Ô nhiễm không khí tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội ở các thành phố lớn trong cả nước. Những năm qua, TP.HCM đã triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp để kiểm soát nguồn thải, góp phần kéo giảm ô nhiễm không khí.
Thông tin từ tờ SGGP, trong Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, TP. HCM đã đặt mục tiêu “Giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải tại TPHCM”.
Các số liệu đo đạc, tính toán trên thực tế cho thấy nồng độ các chất có khả năng gây ô nhiễm không khí đều có xu hướng giảm. So với năm 2016, nồng độ CO giảm từ 19%-42%; bụi giảm từ 1%-29%; NOx giảm từ 76%-90% tại các vị trí Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, An Sương.
Kẹt xe là nguyên nhân khiến tăng lượng phát thải. Ảnh: Thanh Niên
|
Sở TN-MT TP.HCM cho biết đây là kết quả của việc tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích tiêu dùng xăng E5,...
Sở TN-MT TP.HCM cũng xây dựng hệ thống chạy trên nền tảng web, gồm các điểm, vị trí quan trắc, những thông tin chung và các số liệu của từng vị trí quan trắc; tích hợp lên cổng thông tin quan trắc môi trường và ứng dụng trên nền tảng di động; cho phép truy cập, truy xuất và theo dõi dữ liệu quan trắc môi trường (thủ công và tự động liên tục) thông qua điện thoại thông minh,... giúp người dân nắm bắt và có những thay đổi, hành động phù hợp.
Bên cạnh Sở TN-MT, Sở GTVT TP.HCM cũng tích cực tổ chức giao thông khoa học, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế gây ô nhiễm không khí. Các hoạt động gồm: phân luồng giao thông, tổ chức giao thông phục vụ thi công một số dự án trọng điểm như: xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1; cải thiện môi trường nước giai đoạn 2; xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương; nâng cấp mở rộng cầu Chữ Y, cầu Kênh Tẻ; xây dựng cầu Thủ Thiêm 2… Sở cũng đẩy mạnh hoạt động phối hợp cung cấp, xử lý thông tin phản ánh qua các group Viber của các nhóm phản ứng nhanh.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết thành phố đang tiếp tục triển khai các biện pháp hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng. Trong năm 2021, dự kiến thành phố sẽ đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (chiều dài 23km, lộ trình từ vòng xoay An Lạc đến ga Rạch Chiếc, tổng mức đầu tư khoảng 3.036 tỷ đồng).
Trong năm 2020, TP.HCM tiếp tục triển khai đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và một trạm quan trắc không khí tự động, di động; tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm các trạm quan trắc không khí tự động liên tục sau năm 2020 đến trước năm 2030; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng và doanh nghiệp.
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết, thành phố đang đẩy mạnh triển khai đề án kiểm tra khí thải đối với các phương tiện giao thông để giảm các chất gây ô nhiễm không khí. Ông cho rằng việc ban hành quy định, chính sách quản lý về phát thải nói chung và đối với các phương tiện cơ giới cũng như mô tô, xe gắn máy nói riêng là rất cần thiết trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn.