến trái chiều vào thời điểm đó.
|
ĐHĐCĐ Eximbank còn hoãn đến bao giờ?
|
Việc đại hội bị trì hoãn, dù bất khả kháng, sẽ giúp HĐQT và Ban Kiểm soát đương nhiệm ở Eximbank kéo dài nhiệm kỳ thêm được ít lâu. Đồng thời với đó, nó cũng sẽ cho các tay chơi lớn ở Eximbank có thêm thời gian - dù hạn chế - để củng cố lực lượng, tìm kiếm và hoàn thiện các phương án tác chiến.
Dù rằng, phiên AGM 2020 lần 3 có tổ chức như kế hoạch thì khả năng thành công vẫn còn bỏ ngỏ. Mối bất đồng sâu sắc của các nhóm cổ đông sẽ rất dễ khiến đại hội lại “vỡ” như đã từng xảy ra.
Chia phe
Một lãnh đạo cấp cao trong HĐQT Eximbank trong cuộc trao đổi mới đây với báo giới đã bày tỏ sự thất vọng ra mặt với 2 nhóm cổ đông lớn, mà như ông tố, là đã “tẩy chay AGM 2020 của Eximbank”.
Ngược lại, ông bày tỏ thiện cảm với các nhóm cổ đông được cho là đối lập của 2 nhóm cổ đông trên, đánh giá các nhóm này là thiện chí, hợp tác và tích cực. Đáng chú ý, vị lãnh đạo cũng xác nhận sự hiện diện của nhóm Hyundai Thành Công trong “game” Eximbank và khen rằng đây là nhóm cổ đông lành mạnh, có “tiền tươi thóc thật”.
Bỏ sang bên chi tiết “tiền có thực tươi, thóc có thực thật” của tay chơi mới gốc Bắc mà một cây viết uy tín trong giới tài chính đã nêu trong một bài viết đáng chú ý gần đây (tác giả dẫn nguồn từ cơ quan thanh tra giám sát), thì quan điểm của vị lãnh đạo cấp cao trong HĐQT Eximbank nêu trên vẫn sẽ đặt ra những phản biện.
Thứ nhất, AGM 2020 lần 1 của Eximbank, như VietTimes từng phân tích, chỉ ghi nhận sự tham dự của 17,54% cổ phần có quyền biểu quyết. Trừ đi 9,85% cổ phần được xác định là của 2 cổ đông ngoại – là VOF Investment Limited (4,93%) và MR Exim Investments Limited (4,52%) - thì chỉ còn 7,69% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết khác đã thực hiện “check-in”. Rõ ràng, có cả những nhóm cổ đông lớn mà vị lãnh đạo này khen là thiện chí, hợp tác và tích cực đã “tẩy chay” phiên này.
Thứ hai, vị lãnh đạo này tiết lộ rằng, nhóm cổ đông lớn trong nước đã tẩy chay AGM 2020 nắm giữ khoảng 35% cổ phần Eximbank. Nhóm này liên minh với cổ đông chiến lược SMBC (nắm giữ 15% cổ phần Eximbank) – phía đã quyết liệt thúc đẩy việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) năm 2019. Nếu vậy, 2 nhóm này sẽ chiếm quá bán cổ phần Eximbank. Đồng nghĩa, ngoài họ thì hầu hết các tay chơi lớn còn lại đã tẩy chay phiên EGM 2019 lần 1 (túc số tham dự đạt 51,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết). Vì thế, có thể hiểu phần nào về phản ứng liên minh này ở AGM 2020 lần 2.
Với thực trạng ấy, sẽ là khả dĩ hơn nếu chia 2 phe đối nghịch trong “game” Eximbank thành: phe ủng hộ AGM/tẩy chay EGM; và phe ủng hộ EGM/tẩy chay AGM.
Dĩ nhiên, ngoài các cổ đông được chia vào 2 phe này, Eximbank vẫn còn các cổ đông khác, những cổ đông trung lập. Nhưng 2 phe cổ đông đối nghịch trên mới là những tay chơi quyết định ở “game” Eximbank, nắm giữ phần lớn cổ phần nhà băng này.
|
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
|
Phút “bù giờ”…
Trong cuộc chiến vương quyền không khoan nhượng giữa các nhóm chủ, HĐQT – cơ quan quyền lực thường trực cao nhất ở Eximbank – trở thành chiến trường chính. Ở đó, họ tranh thủ từng lá phiếu, ganh nhau từng nội dung nghị quyết và trên tất thảy, phe nào cũng muốn làm chủ chiếc ghế Chủ tịch HĐQT.
