Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Ưu tiên làm sạch dữ liệu khách hàng đang còn dư nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN, ngành ngân hàng sẽ ưu tiên làm sạch dữ liệu khách hàng đã có dư nợ và hoạt động này sẽ được hoàn thành trong tháng 6/2023.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2023 (Ảnh: Đăng Khoa)
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2023 (Ảnh: Đăng Khoa)

“Phấn đấu đến tháng 6/2023, hoàn thành xác thực 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng” – đó là một trong những mục tiêu đáng chú ý trong Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Công an.

Mục tiêu này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự ‘Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023’, tổ chức hôm 18/5. VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc NHNN – về nội dung này.

Video Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nói về "làm sạch dữ liệu"

PV: Thưa ông, cơ sở dữ liệu dân cư có tác dụng thế nào với ngành ngân hàng khi mà cơ sở dữ liệu này được liên thông với dữ liệu ngân hàng?

Ông Phạm Tiến Dũng: Với chúng tôi, cơ sở dữ liệu dân cư vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, nhờ dữ liệu dân cư mà chúng tôi có thể làm sạch được những dữ liệu ngân hàng có từ trước đây.

Thứ hai, đối với khách hàng mới, ngành ngân hàng có thể kiểm tra và xác thực theo các quy định về đăng ký khách hàng mới.

Thứ ba, khi dữ liệu dân cư có đầy đủ, thì các ngân hàng thương mại có thể sử dụng dữ liệu dân cư để có thể tiến hành các hoạt động cho vay trên nền tảng điện tử.

PV: Mục tiêu ngành ngân hàng đến tháng 6/2023 làm sạch được 51 triệu dữ liệu khách hàng, đến nay mới hoàn thành 25 triệu dữ liệu. Ngành ngân hàng có giải pháp nào để đẩy nhanh tiến trình này?

Ông Phạm Tiến Dũng: 51 triệu dữ liệu này là dữ liệu của người vay tại CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam – PV). Hiện nay, NHNN ưu tiên làm sạch dữ liệu tại CIC đối với khách hàng đang có dư nợ trước.

Cách làm sạch dữ liệu CIC khác hơn làm sạch dữ liệu của từng cá nhân. Chúng tôi làm sạch theo lô. Với cách làm như thế thì sự phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an sẽ đạt được tiến độ đề ra.

PV: Hiện nay còn khoảng bao nhiêu dữ liệu khách hàng cần làm sạch thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Hiện nay còn khoảng hơn 20 triệu dữ liệu khách hàng, nhưng như tôi đã nói ở trên, sẽ ưu tiên làm sạch trước cho các khách hàng đang còn dư nợ. Còn các khách hàng có lịch sử tín dụng rồi nhưng không có hoạt động tín dụng trong những năm gần đây và cũng không có dư nợ thì chúng tôi chưa làm ngay.

PV: Việc làm sạch dữ liệu sẽ hạn chế được những bất cập gì trong hoạt động ngân hàng?

Ông Phạm Tiến Dũng: Theo quy định hiện nay, khi tiến hành cho vay thì các ngân hàng sẽ tham khảo thêm thông tin khách hàng đang vay ở những đâu. Thực tế hiện nay khách hàng đi vay có khi khai báo bằng chứng minh thư, có khi bằng căn cước công dân (CCCD) 9 số hoặc CCCD gắn chip. Chính nhờ việc làm sạch mà chúng tôi có thể gộp cả 3 loại dữ liệu này và biết được một khách hàng đang vay ở những ngân hàng nào, qua đó có những thông tin chính xác giúp phòng ngừa rủi ro.

PV: Thời gian qua đã có một số vụ kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của người dân. Ngành ngân hàng có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Ông Phạm Tiến Dũng: Đúng là có một số nguy cơ, kể như kẻ xấu dùng giấy tờ giả, mở tài khoản và cho thuê lại tài khoản, sử dụng tài khoản cho thuê để thực hiện các hành vi giao dịch bất hợp pháp.

Đối với nguy cơ thứ nhất, chúng tôi phải xác thực khách hàng – trực tiếp tại quầy hoặc trực tuyến qua các kênh giao dịch.

Đối với nguy cơ thứ hai, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng có giải pháp xác thực được người giao dịch và chủ tài khoản để hạn chế tình trạng cho mượn và cho thuê tài khoản.

Tạo hành lang pháp lý cho vay online

PV: Hiện nay, một số ngân hàng đã cho doanh nghiệp, người dân vay mua nhà thông qua hình thức trực tuyến (online). Vậy NHNN có những biện pháp gì để vừa đảm bảo thông thoáng cho vay online, vừa tránh nguy cơ nợ xấu?

Ông Phạm Tiến Dũng: NHNN đã lấy ý kiến đầy đủ từ các Bộ, ngành về Thông tư 39 (sửa đổi) và đang chờ phần hoàn thiện cuối cùng để đưa ra làm nền tảng cho các ngân hàng thực hiện các thủ tục cho vay online.

Trong Thông tư 39 (sửa đổi) có quy định về việc xác thực khách hàng như thế nào, đối tượng cho vay, kiểm tra điều kiện cho vay cũng như sau cho vay đối với các hoạt động cho vay trong môi trường điện tử.

Các ngân hàng hiện nay cho vay online nhưng một số khâu vẫn phải có chữ ký. Online ở đây là hoàn toàn tự động hóa nhưng khâu cuối cùng là ký vẫn phải thực hiện với giấy tờ để kiểm soát.

Trong thời gian tới, khi Thông tư 39 (sửa đổi) được thông qua thì sẽ thực hiện online hoàn toàn.

PV: Trong bài phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nói ngân hàng phải tiên phong trong chuyển đổi số. Trong giai đoạn tới, ngành ngân hàng sẽ làm những gì thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Điều đầu tiên mà các ngân hàng thương mại mong muốn là khuôn khổ pháp lý phải đáp ứng được kịp thời các sự phát triển cũng như nhu cầu thực tiễn. Việc đó Ngân hàng Nhà nước sẽ phải làm.

Điểm thứ hai, chúng ta có thể nhìn thấy là hầu như người dùng có thể thanh toán QR code tại bất kể cửa hàng nào.

Để làm được điều đó với hàng chục nghìn cửa hàng, hàng triệu người dân, hàng trăm ngân hàng, thì chúng ta phải làm hạ tầng dùng chung, có tiêu chuẩn chung và phải đáp ứng được hàng triệu giao dịch trong một ngày. Việc đó ngành ngân hàng phải làm thường xuyên.

PV: Xin cảm ơn ông!