Phiên điều trần sắp tới liệu có giúp “công chúa” Huawei lật ngược tình thế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Cảnh sát Canada (RCMP) và cơ quan Dịch vụ Biên giới (CBSA) của nước này sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu vào năm 2018.
Giám đốc tài chính Huawei - bà Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: SCMP)
Giám đốc tài chính Huawei - bà Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: SCMP)

Trong tuần này, Tòa án Tối cao British Columbia sẽ có buổi thẩm vấn công khai đầu tiên với các quan chức của RCMP và CBSA - những người đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu tại sân bay Vancouver vào tháng 12/2018 - xung quanh vụ bắt giữ để dẫn độ Giám đốc Tài chính của Huawei sang Hoa Kỳ.

Trong phiên điều trần của Tòa án Tối cao British Columbia, các luật sư của bà Mạnh sẽ có cơ hội chất vấn cảnh sát và các nhân viên hải quan về các cáo buộc mà bên bà Mạnh cho rằng vụ bắt giữ chỉ là một kế hoạch do Washington dàn dựng nhằm thu thập bằng chứng chống lại bà.

Ông Michael Byers - giáo sư tại Đại học British Columbia, người đứng đầu mảng nghiên cứu Canada về chính trị toàn cầu và luật quốc tế - cho biết lời khai của CBSA trong quyết định thẩm vấn bà Mạnh khi bà không có luật sư hỗ trợ có thể là một “game - changer” (kẻ thay đổi cuộc chơi).

“Bà Mạnh đang ở Canada. Bà ấy có quyền thuê máy bay tại thời điểm bà ấy đến và trong quá trình thẩm vấn, bà ấy đã có thể cung cấp thông tin và đưa ra các quyết định khác nếu bà ấy biết tại sao mình bị bắt. Đây là điểm mấu chốt và hợp pháp duy nhất mà các luật sư của bà Mạnh có thể dựa vào để xoay chuyển vụ việc” - ông Byers nói.

“Công chúa" Huawei bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

Bà Mạnh đã bị cảnh sát Canada bắt giữ vào năm 2018 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Hoa Kỳ và lừa đảo ngân hàng (ảnh: CBC).

Bà Mạnh đã bị cảnh sát Canada bắt giữ vào năm 2018 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Hoa Kỳ và lừa đảo ngân hàng (ảnh: CBC).

Bà Mạnh là Giám đốc Tài chính của Huawei và là con gái của nhà sáng lập tập đoàn này. Vào ngày 1/12/2018, bà Mạnh đã bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ tại sân bay Vancouver. Người phụ nữ 48 tuổi này phải đối mặt với các cáo buộc gian lận và vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran.

Phiên điều trần diễn ra vào tuần này sẽ chủ yếu xoay quanh khoảng thời gian đầu bà Mạnh bị bắt giữ và thẩm vấn bởi các nhân viên CBSA và sau đó là RCMP.

Các nhân viên CBSA đã thu giữ các thiết bị điện tử của bà Mạnh và theo một nhân chứng, chính Mỹ đã đưa ra yêu cầu này. Họ cũng yêu cầu bà cung cấp mật khẩu của thiết bị và sự việc chỉ được đưa ra trước tòa. Luật sư của bà Mạnh tuyên bố rằng FBI muốn CBSA sử dụng quyền hạn đặc biệt của cơ quan này để thẩm vấn bà mà không cần đến luật sư.

Chia sẻ thông tin đang tranh chấp

Hình ảnh cho trích từ video được quay trong vài giờ đầu tiên bà Mạnh bị Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada giam giữ (ảnh: CBC).

Hình ảnh cho trích từ video được quay trong vài giờ đầu tiên bà Mạnh bị Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada giam giữ (ảnh: CBC).

Theo các tài liệu đã được trình lên tòa án, khoảng 3 ngày sau khi bà Mạnh bị bắt, RCMP đã truy cập vào điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay của bà để ghi lại số thẻ tín dụng cũng như các thông tin kỹ thuật khác.

Phía luật sư bà Mạnh lập luận, việc gửi những chi tiết này cho FBI vi phạm Đạo luật Dẫn độ của Canada bởi các nhà điều tra Mỹ có thể sử dụng chúng để lọc thông tin nhằm truy tố bà Mạnh.

Thiết bị giám sát được đeo ở cổ chân bà Mạnh Vãn Chu sau khi bà bị bắt giữ (ảnh: CBC).

Thiết bị giám sát được đeo ở cổ chân bà Mạnh Vãn Chu sau khi bà bị bắt giữ (ảnh: CBC).

Ba điểm mấu chốt


Dựa trên các bằng chứng thu thập được, nhóm bào chữa của bà Mạnh đưa ra ba lập luận quan trọng:

Thứ nhất, quyết định bắt giữ bà Mạnh của Canada đã lạm dụng quy trình tố tụng dẫn độ của nước này.

Thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng lợi dụng vụ dẫn độ, biến “công chúa” Huawei trở thành con bài thương lượng nhằm giúp ông có được thỏa thuận có lợi hơn với Trung Quốc.

Cuối cùng, các luật sư phía bà Mạnh muốn tòa án xem xét luận điểm thứ ba - cáo buộc Mỹ lừa Canada bắt giữ bà Mạnh thông qua việc cung cấp hồ sơ gây hiểu lầm để chống lại bà.

CBSA đã thu giữ điện thoại của Mạnh Vãn Chu khi bà đến Vancouver và sau đó chuyển chúng cho RCMP. Các luật sư của bà khẳng định RCMP đã chia sẻ thông tin kỹ thuật về các thiết bị này với FBI (ảnh: CBC).

CBSA đã thu giữ điện thoại của Mạnh Vãn Chu khi bà đến Vancouver và sau đó chuyển chúng cho RCMP. Các luật sư của bà khẳng định RCMP đã chia sẻ thông tin kỹ thuật về các thiết bị này với FBI (ảnh: CBC).

Ngoài ra, ông Byers tin rằng các lập luận liên quan đến vụ bắt giữ có triển vọng nhiều nhất, bởi nó có thể vi phạm quyền được bảo vệ an ninh đã được tuyên bố trong trong Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada.

“Đó cũng là lý do tại sao các quan chức RCMP và CBSA bị thẩm vấn” - ông Byers nói thêm.

Phán quyết cuối cùng sẽ diễn ra vào năm tới


Các phiên tòa xử án về yêu cầu dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4/2021. Song, nếu bên nào kháng cáo, vụ việc có thể kéo dài nhiều năm theo các thủ tục pháp lý của hệ thống tư pháp Canada.

Bà Mạnh hiện đang bị quản thúc tại một trong hai ngôi nhà trị giá hàng triệu USD mà bà sở hữu ở phía tây Vancouver. Sau khi bị bắt, bà đã được tại ngoại với điều kiện phải đeo thiết bị giám sát 24/24.

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã kéo căng quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada. Ngay sau sự cố, Bắc Kinh đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig và truy tố họ tội làm gián điệp. Cả hai người đàn ông này đã được cấp quyền tiếp cận lãnh sự quán lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020 trong những tuần gần đây.

Theo CBC