Bên cạnh tiếp thị di động (mobile marketing), tiếp thị nội dung (content marketing), tiếp thị mạng xã hội (social marketing) và tiếp thị tự động (automation marketing) thì tiếp thị bằng video (video marketing) được xem là một trong những xu hướng chủ đạo trong năm 2016 này.
Kết quả nghiên cứu của công ty chuyên đo lường và đánh giá hiệu quả tiếp thị trực tuyến comScore cho thấy, trong các nội dung trực tuyến như blog, bài viết hay hình ảnh thì lượng video hiện chiếm đến 87%. Điều đáng nói là có đến 96% số người sử dụng nhấp chuột vào đường dẫn trên video và 90% trong số đó sẽ đưa ra quyết định có nên mua hàng sau khi xem video hay không.
Lợi ích của tiếp thị bằng video
Nhiều kết quả nghiên cứu khác về tiếp thị bằng video cũng đưa ra những con số khá thuyết phục như có đến 1/3 số hoạt động trực tuyến của người tiêu dùng gắn liền với việc xem video. Đơn cử như có 80% số người xem video trong khi chỉ có 20% đọc toàn bộ bài trên blog, 90% người cho rằng xem video về món hàng là hữu ích và việc đó có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Sở dĩ video có tầm ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng chính là nhờ sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh giúp tạo sự hứng thú cho người xem, đồng thời giúp họ dễ dàng cảm nhận, liên tưởng và nắm được thông điệp của nhà sản xuất theo cách của riêng mình.
Hai hành động khá phổ biến của người sử dụng Internet là tìm kiếm và chia sẻ. Nhờ đó, những dịch vụ video trực tuyến như YouTube và mạng xã hội Facebook, Twitter và Instagram sẽ giúp video lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng và tạo hiệu ứng mạnh mẽ. YouTube hiện nay đã trở thành công cụ tìm kiếm thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Google với hơn một tỉ lượt người truy cập hằng tháng và 6 tỉ giờ video được xem. Kết quả tìm kiếm một từ khóa nào đó trên Google cũng cho thấy hãng này đang ưu tiên cho các kết quả bằng video hơn là các bài viết. Trong khi đó, Facebook đã tinh chỉnh các thuật toán trên New Feeds để ưu tiên cho các thông tin có gắn video và cập nhật thêm tính năng tự động phát video. Còn Instagram cho phép đăng tải những video quảng cáo kéo dài lên đến 30 giây để giúp doanh nghiệp truyền tải nhiều câu chuyện sâu sắc và có ý nghĩa hơn…
Một trong những ưu điểm của phương thức tiếp thị bằng video là giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Ví dụ, để có các chương trình quảng cáo bằng video – thường được chiếu xen giữa các chương trình của nhà đài – doanh nghiệp phải trả tất cả các khoản chi phí cho các công đoạn viết kịch bản quảng cáo, quay phim dựng hình và cho cả thời lượng chiếu lại các video đó trên ti vi. Khoản chi phí này rất lớn, chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn có chiến lược quảng cáo toàn diện. Với phương thức tiếp thị bằng video, doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng các kênh truyền thông xã hội như YouTube và Facebook để chia sẻ video, cách tiếp cận người tiêu dùng này gần gũi hơn với nhân viên tiếp thị trong doanh nghiệp, dễ làm và tiết kiệm được chi phí. Thêm vào đó, những video quảng cáo và tiếp thị trên Internet lại chú trọng tính sáng tạo hơn là dùng kỹ xảo làm video nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tạo những đoạn video độc đáo bằng điện thoại để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn tạo được hiệu ứng lan tỏa.
Khi chạy các chiến dịch quảng cáo video nối tiếp nhau, doanh nghiệp có xu hướng phụ thuộc vào các đài truyền hình nhưng tiếp thị bằng video lại không như vậy. Hình thức quảng cáo này sẽ giúp doanh nghiệp sở hữu một kênh truyền thông riêng miễn phí trên YouTube với những video hấp dẫn và tồn tại trong một thời gian dài để người sử dụng chủ động xem bất kỳ lúc nào.
Tiếp thị bằng video sẽ là xu hướng quảng cáo chủ yếu trong bốn năm tới. Ảnh: Web Video Marketing |
Làm sao khai thác?
Theo số liệu công bố của Google, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có số lượng người xem video cao nhất với tỷ lệ chia sẻ lên đến 91%. Trong khi đó, YouTube Việt Nam cho biết, chỉ trong năm 2015, thời lượng xem video tại thị trường trong nước đã tăng 120% và số giờ nội dung được đăng tải đã tăng 235%.
