Phương Tây bối rối và “vô kế khả thi” trong vấn đề hồi hương những người ủng hộ IS

VietTimes -- Trong tuần qua một số người ủng hộ tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” đã được Thổ Nhĩ Kỳ trả về nước Đức. Liệu có nên giam giữ họ ngay lập tức? Mọi người đều có nỗi sợ hãi về họ, nhưng nếu giam giữ họ, thì liệu có cơ sở pháp lý?
Chuyên cơ đưa gia đình 7 người Đức là thành viên IS từ Thổ Nhĩ Kỳ về sân bay Tegel, Berlin hôm 14/11.
Chuyên cơ đưa gia đình 7 người Đức là thành viên IS từ Thổ Nhĩ Kỳ về sân bay Tegel, Berlin hôm 14/11.

Theo trang web Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), chiều thứ Năm (14/11), chiếc chuyên cơ chở gia đình người Đức theo IS đầu tiên hồi hương đã từ Thổ Nhĩ Kỳ về tới sân bay Tegel, Berlin. Khi bước ra khỏi cửa máy bay, họ tuy không bị còng tay ngay lập tức nhưng bị xe cảnh sát chở đi luôn. Gia đình vừa được hồi hương từ Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thành viên, có người mang quốc tịch Đức, cũng có người mang quốc tịch Iraq. Hiện tại, không có lệnh bắt giữ nào được ban hành đối với họ.

Gia đình này vốn sống ở thành phố Hildeheim, bang Lower Saxony và đến Thổ Nhĩ Kỳ khoảng một năm trước. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xác định cha mẹ của gia đình này, cùng hai người con đã trưởng thành và ba đứa trẻ vị thành niên là “những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo IS”. Hôm thứ Hai, 11/11, Ankara tuyên bố sẽ cho hồi hương những gia đình tương tự và nói Đức có nghĩa vụ phải thu nhận họ.

Cảnh sát Đức phân loại gia đình này là thành viên “Salafi”, tức các phần tử bảo thủ cực đoan của đạo Hồi. Cục Cảnh sát hình sự bang Lower Saxony hiện vẫn không có cách nào xác định liệu họ có ủng hộ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” hay không và liệu họ có từng ở Syria hay không.

Luật sư Mahmut Erde: Chính phủ Đức rất khó có đủ chứng cứ để bắt giữ những người Đức theo IS hồi hương.
Luật sư Mahmut Erde: Chính phủ Đức rất khó có đủ chứng cứ để bắt giữ những người Đức theo IS hồi hương.

Chứng cứ bắt giữ không đủ

Luật sư Mahmut Erdem nói với Deutsche Welle “Nhà nước pháp trị cần phải đưa ra chứng cứ. Là một người hành nghề pháp lý, tôi biết rằng rất khó để đưa ra chứng cứ trong trường hợp này”. Ông Eldham từng là luật sư biện hộ cho nhiều thành viên gia đình đã rời khỏi Đức và đến với “Nhà nước Hồi giáo”. Ông dốc mọi nỗ lực để đưa những người này trở về Đức từ Syria hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù tay một số người trong số họ có thể dính máu.

Mahmut Erdem cho rằng các nạn nhân phải được ra làm chứng trước tòa án Đức. Thế nhưng, cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn ở một số địa phương của Syria; Đức đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria, vì vậy rất khó để làm rõ sự thật; tuy nhiên, mặt khác, người Kurd bày tỏ sẵn sàng hợp tác với cơ quan có liên quan của chính phủ Đức.

Hiện nay, có 95 người mang quốc tịch Đức ủng hộ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” đang bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria hoặc Iraq. Ở nước Đức, đã tiến hành các trình tự tư pháp tố tụng đối với 33 người trong số họ và đã ban hành lệnh bắt giữ 26 người.

Một trại tạm giam các thành viên IS của SDF ở Syria.
Một trại tạm giam các thành viên IS của SDF ở Syria.

Trong những trường hợp này, chỉ có công tố viên liên bang mới có quyền ra lệnh bắt giữ, mà chỉ trong trường hợp “nghi ngờ khẩn cấp”; nghĩa là, trong tình hình nghi phạm trên thực tế rất có khả năng là tội phạm. Ông Eldem nói rằng tại thời điểm này, “việc bắt giữ có thể được thực hiện trực tiếp tại sân bay”, nhưng cụ thể đối với gia đình này, thì không đủ chứng cứ.

Một gia đình khác hồi hương từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng trải qua tình trạng tương tự. Khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào khu vực người Kurd ở miền bắc Syria, gia đình này đã trốn khỏi trại giam giữ của người Kurd và bị giam giữ sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát Đức hiện nay cũng đã không ban hành lệnh bắt giữ họ cũng do chứng cứ cho việc họ “ủng hộ các tổ chức khủng bố nước ngoài” không đủ.

Những người hồi hương sẽ bị giám sát an ninh?

