Lãnh đạo từ các nước Pháp, Đức, Anh, Italia và Mỹ cùng với người đứng đầu Hội đồng Châu Âu đã tiến hành các cuộc hội đàm về tình hình Ukraine trong bối cảnh có tin vừa có thêm 3 binh lính Ukraine thiệt mạng sau khi lệnh ngừng bắn được đưa vào thục thi trong 2 tuần qua.
"Các nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng một phản ứng mạnh từ cộng đồng quốc tế sẽ là cần thiết nếu có tình trạng vi phạm nghiêm trọng tiến trình được đưa ra trong thoả thuận Minsk”, tuyên bố của văn phòng Tổng thống Pháp cho biết.
Nhà lãnh đạo Mỹ Barack Obama cùng với giới lãnh đạo Châu Âu hôm qua đã lên tiếng cảnh báo Nga rằng họ sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu có tình trạng vi phạm thêm nữa thoả thuận ngừng bắn đang được áp dụng ở Ukraine, các quan chức này cho biết.
"Các nhà lãnh đạo sẵn sàng quyết định tung ra thêm các đòn trừng phạt nếu thoả thuận Minsk bị vi phạm”, một tuyên bố của Liên minh Châu Âu cho biết và thông tin này được xác nhận bởi phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Sau đó, văn phòng của Tổng thống Pháp Francois Hollande nói thêm rằng, lãnh đạo các nước nhất trí rằng nếu có sự vi phạm nghiêm trọng thoả thuận Minsk thì điều đó sẽ dẫn đến “một phản ứng mạnh từ cộng đồng quốc tế”.
Những lời đe doạ trên được đưa ra sau khi Tổng thống Obama cùng lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Italia và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu có cuộc họp trực tuyến. Cuộc họp này diễn ra khi mà tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn đang được thực hiện.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Obama đã tận dụng cuộc họp này để lên án Nga về việc không thực thi các điều khoản được đưa ra trong những thoả thuận Minsk. "Đó là một cơ hội cho Tổng thống để lên án việc Nga và lực lượng ly khai mà họ hậu thuẫn tiếp tục không tuân theo các cam kết mà họ đã nhất trí trong thoả thuận Minsk”, ông Earnest nói.
Mỹ cũng tuyên bố đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev.
Thoả thuận Minsk mới nhất được ký kết giữa lực lượng ly khai và chính quyền Kiev hôm 12/2 dưới sự làm trung gia của Nga, Pháp và Đức. Thoả thuận này buộc hai bên đối địch ở Ukraine phải ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực chiến tuyến từ 25 đến 70km để tạo ra một vùng đệm.
Kiev và phương Tây luôn cáo buộc, đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những nước này cho rằng Nga cung cấp vũ khí và binh lính cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine chiến đấu chống lại quân đội của Kiev ngay cả khi lệnh ngừng bắn đang được thực thi.
Mới đây nhất, ngày hôm qua (3/3), Chỉ huy Quân đội Mỹ ở Châu Âu – ông Ben Hodges cáo buộc quân đội Mỹ ước tính có khoảng 12.000 binh lính Nga đang chiến đấu bên cạnh lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Lực lượng Nga gồm các cố vấn quân sự, những người vận hành vũ khí và cả binh lính tham gia chiến đấu.
Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc của phương Tây về việc nước này cung cấp vũ khí và binh lính cho miền đông Ukraine đồng thời kêu gọi phương Tây đưa ra bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho những cáo buộc đó.
Hơn 840 người đã chết ngay trong những tháng đầu năm
Liên Hợp Quốc hôm thứ Hai (2/3) cho biết, cuộc chiến leo thang ngay trong những tháng đầu năm nay ở miền đông Ukraine đã làm hơn 800 người thiệt mạng và hơn 3.400 người khác bị thương cùng hàng trăm người mất tích. Nhiều nạn nhân bị chôn vùi mà chưa được xác nhận đã chết.
Ông Ivan Simonovic – trợ lý của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho các phóng viên biết, hơn 6.000 người thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine bùng lên hồi tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ riêng từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 đầu năm nay, tình trạng leo thang bạo lực đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 842 người.
Con số thương vong trên được đưa vào một bản báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố hôm 2/3 vừa rồi.
Tuy nhiên, tình hình miền đông Ukraine đang có nhiều dấu hiệu tiến triển khi tình trạng bạo lực giảm rõ rệt dù đôi khi vẫn xảy ra những vụ nổ súng rải rác.
Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền ở Geneva ngày hoomqua đã nói rằng, lệnh ngừng bắn ở Ukraine “đang được củng cố” và rằng bất kỳ quyết định nào của các nước phương Tây trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev đều sẽ “phá vỡ tiến trình hòa bình”.
Trong khi chưa có thông tin gì về quyết định của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev thì cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili hôm qua đã tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn một đài truyền hình ở Ukraine rằng, Mỹ gần như đã “99% sẵn sàng” cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine.
Ông Saakashvili – người hiện đang đóng vai trò như một cố vấn cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, tháng trước đã dành thời gian ở Mỹ để kêu gọi sự ủng hộ cho việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. "Điều chính yếu mà chúng tôi cố gắng đạt được ở Mỹ là Ukraine sẽ nhận được vũ khí phòng vệ”, ông Saakashvili cho biết. Theo ông này, việc cung cấp vũ khí cho Kiev được gần như tất cả mọi người ở Mỹ ủng hộ.
Tuy nhiên, thông tin mà cựu Tổng thống Gruzia đưa ra ở trên chưa được xác nhận và tính chính xác của nó bị nghi ngờ bởi người dân Mỹ được cho là không ủng hộ việc chính quyền của họ cung cấp vũ khí cho Kiev.
Theo: VnMedia