Reuters dẫn lời hai tướng của Philippines cho hay oanh tạc cơ hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất sẽ đóng tại cựu căn cứ hải quân Cubi ở Vịnh Subic từ đầu năm 2016.Trong khi đó, hai tàu khu trục hải quân sẽ neo tại cảng Alava trong vịnh.
Hai tướng cho biết khoảng cách gần với Biển Đông và sự thuận tiện tronghoạt động là những lý do cho động thái này.
"Có những căn cứ sẵn có ở Vịnh Subic. Chúng tôi chỉ cần tu bổ chúng", một trong hai quan chức quân đội cho biết.
Các chuyên gia an ninh nhận định rằng việc sử dụng căn cứ ở Vịnh Subic cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn với những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Cảng nước sâu ở đây nằm bên phía tây của đảo lớn Luzon, đối diện với Biển Đông.
"Giá trị của Subic trong vai trò một căn cứ hải quân đã được người Mỹ chứng minh. Các nhà quốc phòng Trung Quốc biết điều đó", Rommel Banlaoi, một chuyên gia an ninh Philippines, nói.
Vịnh Subic cách bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines,270 km.
"Máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới của Hàn Quốc có thể tiếp cậnScarborough chỉ trong vài phút và các máy bay tuần tra quân sự hoặc máy bay không người lái có thể bao quát liên tục những động thái của Trung Quốc trong khu vực",Patrick Cronin, một chuyên gia thuộc Trung tâm Tân An ninh Mỹ ở Washington, cho biết.
|
Vị trí Vịnh Subic của Philippines. Đồ họa:globalbalita |
Từng là một trong những căn cứ hải quân Mỹ lớn nhất thế giới, Vịnh Subic đóng cửa vào năm 1992 sau khi thượng viện Philippines chấm dứt thỏa thuận với Washington vào cuối Chiến tranh Lạnh.
Manila chưa bao giờ sử dụng nơi này làm căn cứ quân sự mà thay vào đó chuyển nó thành một khu kinh tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Pio Lorenzo Batino cho hay hồi tháng 5, quân đội Philippines đã ký một thỏa thuận với nhà điều hành của khu kinh tế để sử dụng một số phần của Vịnh Subic theo hợp đồng thuê 15 năm gia hạn.
Từ năm 2000, các tàu chiến Mỹ thường xuyên ghé vịnh nhưng chỉ đỗ lại trong các cuộc tập trận với quân đội Philippines hoặc sử dụng các cơ sở thương mại vào việc sửa chữa và tiếp tế cho tàu.
Một khi Vịnh Subic trở về vai trò căn cứ quân sự, hải quân Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn với khu vực này theo thỏa thuận song phương, trong đó lính Mỹ được phép sử dụng các căn cứ địa phương.
Anh Ngọc theo VnExpress