Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2023

3 nguyên nhân khiến dữ liệu khách hàng chưa được làm sạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Chứng minh nhân dân 9 số là một trong ba nguyên nhân tạo kẽ hở cho kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thăm gian triển lãm của các ngân hàng tại sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2023" (ảnh: Đăng Khoa)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thăm gian triển lãm của các ngân hàng tại sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2023" (ảnh: Đăng Khoa)

Sáng nay (18/5), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023.

Với Chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số", sự kiện thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Chính phủ (đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư - PV); Kế hoạch 810 của Ngân hàng Nhà nước về "Chuyển đổi số toàn diện ngành ngân hàng"; cũng như Kế hoạch 01 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong việc làm sạch dữ liệu khách hàng, chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến...

Về công tác làm sạch dữ liệu khách hàng, theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), có 3 nguyên nhân khiến dữ liệu khách hàng chưa sạch:

Thứ nhất, trước đây việc khách hàng dùng CMND 9 số để đăng ký tài khoản có thể dẫn đến nguy cơ dễ dàng giả mạo giấy tờ. Nhiều giao dịch viên không thể xác định được khách hàng có chính chủ hay không khi sử dụng CMND 9 số.

Thứ hai, kẻ xấu, kẻ gian đã lợi dụng người dân vùng sâu, vùng xa không có hiểu biết pháp luật để mua lại giấy tờ, từ đó núp bóng tài khoản chính chủ này để thực hiện hành vi trái pháp luật. Đây là hiện trạng nghiêm trọng khó giải quyết. Kẻ lừa đảo sử dụng nhiều tài khoản trung gian khác nhau (các tài khoản đều được mua lại) gây khó khăn cho việc điều tra, truy vết.

Thứ ba, khách hàng không chủ động cập nhật thông tin cho ngân hàng. Ví dụ, anh T là sinh viên mở tài khoản Vietinbank. Khi xây dựng gia đình, anh chuyển địa chỉ cư trú nhưng không cập nhật cho ngân hàng.

Tran Cong Quynh Lan.jpg
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ tại sự kiện

Ngày 24/4 vừa qua, Bộ Công an và ngành ngân hàng đã ký phối hợp triển khai Làm sạch dữ liệu ngành ngân hàng. Việc làm sạch thực hiện theo 5 nguyên tắc:

Thứ nhất, làm sạch dữ liệu toàn bộ khách hàng. Để tối ưu hóa việc làm sạch thì ưu tiên các tài khoản đã có giao dịch tài chính, các tài khoản có lịch sử tín dụng tốt.

Thứ hai, Làm sạch ngay từ đầu vào, tránh có thêm các dữ liệu không sạch

Thứ ba, không chỉ làm sạch mà còn phải làm giàu dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu sinh trắc học. Điều này nhằm đảm bảo chính chủ và sự minh bạch dòng tiền

Thứ tư, tiết kiệm chi phí, bằng cách sử dụng kênh online để khách hàng chủ động xác thực mà không cần phải ra quầy giao dịch của ngân hàng.

Thứ năm, hướng đến cơ chế có thể làm sạch chủ động. Nếu có thay đổi về dữ liệu của khách hàng trên Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì dữ liệu này sẽ được tự động chuyển cho ngân hàng và tự động cập nhật.

5 nguyên tắc nói trên sẽ giúp tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, thực hiện được chuyển đổi số ngân hàng.

Dữ liệu dân cư quốc gia góp phần dịch vụ tài chính toàn diện, phục vụ được cho cả những người dân vùng sâu vùng xa. Thông tư 16 ra đời cho phép khách hàng mở tài khoản mọi lúc mọi nơi. Nhưng Thông tư 16 ra đời khi chưa có Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Các ngân hàng sử dụng CMND dễ bị giả mạo. Bây giờ với việc tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, cộng với căn cước công dân gắn chip, thì ngân hàng sẽ có được các thông tin khách hàng một cách chính xác. Bản thân con chip không thể giả mạo, nó cũng tích hợp dữ liệu khuôn mặt giúp ngân hàng dễ dàng đối soát.

Trường hợp nếu người dân không mang theo CCCD gắn chip khi làm thủ tục đăng ký tài khoản, thì ngành ngân hàng cũng có thể sử dụng ứng dụng VNeID tích hợp với ứng dụng ngân hàng để cài đặt lại xác thực.

Tham dự và phát biểu tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói rằng ông ấn tượng với những thành quả mà ngành ngân hàng đã đạt được như: tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%; tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của ngành.

Le Minh Khai.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao 4 nhóm nhiệm vụ cho ngành ngân hàng (ảnh: Đăng Khoa)

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngân hàng thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Thứ nhất, về xây dựng, cải cách thể chế: Cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số.

Thứ hai, về hạ tầng số: Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành.

