Đã có những tài liệu nói tới phỏng sinh học từ những năm 1960
Ngay từ những năm 1960, Nhà xuất bản Thanh niên đã xuất bản bộ sách “Đường vào khoa học” được dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Trong rất nhiều nội dung hấp dẫn của bộ sách này, có hẳn một chương về ngành phỏng sinh học – một chuyên ngành chuyên nghiên cứu các cơ chế sinh học để phục vụ nhu cầu của các ngành như chế tạo máy, hàng không, hàng hải, tự động hoá, chế tạo robot v.v.
Phỏng sinh học có tên tiếng Anh là Biotics/Biomimetics. Nói một cách hình tượng, để chế tạo máy bay thì người ta phải nghiên cứu về các loài chim, côn trùng có cánh v.v. Còn để chế tạo tàu thuỷ, tàu ngầm thì phải nghiên cứu về các loài sinh vật sống dưới nước.
Để chế tạo máy bay, các nhà khoa học phải nghiên cứu về các loài chim |
Tại các nước phát triển, đây là ngành học đã có từ trước Thế Chiến II. Chính nhờ vào những nghiên cứu về các cơ chế sinh học như đã nói ở trên, người ta đã thành công trong việc chế tạo máy bay, tàu thuỷ, tàu ngầm v.v.
Và đương nhiên, phỏng sinh học còn có giá trị cả với công nghệ vật liệu vì điển hình có thể nói tới loài ốc đã tạo ra những chiếc vỏ can xi của nó bằng cơ chế sinh học. Không rõ cơ chế này đã ứng dụng được đến đâu nhưng theo một chuyên gia khảo cổ hoạt động độc lập thì nếu có những nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này thì hoàn toàn có thể vá được vỏ tàu thuỷ một cách thuận tiện ngay trong hành trình dưới nước.
Cũng cần nói thêm là khi trời nắng thì đứng dưới bóng cây thường rất mát mẻ. Trong khi đó, nếu đứng dưới mái nhà thì vẫn phải chịu cảnh nóng nực. Và cho đến nay, cơ chế sinh học này vẫn chưa cho ra đời được những vật liệu xây dựng có thể toả bóng mát như vậy.
Qua những ví dụ trên đây, có thể nói phỏng sinh học là một ngành học đầy sức hấp dẫn và đương nhiên nền khoa học Việt Nam rất cần đến lĩnh vực này. Thế nhưng…
Không tìm thấy chuyên gia phỏng sinh học ở Việt Nam
Từ nhiều năm nay, tác giả bài viết này đã hỏi khắp các trường Đại học và Viện nghiên cứu trong nước, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy ai là chuyên gia về phỏng sinh học.
Khi trao đổi vấn đề này với một cán bộ trẻ ở Viện Tự động hoá thuộc Bộ Công Thương thì điều đáng buồn là vị cán bộ này lại nhầm lẫn với một lĩnh vực khác là mô phỏng sinh học (Biology Simulations) . Tức là sử dụng sự trợ giúp của công nghệ thông tin để làm thí nghiệm về sinh học.
Cũng chẳng trách được người cán bộ trẻ nói trên, vì nếu có đặt câu hỏi này với các thế hệ đi trước thì họ cũng khó trả lời, bởi phỏng sinh học là một lĩnh vực không được chú ý ở Việt Nam.
Chính một vị lãnh đạo của Hội các ngành Sinh học Việt Nam khi được hỏi đã thú nhận rằng bản thân mình hoàn toàn xa lạ với phỏng sinh học và trong các hội viên cũng không có ai là chuyên gia về lĩnh vực này.
Vậy thì những người lãnh đạo ngành khoa học công nghệ của đất nước nghĩ gì về thực tế của phỏng sinh học và nhu cầu phải có nguồn nhân lực về phỏng sinh học được đào tạo bài bản ở nước ngoài?
Là cơ quan quản lý và hoạch định chiến lược khoa học, thiết nghĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nên có những nghiên cứu về lĩnh vực này.
Cũng cần nói thêm là phỏng sinh học có thể nói là ngành khoa học tương đối gần gũi với chế tạo máy và tự động hoá. Chính vì thế, không thể chậm trễ hơn, vấn đề này phải được đặt ra ít nhất với hai ngành chế tạo máy và tự động hoá.
Rất mong rằng sau bài báo này, các cơ quan nghiên cứu KHCN ở Việt Nam, trước hết là ngành chế tạo máy và tự động hoá, có sự quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực phỏng sinh học. Trước mắt, với các chương trình du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước thì phải ưu tiên những suất học bổng về phỏng sinh học. Còn sau khi có được đội ngũ chuyên gia về phỏng sinh học thì đương nhiên họ sẽ trở thành những nhà nghiên cứu, giảng dạy chính thức ở các Viện nghiên cứu và trường Đại học ở Việt Nam.
Hiện tại trong khi chưa thể có ngay những chuyên gia về phỏng sinh học thì rất cần có các hội thảo khoa học theo nhiều hình thức khác nhau để giới thiệu đến sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam về lĩnh vực khoa học này, nhất là trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta cần chủ động nắm bắt và ứng dụng thực tiễn.