Tương quan bất tương xứng giữa số đại diện trong HĐQT với lượng cổ phần nắm giữ giữa các phe càng khiến cuộc chiến trở nên khốc liệt và bế tắc. Phe chiếm ưu thế về cổ phần lại thất thế về mức độ ảnh hưởng với thượng tầng và ngược lại. Phe chiếm ưu thế về lá phiếu tại ĐHĐCĐ thì lại thất thế trong việc lên kế hoạch cho ĐHĐCĐ và ngược lại.
Nhưng kết cấu quyền lực này sẽ sớm có sự thay đổi, bởi nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) của HĐQT và Ban Kiểm soát Eximbank đã bước vào những “phút bù giờ”. Nếu các phiên ĐHĐCĐ diễn ra suôn sẻ, đáng ra Eximbank đã phải kiện toàn HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).
Không riêng phe ủng hộ AGM 2020, phe đối nghịch của họ hẳn cũng rất sốt ruột với phiên đại hội mở màn cho nhiệm kỳ VII này. Vấn đề là cả 2 phe đều muốn làm “người chia bài” cho nhiệm kỳ mới. Muốn thế, họ phải là người lên kế hoạch và chủ tọa cho AGM 2020.
Phe thất thế trong HĐQT, vì thế, rất sốt sắng tổ chức EGM 2019 – với nội dung trọng tâm là thanh lọc HĐQT. Còn phe thất thế ở ĐHĐCĐ lại muốn ưu tiên tổ chức AGM 2020 trước, nơi họ giữ quyền chủ động trong việc đề cử ứng viên tham gia HĐQT/BKS nhiệm kỳ mới với thẩm quyền của HĐQT đương nhiệm (dĩ nhiên khi ấy EGM 2019 sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa).
|
Eximbank đang rất cần những cái bắt tay thực sự.
|
Vị lãnh đạo cấp cao trong HĐQT Eximbank cho biết việc tổ chức EGM 2019 là không cần thiết vì năm 2020 nhiệm kỳ của HĐQT hiện tại kết thúc, do vậy việc bỏ phiếu sẽ không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên trong một diễn biến mới, hôm 13/8/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Kiểm soát Eximbank để phúc đáp đề nghị “có chỉ đạo về việc tổ chức EGM 2019 lần 2 để Eximbank đảm bảo không vi phạm pháp luật”.
“Điều 141 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 33 Điều lệ Eximbank đã có quy định cụ thể về việc tổ chức ĐHĐCĐ lần thứ hai trong trường hợp cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ nhất không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định (không đủ túc số tối thiểu cổ đông dự họp). Do đó, Eximbank có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 33 Điều lệ Eximbank” – văn bản viết.
Nội dung trả lời nêu trên nhất quán với quan điểm của NHNN lâu nay trước đề nghị của cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản (SMBC) về việc tổ chức EGM 2019. Trong quá khứ, cơ quan này đã nhiều lần yêu cầu Eximbank phải tổ chức EGM đúng thời hạn, đúng luật; thậm chí còn ra cả văn bản chấn chỉnh trách nhiệm liên quan một số thành viên HĐQT EIB. Về phía cổ đông, văn bản phúc đáp trên - dù nặng tính nguyên tắc - sẽ đem đến cho phe ủng hộ EGM 2019 căn cứ pháp lý vững vàng hơn. Nhưng vấn đề là bao giờ phiên EGM 2019 lần 2 này mới được tiến hành. AGM 2020 lần 3 phải tạm hoãn do ảnh hưởng của Covid-19 thì EGM 2019 lần 2 hẳn sẽ rơi vào trạng thái tương tự.
Nhờ Covid-19, “game” Eximbank có thêm những “phút bù giờ của bù giờ”. Tất nhiên, các tay chơi sẽ không lãng phí thời gian ở thời điểm quyết định.
Phe ủng hộ EGM sẽ muốn EGM được tổ chức càng sớm càng tốt, và như đã phân tích, họ đang có ít nhiều lợi thế. Còn phe đối phương, dù nan thi, nhưng không phải là không có cơ hội. Ly khai hóa liên minh của đối phương là một gợi ý, trông đợi những biến cố nội bộ của đối thủ cũng là một phương án, thậm chí là chờ thêm những "phút bù giờ"…
Còn một sự lựa chọn khác trong “phút bù giờ” ấy: Ngồi lại với nhau và thỏa hiệp. Nên chăng?.../.