Phòng, chống COVID-19: Văn bản của nhiều địa phương chưa thống nhất với hướng dẫn của Trung ương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ủy ban Xã hội cho rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15

Tại Báo cáo tóm tắt thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Xã hội cho rằng, vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương.

Về công tác y tế

Ngày 20/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội đã trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền.

Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương và chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật; trong chỉ đạo, điều hành đôi lúc còn lúng túng, thiếu thống nhất; việc phân cấp cho các địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Xã hội thấy rằng, công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Về công tác y tế, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế phối với các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân. Cán bộ, nhân viên y tế không quản ngại vất vả, hiểm nguy, luôn đi đầu trong phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chỉ ra một số hạn chế như: chưa huy động hiệu quả sự tham gia của y tế tư nhân; nhiều loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa được bảo hiểm y tế thanh toán…

Các lĩnh vực khác

Về bố trí nguồn lực, Ủy ban Xã hội thấy rằng, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo là lớn nhưng nguồn huy động từ xã hội giảm dần, chính vì vậy, ngân sách nhà nước vẫn sẽ vẫn là nguồn lực chính.

Về sản xuất kinh doanh và lao động - việc làm, trước thực trạng dịch bệnh có tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Một số ý kiến cho rằng việc áp dụng phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" tại một số nơi còn chưa thực sự phù hợp, làm tăng gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp; Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiến độ phục hồi chậm, khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ tín dụng, các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp còn khó khăn, khả năng hấp thu vốn ngân hàng của các doanh nghiệp là rất yếu do giãn cách quá lâu.

Về an sinh xã hội, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Về giáo dục - đào tạo, để thích ứng với đại dịch COVID-19 và đảm bảo quyền học tập của học sinh, sinh viên, Chính phủ đã linh hoạt triển khai các hình thức học tập trực tuyến, học qua truyền hình, các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khai giảng năm học mới phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội; phát động và thực hiện hiệu quả Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Mặc dù vậy, việc triển khai hình thức học trực tuyến còn một số khó khăn, bất cập cả từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình, chất lượng khó đảm bảo, có nguy cơ gây ra một số hệ lụy không tốt cho trẻ em; hạn chế việc thực hành của học sinh, sinh viên.

Về truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin, Ủy ban Xã hội thấy rằng, Chính phủ về cơ bản đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19.

(Theo https://suckhoedoisong.vn/phong-chong-covid-19-van-ban-cua-nhieu-dia-phuong-chua-bao-dam-tinh-thong-nhat-voi-huong-dan-cua-trung-uong-169211020144317982.htm?fbclid=IwAR1BgzcUFEjiWxxVNXXYgoNxfBDE1rS1bmwKX7R3W0VmIjVD93pZlQOn5ss)