|
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Chiều 14/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Đây là buổi làm việc đầu tiên của ông ở vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số với Bộ TT&TT.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành TT&TT đã đạt được, đặc biệt là những nỗ lực của Bộ TT&TT nhằm đưa một số chỉ số của Việt Nam vượt trên mức trung bình của thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Công nghệ số là con đường ngắn nhất và có thể rẻ nhất để đi đến tương lai.
Bộ TT&TT hiện đang thực hiện nhiều chức năng quản lý liên quan đến lĩnh vực số như Công nghệ số, Chuyển đổi số, Kinh tế số, Công dân số. Đây là những lĩnh vực tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.
"Mọi người cũng đang chờ đợi và chào đón những thay đổi trong lĩnh vực này, mà cái hot nhất, hấp dẫn nhất là trí tuệ nhân tạo, cả mặt thuận và chưa thuận" - Phó Thủ tướng chia sẻ, đồng thời, khẳng định xã hội đang rất hào hứng, quan tâm đến sử dụng Công nghệ số và đang chờ đợi những thay đổi mà Chuyển đổi số mang lại.
Trong thời gian tới, do yêu cầu của cuộc sống đặt ra cao hơn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới mang tính đột phá, nên nhiệm vụ của ngành TT&TT sẽ có nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TTT&TT tích cực trong việc rà soát để từng bước sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành.
Bộ TT&TT cần hoàn tất việc xây dựng dự thảo các luật (Luật Viễn thông sửa đổi, Luật Công nghiệp Công nghệ Số, Luật Giao dịch điện tử, Luật Tần số vô tuyến điện) cùng các nghị định, thông tư kèm theo, để tạo hành lang pháp lý, cơ sở cho sự phát triển các lĩnh vực liên quan.
Để đáp ứng nhu cầu và vượt qua thách thức mới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng Bộ TT&TT cần đưa ra các giải pháp với các không gian phát triển mới.
Trước ý kiến của một số doanh nghiệp về những vướng mắc trong thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung sửa đổi các thể chế, quy định còn chồng chéo, vướng mắc, để khơi thông cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với ngành TT&TT, đồng thời, mong muốn ngành luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ngành TT&T coi thách thức mới là động lực mới
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 5 năm qua, ngành TT&TT, Bộ TT&TT đã có nhiều đổi mới và đã có những thành tích nhất định, nhưng những thách thức mới không vì thế mà ít đi, thậm chí nhiều hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định toàn ngành TT&TT luôn coi thách thức mới là động lực mới để tiếp tục phát triển, người đứng đầu ngành TT&TT cũng mong Phó Thủ tướng sẽ giao nhiều việc lớn, việc khó của Chính phủ, của đất nước cho ngành, cho Bộ TT&TT, để ngành TT&TT phát triển.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, từ tháng 7/2022, Bộ đang quản lý nhà nước hơn 10 lĩnh vực, trong đó có 4 lĩnh vực mới được Chính phủ bổ sung thêm, là Chuyển đổi số Quốc gia, Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và Công nghiệp công nghệ số.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ TT&TT đã và đang nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi, bổ sung và đề xuất xây dựng mới 7 dự án luật, trong đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua năm 2022 và 2023.
Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ TT&TT đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật trình Chính phủ: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012; đồng thời, đang nghiên cứu, xây dựng mới Luật Công nghiệp công nghệ số và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính năm 2012.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng mới Luật Chính phủ số, Luật Chuyển đổi số.
Bộ TT&TT cũng đã trình Chính phủ ban hành 16 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quyết định và Bộ đã ban hành 93 thông tư thuộc thẩm quyền.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành TT&TT là 12,4%, gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành là 3.893.595 tỉ đồng; tổng nộp ngân sách toàn ngành là 98.982 tỉ đồng.
Tổng số lao động toàn ngành là trên 1,5 triệu người. Tổng số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn ngành là gần 85.000 đơn vị, gồm khoảng hơn 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số…/.