Có rất nhiều trường hợp sử dụng video marketing thành công. Ví dụ như trường hợp của clip ca nhạc “Nhà là nơi có Fami” của công ty Sữa đậu nành Việt Nam, đã thu hút hơn 546.000 lượt xem chỉ sau một tuần đăng tải và hiện đã lên đến 3,2 triệu lượt xem. Còn clip ca nhạc “Ấn nút mở - Thả ước mơ” của nhãn hàng Omo đã có hơn 846.000 lượt xem sau một tuần xuất hiện và vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng video ngoài âm nhạc năm 2015 của YouTube. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thị trường Việt Nam như Coca-Cola, Unilever, Ford, Vingroup, RedBull đều đã xây dựng kênh video riêng của mình và đăng tải lên trang web, blog và mạng xã hội.
Những doanh nghiệp vừa và nhỏ với khoản chi phí có giới hạn có thể áp dụng việc quay quảng cáo bằng điện thoại thông minh mà không cần nhờ đến đài truyền hình hay công ty truyền thông. Những video quảng cáo này cần chú trọng đến sự sáng tạo, pha trộn tốt thông điệp và âm nhạc, nội dung và hình ảnh để có thể tạo sức lan tỏa trong cộng đồng người sử dụng Internet. Trên thực tế, điều này không phải là bất khả thi khi nhiều video clip được quay bằng điện thoại cá nhân đã thu hút được người hâm mộ như các kênh hài trực tuyến DamTV, Ghiền Mì Gõ… và đã nhận được nhiều nguồn tài trợ và hợp đồng quảng cáo từ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chăm chút hơn cho phần nội dung quảng cáo, thay vì chỉ quảng cáo sản phẩm. Ví dụ nhiều doanh nghiệp chọn cách cung cấp những video hướng dẫn sử dụng sản phẩm hay cung cấp kiến thức về mặt hàng nào đó, giải đáp sự thắc mắc của người sử dụng. Những video này thường thu hút nhiều người hơn vì chúng giúp họ hiểu về cá nhân, doanh nghiệp và có những kiến thức về sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp nên kết hợp với các chương trình tiếp thị trên cơ sở các video quảng cáo như chương trình bình chọn video được yêu thích nhất để thu hút sự quan tâm của người xem và tăng tính tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng.
5 công cụ tiếp thị bằng video phổ biến
Đoạn video thu hút được sự chú ý của người xem không chỉ cần đến các yếu tố về hình ảnh, âm thanh, địa điểm mà còn cần đến nội dung làm rung động lòng người và tính sáng tạo. Không cần phải sử dụng máy quay phim chuyên nghiệp, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quay phim chất lượng cao, một phần mềm làm video chuyên nghiệp và một câu chuyện truyền được sự cảm hứng cho người xem. Dưới đây là năm công cụ làm video tuyệt vời dành cho doanh nghiệp.
- Wideo: Nền tảng video trực tuyến cho phép doanh nghiệp nhanh chóng tạo, chỉnh sửa và chia sẻ video một cách dễ dàng. Wideo cho phép bạn cá nhân hóa các đoạn phim quảng cáo, bài thuyết trình hoặc video hướng dẫn bằng việc bổ sung logo, hình ảnh hoặc thậm chí cả nhạc nền. Không chỉ vậy, bạn có thể thuê một trong những chuyên gia thiết kế chuyên nghiệp của Wideo.
- Viewbix: Công cụ video marketing giúp bạn tạo video chỉ trong vòng năm phút với ba bước đơn giản là thêm đường link vào video, tạo dấu ấn thương hiệu thông qua logo và cuối cùng là chọn các ứng dụng để tạo ấn tượng cho video. Ứng dụng này cho phép bạn chia sẻ video lên các mạng xã hội Facebook và Twitter, theo dõi mức độ ảnh hưởng của nó trên mạng xã hội thông qua công cụ theo dõi của Viewbix.
- Slidely: Là công cụ tạo video từ hình ảnh, âm nhạc hoặc video clip có sẵn và đăng tải lên các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và Pinterest. Ngoài ra, ứng dụng này còn cho phép dán các video này lên blog hoặc trang web để chia sẻ nội dung đến nhiều người sử dụng hơn.
- Powtoon: Là một trong những công cụ làm video được yêu thích nhất hiện nay, cho phép tạo các video từ đơn giản đến chuyên nghiệp với nhiều hiệu ứng khác nhau. Bạn có thể chia sẻ video lên các trang mạng xã hội và YouTube và điều này thậm chí giúp doanh nghiệp của bạn tăng 300% tính tương tác trên các video.
- VideoScribe: Phần mềm giúp tạo hiệu ứng trên nền bảng trắng với dạng bàn tay mô phỏng bạn đang phác họa các chi tiết và cho phép chia sẻ video thông qua e-mail, Facebook hoặc YouTube. VideoScribe hiện có hàng ngàn hình ảnh và âm thanh miễn phí để người sử dụng chọn lựa theo ý muốn và tùy chỉnh bằng cách thay đổi hình nền video hoặc thêm các nội dung dưới định dạng .gif.
(Search Engine Journal)
Theo Social Media Today/TBKTSG |