Nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông và kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp đối với khí N2O, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế; nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người.
Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O; khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để thống nhất biện pháp quản lý, quy định đầy đủ hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính bảo đảm tính răn đe.
Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi giải thích từ ngữ về Chất hướng thần trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có cơ sở bổ sung khí N2O và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất trong Nghị định của Chính phủ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh khí N2O; đôn đốc, phối hợp với các Bộ, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ trên, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12.
Theo các chuyên gia y tế tế, khí N2O có thể gây cảm giác hưng phấn và muốn cười nên còn được gọi là khí cười. Việc lạm dụng khí cười có thể dẫn tới co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, ngất. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp thì cũng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác. Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, khí N2O cũng có thể gây ảo giác, có dấu hiệu tượng tự như ma túy tổng hợp và cũng gây nghiện. |