Số ca bệnh ở nhiều quốc gia tăng đột biến
Trong số các quốc gia xung quanh Trung Quốc, tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc tương đối nghiêm trọng. Hãng thông tấn Yonhap cho biết số ca bị COVID-19 ở Hàn Quốc đến chiều ngày 24/2 đã là 833 người và số ca tử vong tăng lên 8. Số bệnh nhân được xác nhận đã tăng gấp ba từ ngày 14 đến ngày 24. Vào ngày 23/2, Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo về COVID-19 lên mức cao nhất.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh rằng dịch bệnh đang tiến dần đến “đỉnh cao phân thủy quan trọng”. Vài ngày tới sẽ là thời điểm then chốt. Chính phủ trung ương, cơ quan phòng chống dịch bệnh, đội ngũ y tế và toàn dân phải đoàn kết một lòng, dốc sức chống dịch.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 23/2 đã chỉ đạo nội các chuẩn bị khẩn cấp để phòng ngừa và chống lại dịch bệnh, đồng thời kêu gọi đề ra một kế hoạch toàn diện để ngăn chặn sự lây lan của nCoV. Vào ngày hôm đó (23/2), có thêm 27 trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận tại Nhật Bản. Trong số những hành khách rời khỏi tàu Diamond Princess, một người khác đã chết.
nCoV ngày càng trở nên khó hiểu và trở thành cơn ác mộng tại nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh: Reuters)
|
Italy hiện là quốc gia có số lượng người bị COVID-19 cao nhất ở châu Âu. Tổng số trường hợp đến chiều 24/2 đã lên tới 215 với 4 người đã chết và nhiều người tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh đã bị cách ly. Hơn một chục đô thị đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, cấm mọi hoạt động tụ tập đông người, giống hệt như các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Lễ hội carnaval truyền thống ở Venice đã bị hủy bỏ và giải bóng đá Serie A bị hoãn hai trận cầu.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói với công chúng sau khi triệu tập hội nghị bàn về khủng hoảng vào ngày 22/2, những người thực hiện các nhiệm vụ quản chế ở Italy hiện đang tạm thời là lực lượng an ninh và chính phủ sẽ sử dụng đến quân đội khi cần thiết. Đồng thời, ông cũng cảnh báo “tất cả mọi người nào tìm cách né tránh các trạm kiểm soát sẽ phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Giáo sư Christian Drosten: ngay cả khi sử dụng tất cả mọi nguồn lực sẵn có, e rằng cũng không thể kìm hãm được dịch bệnh lây lan nữa (Ảnh: alamy.com)
|
“Cửa sổ cơ hội” đã bị bỏ
Chỉ trong hai ngày, số ca bị bệnh được xác nhận đã bùng nổ ở nhiều quốc gia bên ngoài Trung Quốc. Liệu có phải tất cả đã quá muộn? Giáo sư Christian Drosten, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi trùng và bệnh dịch thuộc Charité Hospital Berlin, một chuyên gia về virus học nổi tiếng người Đức, hôm 22/2 đã nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng Deutsche Presse Agentur (DPA) rằng, ngay cả khi sử dụng tất cả mọi nguồn lực sẵn có, e rằng cũng không thể kìm hãm được dịch bệnh lây lan nữa.
Giáo sư Drosten chỉ ra rằng, rất nhiều người bị nhiễm nCoV mà không hề có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ, vì vậy họ sẽ không đi khám bệnh và họ sẽ không thể bị phát hiện hay được xác định bị bệnh. Những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng này có thể lây nhiễm cho người khác mà không hay biết khiến dịch bệnh lan rộng. Ông đã viện dẫn kết quả tính toán theo mô hình toán học của Imperial College London (Đại học Hoàng gia London, Anh) chỉ ra rằng, chỉ có một phần ba các trường hợp lây nhiễm bệnh từ Trung Quốc được tìm thấy.
“Vì vậy, tôi không còn cho rằng có thể tránh được đại dịch toàn cầu về COVID-19” - Giáo sư Christian Drosten kết luận.
Một thành phố ở miền Bắc Italy vắng tanh sau khi chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát phòng dịch nghiêm ngặt (Ảnh: AP)
|
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 22/2 nhấn mạnh rằng, mức độ lây nhiễm bệnh ở bên ngoài Trung Quốc vẫn còn thấp. Tuy nhiên, điều khiến họ lo ngại là một số bệnh nhân nhiễm bệnh không có tiền sử tiếp xúc với người Trung Quốc hoặc chưa từng tới Trung Quốc, mà những trường hợp như vậy đang ngày một tăng. Hiện tại, rất nhiều câu hỏi về virus corona chủng loại mới (nCoV) vẫn chưa có lời giải.
Nhiều chuyên gia hiện vẫn nuôi hy vọng rằng nCoV, cũng như “người họ hàng gần” SARS của nó, sẽ nhanh chóng biến mất sau một vài tháng hoành hành. Năm 2003, sau khi dịch SARS lên đến đỉnh điểm vào tháng 3 và tháng 4, nó đã nhanh chóng chấm dứt vào mùa Hè.
Tuy nhiên, với quy mô bùng phát hiện tại của dịch bệnh COVID-19 lớn hơn nhiều so với dịch SARS khi xưa, hy vọng này có thể sẽ tiêu tan. Ông Vương Thìn (Wang Chen), Viện trưởng Viện Khoa học Y tế Trung Quốc, một chuyên gia về hô hấp, đã công khai tuyên bố rằng COVID-19 rất có khả năng tồn tại lâu dài cùng với nhân loại giống như virus cúm.