|
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành từ tháng 10/2015.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Chu Văn Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam khẳng định: Trong thành tích chung của ngành TT&TT có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng nữ CBCNVC-LĐ trên tất cả các lĩnh vực, từ xây dựng chính sách, đào tạo, tổ chức triển khai, đến các hoạt động xã hội của các đoàn thể, đơn vị cơ sở. Vị trí và vai trò của phụ nữ là không thể thiếu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.
Ông Chu Văn Bình cho biết: Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ TT&TT và Công đoàn TT&TT Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015, cụ thể hóa bằng các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với đặc thù là ngành có lao động nữ chiếm tỷ lệ cao. Theo đó, 5 năm qua, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CBCNVC-LĐ trong công cuộc đổi mới, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm đạt được hiệu quả cao hơn trong việc thực hiện Chương trình hành động về bình đẳng giới, Công đoàn TT&TT Việt Nam đề xuất Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu có lồng ghép công tác bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định: “Bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ rất quan trọng đối với quyền con người và sự phát triển kinh tế - xã hội. Bình đẳng giới không có nghĩa nam giới và nữ giới là giống nhau, đều làm mọi việc như nhau. Bình đẳng giới phải được hiểu một cách đầy đủ là nam giới và phụ nữ được trải nghiệm ở những điều kiện như nhau để phát huy đầy đủ tiềm năng của mình, có cơ hội tham gia, đóng góp và hưởng lợi như nhau từ các hoạt động phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội”.
Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Phan Tâm, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ ngành TT&TT nói riêng đã và đang khẳng định trách nhiệm của mình trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành chính trị gia, nhà quản lý, doanh nhân thành đạt... Bình đẳng giới ở Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, giai đoạn 2011 – 2015, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được Bộ TT&TT thực sự quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp, chương trình hành động cụ thể. Trong đó, Bộ TT&TT đã góp ý chính sách liên quan đến lao động nữ cho một số văn bản pháp luật như Luật Lao động, Luật Cán bộ công chức, Luật Hôn nhân và gia đình..., trong đó quán triệt yêu cầu lồng ghép về giới ngay trong quá trình soạn thảo.
Thứ trưởng Phan Tâm mong muốn, phụ nữ ngành TT&TT nói riêng tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2011 – 2015, chúng ta bước tiếp vào giai đoạn 2016 – 2020 với quyết tâm để Bộ TT&TT đạt và vượt mục tiêu “đến năm 2020, về cơ bản đảm bảo bình đẳng giới đạt về thực chất giữa nam và nữ”..
Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Tâm và Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam đã trao tặng Bằng khen của Công đoàn TT&TT Việt Nam cho 9 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động tổ chức triển khai chương trình hành động về bình đẳng giới
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong bình đẳng giới của ngành TT&TT trong giai đoạn vừa qua và góp phần quan trọng vào sự nghiệp chính trị của ngành.
Để thực hiện có hiệu quả về bình đẳng giới trong giai đoạn 2016-2020, bà Nguyễn Thị Thu Hồng đề nghị Bộ TT&TT quan tâm, tiếp tục tăng cường các vị trí lãnh đạo và giao quyền cho phụ nữ bởi đây là nhiệm vụ đầu tiên trong Chiến lược quốc gia về về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, ngành TT&TT cũng cần cụ thể hóa các vấn đề bình đẳng giới. Bình đẳng giới phải trở thành suy nghĩ thường xuyên của mọi người, toàn xã hội. Bộ TT&TT có vai trò quan trọng vào thay đổi bất bình đẳng giới. Ngành cũng cần lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với từng nhiệm vụ và điều kiện ở các đơn vị trong ngành.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra buổi Tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Tiến sĩ Khoa học Đoàn Hương nói về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong bình đẳng giới.