Phía sau sự bành trướng của Scale AI - 'đế chế' tỉ đô của CEO 9x Alexandr Wang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Alexandr Wang - CEO Scale AI - trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới ở tuổi 24 bằng cách cung cấp cho các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) thứ mà họ cần: con người.

Từ văn phòng của mình ở trung tâm thành phố San Francisco, Alexandr Wang có thể dễ dàng quan sát những chiếc xe tự lái đang di chuyển quanh trụ sở chính của Scale AI.

Ngành công nghiệp xe tự lái dốc hàng triệu USD mỗi năm chỉ để thuê người dán nhãn cho các bức ảnh thu được từ camera trên xe.

Những người được thuê thường nhận hình ảnh trên màn hình máy tính, dùng chuột để tô viền tất cả các xe và phân loại chúng trong phần mềm. Họ cũng làm điều tương tự với các tòa nhà, bãi đỗ xe, người đi bộ, đèn giao thông và tất cả mọi thứ có mặt trong ảnh. Dữ liệu sau đó được đưa vào hệ thống AI, giúp những chiếc xe tự lái ‘học’ được những thứ xung quanh chúng.

Công nghệ xe tự lái càng phát triển, ‘mỏ vàng’ của Scale AI càng lớn.

Cách tỷ phú Alexandr Wang gây dựng ‘kỳ lân’ AI trị giá 7,3 tỉ USD ở tuổi 24 (Ảnh: Scale)

Cách tỷ phú Alexandr Wang gây dựng ‘kỳ lân’ AI trị giá 7,3 tỉ USD ở tuổi 24 (Ảnh: Scale)

Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes, Alexandr Wang – nhà đồng sáng lập kiêm CEO Scale AI – nói rằng tên anh không có chữ “e” thứ hai để nó có 8 ký tự - con số gắn liền với sự may mắn trong văn hóa Trung Quốc.

Năm 2021, Scale AI được định giá 7,3 tỉ USD, qua đó đưa Alexandr trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Forbes.

'Mỏ vàng' của Scale AI

Sinh năm 1997, Alexandr Wang là ‘hạt giống’ sáng giá ở Thung lũng Silicon.

Năm 19 tuổi, Alexandr rời Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) dù chưa tốt nghiệp để sáng lập Scale AI. Mục tiêu ban đầu của anh là gây dựng Scale AI trở thành công ty cung cấp sức lao động của con người để thực hiện những nhiệm vụ mà các thuật toán không thể thực hiện được, hay còn gọi là các nhiệm vụ ‘phản đề của AI’.

“Chúng tôi sắm vai như những chiếc "cuốc và xẻng" trong cơn sốt đào vàng AI", Alexandr ví von.

Alexandr nhận ra rằng, Scale AI là giải pháp khả thi cho vấn đề thách thức các công ty phát triển xe tự lái: Họ có hàng triệu cảnh quay lái xe trên đường để đào tạo AI cho phương tiện tự hành của mình nhưng gần như không có đủ người để xem xét và dán nhãn cho nó.

Từ đó, Scale AI được xác định thực hiện nhiệm vụ ‘dán nhãn’ cho khối lượng dữ liệu cần thiết để cung cấp ‘năng lượng’ cho AI, chủ yếu dành cho ô tô tự lái. Nó cũng giúp công ty bước vào lĩnh vực AI tạo sinh (Generative AI).

Định hướng đúng đắn đã giúp Alexandr có được danh sách dài các khách hàng, bao gồm những tên tuổi lớn trong lĩnh vực AI và chính phủ Mỹ, cung cấp giải pháp AI cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Danh sách khách hàng của Scale AI có Toyota, Honda, và những tên tuổi lớn trong lĩnh vực xe tự lái như Waymo (Google), Cruise (General Motors).

Công nghệ của Scale AI đã được chính phủ Mỹ sử dụng để phân tích hình ảnh vệ tinh và được ứng dụng một phần vào công cuộc tạo ra ChatGPT, chatbot đã làm rung chuyển thế giới của Open AI.

