"Những quan điểm và cách cư xử của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và gây rối hơn. Theo các nhà quan sát bên ngoài, Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật cắt lát, đó là triển khai những bước nhỏ mà từng bước đơn lẻ không đủ để gây nên khủng hoảng. Nhưng khi cùng được thực hiện, chúng cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc từng bước tạo ra những sự đã rồi trên khắp Biển Đông", AP dẫn lời ông Del Rosario hôm qua nói trước tòa PCA của Liên Hợp Quốc.
Theo ông Del Rosario, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) được ký kết bởi 162 quốc gia, là một yếu tố cân bằng để giúp các nước nhỏ hơn có thể yêu cầu những nước lớn ngừng vi phạm lãnh thổ của mình. Công ước này có thể bị suy giảm hiệu lực nếu không được sử dụng để ngăn Trung Quốc khỏi việc vi phạm các quyền trên biển của những nước liên quan.
Tòa PCA từ hôm qua bắt đầu xem xét vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố sở hữu hầu hết Biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra. "Đường 9 đoạn" đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Thông cáo báo chí của PCA cho biết tòa án cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, cử phái đoàn nhỏ đến với tư cách là quan sát viên.
Từ khi đệ đơn lên tòa PCA hồi đầu năm 2013, Philippines đến nay đã nộp hàng nghìn tài liệu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Manila muốn tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là bất hợp pháp và tin rằng tòa án sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho mình.
Trong khi đó, Trung Quốc từ chối dự vụ kiện và cho rằng PCA không có thẩm quyền xem xét vụ kiện của Philippines. Bắc Kinh còn cảnh báo Manila "chớ có đối đầu" và vẫn khẳng định giải quyết vấn đề theo song phương.
Ngoại trưởng Del Rosario lý giải các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, như ngăn Manila khai thác dầu và cản trở ngư dân đánh bắt cá là nguyên nhân khiến Philippines phải đệ đơn kiện. "Nỗ lực giải quyết thông qua đàm phán không có hiệu quả", ông nói.
Theo: VnExpress