Đúng vậy, bởi vì cơ quan an ninh muốn thu thập chứng cứ và phá vỡ kế hoạch tấn công khủng bố của “Nhà nước Hồi giáo". Luật sư Erdham cho biết, chỉ cần quá trình điều tra bắt đầu, những người hồi hương này sẽ bị cảnh sát giám sát, “khi cần thiết áp dụng biện pháp hiệu quả”. Những biện pháp nhằm ngăn chặn họ trốn thoát bao gồm: cấm ra nước ngoài và thu hồi hộ chiếu của họ.

Các thành viên IS bị giam giữ trong một trại tạm giam của người Kurd.
Các thành viên IS bị giam giữ trong một trại tạm giam của người Kurd.

Trong giới chính trị Đức đã xuất hiện những ý kiến đề nghị từ chối nhận về những người ủng hộ “Nhà nước Hồi giáo”. Họ cho rằng cảnh sát và tòa án sẽ kiệt sức do các thủ tục giám sát quá nhiều. Chính phủ liên bang cũng không đưa ra tuyên bố tích cực về vấn đề này. Kể từ mùa Hè này, Đức chỉ thu nhận những đứa trẻ vị thành niên bị nghi ngờ là thành viên IS.

Có thể hủy quốc tịch Đức của những người bị hồi hương hay không?

Không thể. Đức đã ban hành một đạo luật trong năm nay quy định rằng: nếu một thành viên của một tổ chức khủng bố có quốc tịch khác, thì quốc tịch Đức của anh ta sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, luật này không áp dụng cho các thành viên của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” vì họ đã rời khỏi Đức trước khi đạo luật được ban hành. Trong mấy năm qua, có khoảng hơn 1.000 người mang quốc tịch Đức đã tới Syria và Iraq để tham gia cuộc chiến của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo”.

Một binh sỹ người Kurd kiểm tra tù binh IS bị giam giữ trong trại giam.
Một binh sỹ người Kurd kiểm tra tù binh IS bị giam giữ trong trại giam.

Hồi hương cựu thành viên IS – cục xương khó nuốt của các nước Âu Mỹ

5 năm trước, khi IS đang hoành hành ở Iraq và trên lãnh thổ Syria, hàng ngàn người nước ngoài đã được tuyển mộ vào tổ chức khủng bố này. Với việc IS mất đi thành trì cuối cùng ở Syria vào tháng 3 năm nay, số phận của những người này trở nên khó lường.

Các nước châu Âu từ chối hồi hương những thành viên này về nước vì sợ bị tấn công. Họ kiên trì cho rằng những thành viên này phải bị xét xử ở nơi bị bắt hoặc chuyển đến Iraq để truy tố. Một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, thậm chí đã tước bỏ quyền công dân của các thành viên tổ chức cực đoan này để đảm bảo rằng họ không thể nhập cảnh các nước này.

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã công bố quyết định hồi hương những người này, nói rằng cho dù ai đó đã mất quốc tịch, thì họ vẫn sẽ làm như vậy.

“Đất nước chúng ta không phải là khách sạn dành cho các “chiến binh thánh chiến”. Tôi nên làm gì với những kẻ khủng bố này bây giờ?”. Ông Soylu nói.

Theo ông Suleyman Soylu, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tổng cộng 287 thành viên của IS, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống vào miền bắc Syria vào tháng trước. Do nguyên nhân nội loạn, phía Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng vũ trang người Kurd ở miền bắc Syria là những kẻ khủng bố. “Lực lượng Dân chủ Syria” SDF, đã giam giữ khoảng 10.000 tù nhân chiến tranh IS trong các nhà tù ở phía đông bắc Syria. Trong số đó, ngoài người Syria và Iraq, có khoảng 2.000 thành viên người nước ngoài đến từ đến từ 60 quốc gia khác nhau.

Ông Suleyman Soylu: Thổ Nhĩ Kỳ không phải là khách sạn dành cho các “chiến binh thánh chiến”
Ông Suleyman Soylu: Thổ Nhĩ Kỳ không phải là khách sạn dành cho các “chiến binh thánh chiến”

Điều này gây ra rất nhiều hoảng loạn. Các quan chức Mỹ nói, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria vào ngày 9/10, đã có hơn 100 thành viên IS bị nghi ngờ đã trốn khỏi các nhà tù và trại tạm giam.

Với cái chết của thủ lĩnh IS Abu Becker Baghdadi trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực rất lớn trong việc xử lý tổ chức này. Trong vài tuần qua, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố đã bắt giữ hàng trăm chiến binh và hơn 1.100 thành viên IS ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có cả gia đình Baghdadi.

Đồng thời, họ cũng bắt đầu thúc đẩy các nước phương Tây hồi hương công dân của họ.

Trong một quyết định đưa ra hôm thứ Hai, 11/11, một tòa án Hà Lan phán quyết rằng chính phủ cần phải thu nhận 56 trẻ em bị giam cầm trong trại tị nạn Syria. Luật sư nói, 23 bà mẹ không thể hồi hương cùng với con trừ khi có lý do chính đáng để ở bên chúng. Nhiều khả năng những bà mẹ này sẽ bị bắt khi họ nhập cảnh Hà Lan.

Theo Deutsche Welle, Ifeng