Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Virus lây lan nhanh thì chúng ta phải nhanh hơn tốc độ lây lan của nó”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan chóng mặt, nhưng các đơn vị, địa phương phải có biện pháp ứng phó nhanh hơn tốc độ lây lan của virus.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Minh Thuý)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Minh Thuý)

Đây chính là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại cuộc họp khẩn quán triệt công tác phòng, chống COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào chiều nay (28/1).

Bình tĩnh, cảnh giác để chống dịch

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sáng nay (28/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký chỉ thị về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 sau khi phát hiện hàng loạt ca mắc COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các địa phương phải giữ tinh thần cảnh giác cao độ (Ảnh: Minh Thuý)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các địa phương phải giữ tinh thần cảnh giác cao độ (Ảnh: Minh Thuý)

Nhận định về tình hình dịch COVID-19 ở nước ta, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Tất cả những trường hợp như hôm nay đều đã được lường trước và có kế hoạch ứng phó. Tuy nhiên, ổ dịch xảy ra ở TP. Chí Linh, TP. Hải Dương liệu có thể xảy ra với tỉnh khác hay không thì đòi hỏi các địa phương phải rất bình tĩnh để thực hiện công tác phòng, chống dịch, giữ tâm thế cảnh giác cao độ.

“Thực tế, ổ dịch ở Chí Linh đã phát hiện thêm 72 trường hợp, ổ dịch ở Vân Đồn phát hiện thêm 10 trường hợp. Sau khi tiến hành phân tích biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, theo nhận định ban đầu, chủng virus này lây lan nhanh hơn bình thường, 3 ngày lây hết 1 vòng, dự kiến có thể lây lan đến 4 vòng” – Phó Thủ tướng nói.

Hiện, ở TP. Chí Linh đã lấy gần 4.000 mẫu xét nghiệm. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện số lượng lớn ca bệnh nhưng không đáng lo ngại vì thành phố đã khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Đây chính là bài học của tất cả các địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Nguồn lây COVID-19 bắt đầu từ đâu?

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thứ khó lường nhất là mầm bệnh COVID-19 nằm trong cộng đồng. Nếu làm tốt biện pháp phòng dịch, mầm bệnh trong cộng đồng sẽ được phát hiện ngay.

Mầm bệnh làm lây lan COVID-19 thứ 2 là từ những người đã nhập cảnh từ nước ngoài về Việt Nam. Thực tế, không ít người khai báo y tế không nghiêm túc và không thực hiện nghiêm quy định cách ly. Điển hình chính là ca bệnh 1.440 ở TP. Hồ Chí Minh. Rõ ràng, khâu về nhà và theo dõi cách ly còn lỏng lẻo nên phải siết chặt quản lý. Do đó, các địa phương không thể để những bài học này trở nên vô nghĩa.

Mầm bệnh thứ 3 xuất phát từ những người nhập cảnh bất hợp pháp. Biên giới nước ta rất dài nên không chỉ cơ quan chức năng mà mọi người dân đều phải vào cuộc. Tất cả những người có người thân ở nước ngoài cần vận động cam kết trên địa bàn có ai về từ nước ngoài phải thông báo. Nếu làm tốt, chắc chắn dịch COVID-19 sẽ không bùng phát ở Việt Nam.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn (Ảnh: Minh Thuý)

Nhân viên y tế phun khử khuẩn (Ảnh: Minh Thuý)

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Có kiểm soát được dịch bệnh hay không là ở chúng ta. Con virrus lây lan nhanh thì chúng ta phải nhanh hơn tốc độ lây lan của nó.”

Vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chúng ta phải giữ bằng được các bệnh viện vì chủng virus mới lây lan rất nhanh. Bây giờ chúng ta phải nâng mức cảnh báo. Chủng mới lây lan rất nhanh, rất nguy hiểm khi lan ra đội ngũ thầy thuốc. Hải Dương là một trong số ít tỉnh có nhiều người già, người có bệnh nền cao nhất cả nước. Vì thế, các tỉnh phải giữ chặt hệ thống y tế, tuyệt đối không để dịch bùng phát như ở Đà Nẵng.”

Hiện, các địa phương đã quyết tâm khoanh vùng, dập dịch vhỉ trong 10 ngày. “Tôi kêu gọi nhân dân phong toả là nếu làm tốt, chúng ta có thể quay về cuộc sống bình thường. Nếu không kiên quyết thì chúng ta sẽ rất khó khăn, không lường trước được hậu quả. Khi nghi có F1 thì phải coi như F0, có F2 thì coi như F1. Đây chính là nguyên tắc, đồng thời, nghiêm túc kiểm tra khẩu trang, xử phạt. Nếu không làm nghiêm thì 10 nơi như Hải Dương Bộ Y tế không thể chi viện nổi.” – Phó Thủ tướng nói.

Không thể xét nghiệm được 100 triệu người dân Việt Nam nên không được bỏ sót những trường hợp nghi ngờ

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - nhấn mạnh: Các địa phương riêng về công tác khám, chữa bệnh những người ho, sốt, khó thở là phải cảnh giác, thực hiện nghiêm quy định của Cục về tiêu chí bệnh viện an toàn, trong dó, rà soát lại toàn bộ việc phân luồng, phát hiện cách ly, xét nghiệm và tổ chức điều trị. Với các phòng khám ngoài công lập phải báo ngay với CDC khi có những trường hợp nghi ngờ.

“Chúng ta không thể xét nghiệm được 100 triệu người dân Việt Nam những tất cả những trường hợp có nghi ngờ thì không thể bỏ sót. Các bệnh viện, sở y tế phải nêu cao tinh thần cảnh giác” - ông Khuê nói.

Ông Khuê yêu cầu các bệnh viện cần tăng cường khử khuẩn, có biển báo sẵn sàng tiếp nhận các bênh nhân để người dân đến bệnh viện. Người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện phải sàng lọc ngay và tiến hành phân luồng. Thực tế có một số bệnh nhân vào trong bệnh viện, tiếp xúc với bảo vệ, người bảo vệ xe rồi mới phân luồng. Bài học ở Bệnh viện E và một số bệnh viện khác phải rút kinh nghiệm.

Bệnh viện phải sàng lọc phía ngoài, không được phép cho vào bệnh viện khi chưa được sàng lọc, kiểm tra. Bệnh viện phải thông báo cho bệnh nhân hiểu về nơi điều trị, không giữ bệnh nhân, đồng thời, phôi hợp với CDC để phát hiện sớm những ca bệnh nghi ngờ.