Thứ ba, về an ninh, an toàn: Xu hướng toàn cầu hoá, chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, cùng sự phối hợp của các Bộ, Ban, ngành liên quan, với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể nhằm làm đem lại lợi ích mới cho khách hàng.

Nguyen Thi Hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (ảnh: Đăng Khoa)

Bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng. Trong thời gian tới, Ngân hàng nhà nước sẽ thực hiện 5 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng; đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán; ưu tiên kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cung cấp các dịch vụ, tiện ích phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng; xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; hướng dẫn khách hàng nhận biết, phòng tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.

Là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước là một điểm sáng về chuyển đổi số, đứng thứ 4 về xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, đứng thứ nhất về an toàn thông tin, 99% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình, trên 50% các nghiệp vụ được giao trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 đã được Ngân hàng nhà nước hoàn thành. Ngân hàng cũng đã có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành khác.

Nguyen Manh Hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh: Thanh Hiếu)

Bộ trưởng nói rằng ngành ngân hàng mà đi tiên phong trong chuyển đổi số thì sẽ kéo theo cả đất nước chuyển đổi số. Chuyển đổi số có mạnh mẽ hay không, có đi nhanh hay không, chủ yếu phụ thuộc vào người đứng đầu. Chuyển đổi số khác với ứng dụng công nghệ thông tin ở chỗ CNTT thì làm rời rạc, chuyển đổi số thì làm toàn trình, đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Ngành ngân hàng có 2 loại tài sản lớn là tiền và dữ liệu. Dữ liệu đang được tăng lên từng ngày và đây là một loại tài sản cực kỳ có giá trị.

“Ngành ngân hàng canh tác trên mảnh đất mới này (dữ liệu – PV) thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị mới cho ngành và cho đất nước. Dữ liệu mà được đánh thức thì cũng giống như con hổ ngủ được đánh thức, sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho ngành ngân hàng và cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Sau hai năm thực hiện Kế hoạch 810 về “chuyển đổi số toàn diện ngành ngân hàng”, ngành đã thu được một số kết quả đáng chú ý. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, đã trình bày báo cáo một số kết quả triển khai kế hoạch 810.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, để quán triệt nhận thức, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số. Ngân hàng cũng tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, các khóa đào tạo cho các cấp lãnh đạo. Trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số. Ngân hàng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 316 về thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ, hàng hóa nhỏ lẻ. Đến nay, đã có 3,71 triệu tài khoản Mobile money đang hoạt động với 8880 điểm kinh doanh và trên 15.300 điểm chấp nhận thanh toán.

Pham Anh Tuan.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (ảnh: Đăng Khoa)

Theo ông Phạm Anh Tuấn, các ngân hàng đã rất tích cực quan tâm đầu tư và phát triển về mặt hạ tầng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn. Hệ thống trung tâm thông tin tín dụng được đầu tư nâng cấp để tăng mức độ xử lý, khả năng tự động cập nhật…

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục C06 – Bộ Công an cho biết Bộ đã hoàn thành việc xây dựng quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 104 triệu dữ liệu công dân Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt “đúng – đủ - sạch – sống”; cấp trên 80 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử. Bộ Công an đã phối hợp với ngành ngân hàng thực hiện việc làm sạch dữ liệu khách hàng, đảm bảo xác minh danh tính khách hàng; tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Vu Van Tan.jpg
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục C06 – Bộ Công an (ảnh: Đăng Khoa)

Sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm nay được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được sau 2 năm triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ "Năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".

Tại Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ, Tài chính-Ngân hàng được xác định là một trong tám lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao.

Tham dự sự kiện có ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Về phía các Bộ, ngành có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Mai Thị Thu Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam…

Về phía ngành Ngân hàng có bà Nguyễn Thị Hồng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam và Ban lãnh đạo Ngân hàng nhà nước; các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số; Chủ tịch HĐQT/HĐTV và Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh; công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô, công ty viễn thông, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; đại diện một số trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội và các tổ chức quốc tế.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

vt_cds ngan hang 0.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thăm gian hàng của OCB
vt_cds ngan hang 01.jpg
Thăm gian hàng của Shinhan Bank
vt_cds ngan hang 02.jpg
Thăm gian hàng BIDV
vt_cds ngan hang 1.jpg
vt_cds ngan hang 2.jpg
vt_cds ngan hang 3.jpg
vt_cds ngan hang 4.jpg

Hệ thống xác thực hành khách tại sân bay cũng là sản phẩm được giới thiệu tại Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng

vt_cds ngan hang 5.jpg

Robot tiếp khách của Nam Á Bank. Robot được tích hợp nhận dạng giọng nói và ChatGPT, có thể giới thiệu các dịch vụ ngân hàng

vt_cds ngan hang 6.jpg
vt_cds ngan hang 7.jpg
vt_cds ngan hang 8.jpg
vt_cds ngan hang 9.jpg
vt_cds ngan hang 10.jpg

Các tập thể ngành Ngân hàng được tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số