Năm 2022, Scale AI ghi nhận doanh thu lên tới 250 triệu USD, trong bối cảnh nhiều startup khác trong ngành vẫn chưa kiếm được xu nào. Công ty cũng ký 3 hợp đồng trị giá khoảng 350 triệu USD với chính phủ Mỹ nhằm cung cấp giải pháp AI để thu thập dữ liệu cho quân đội thông qua hệ thống gắn trên trang phục của Không quân, Lục quân, xe quân sự.

Ảnh: Fortune

Ảnh: Fortune

Remotasks – phía sau sự thành công của Scale AI

Thành công của Scale AI cũng gắn liền với việc xây dựng một đội ngũ lao động được thuê theo giờ, thực hiện dán nhãn dữ liệu cho mục đích đào tạo AI. Nhiệm vụ tưởng chừng như giản đơn này lại đóng vai trò rất quan trọng đối với các mô hình AI.

‘Đội quân’ dán nhãn này lên tới 240.000 người, chủ yếu đến Kenya, Philippines và Venezuela. Họ không làm việc trực tiếp với Scale AI mà thông qua công ty con Remostasks.

“Họ rất, rất quan trọng đối với quá trình xây dựng các hệ thống AI mạnh mẽ,” Alexandr nói với Forbes về các nhân viên Remotasks của mình.

Công nghệ xe tự lái càng phát triển, nhu cầu về con người (để dán nhãn dữ liệu) của Scale AI càng lớn. Do cần lao động giá rẻ, Scale AI đã thiết lập hơn chục cơ sở ở Đông Nam Á và Châu Phi để đào tạo hàng nghìn nhân viên dán nhãn dữ liệu.

Dù vậy, Scale AI lại định vị Remotasks như một thương hiệu riêng biệt. Trang web của nó không đề cập đến Remotasks và ngược lại. Một số nhân viên cho biết sự phân tách này nhằm bảo vệ cả 2 công ty khỏi bị giám sát. Đại diện của Scale thì nói với Forbes rằng việc tách biệt 2 thương hiệu nhằm ‘bảo mật khách hàng’.

Song, Remotasks cũng dính đến một số bê bối liên quan đến việc trả lương và điều kiện làm việc. Theo Forbes, công ty trả cho nhân viên dưới 1USD/giờ, đồng thời phải làm việc trong những văn phòng thiếu tiện ích tối thiểu.

Những “tay chơi” lớn ở Scale AI

Sớm nhận ra tiềm năng của Scale AI, đối tác của Accel, Dan Levine, đã đề nghị khoản đầu tư ban đầu trị giá 4,5 triệu USD cho startup này vào tháng 7/2016.

Năm 2018, nhà đầu tư Mike Volpi lần đầu tiên nghe thấy tên của Scale AI trong cuộc họp hội đồng quản trị của công ty khởi nghiệp xe tự hành (AV) Aurora. Ông đã thuyết phục công ty của mình, Index Ventures, đầu tư vào Scale AI 18 triệu USD, vào thời điểm doanh thu của công ty vẫn còn ở mức thấp 3 triệu USD.

Đến tháng 8/2019, quỹ Founders của Peter Thiel đã thực hiện khoản đầu tư trị giá 100 triệu USD để biến công ty của Wang thành “kỳ lân” ở Thung lũng Silicon. Quỹ này đã khởi động một đợt gây quỹ kéo dài 20 tháng, trị giá tới 580 triệu USD, vòng cuối cùng đã giúp Scale AI có mức định giá lên tới 7 tỉ USD.

Nhận 325 triệu USD từ vòng gọi vốn vào năm 2021, Scale AI được định giá 7,3 tỉ USD. Wang, khi đó mới 24 tuổi, chỉ mất 5 năm để trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới./.

Nguồn tham khảo: Forbes