Phẫu thuật thành công, cứu sống bé trai 3 tuổi bị chó becgie cắn đứt xương hàm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một cháu bé 3 tuổi (ở Hà Nội) bị chó becgie cắn đứt xương hàm, đã được các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật cứu sống. 

Chó becgie cắn đứt xương hàm bé trai 3 tuổi (ảnh CTV)
Chó becgie cắn đứt xương hàm bé trai 3 tuổi (ảnh CTV)

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã xác định đây là trường hợp đa chấn thương phần mềm phức tạp ở vùng quan trọng, cần được cấp cứu đa chuyên khoa, để xác định xem tính mạng bệnh nhi có bị đe dọa hay không.

Gia đình bệnh nhi cho biết, thủ phạm gây chấn thương cho cháu bé là con chó lai becgie to lớn, nặng khoảng 40kg, của nhà người quen. Những vết cắn lớn đã làm tổn thương nặng vùng đầu mặt cổ cháu bé. Các vết thương nham nhở có sự bóc tách rộng, xé toác da, vết thương đi vào vùng trán và góc mắt trong, gây đứt ống tuyến lệ, rách mi mắt, gãy đôi xương hàm, xương gò má, nguy cơ gây nhiễm trùng, nguy hiểm cho cháu bé.

Vì thế, bệnh nhi lập tức được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, kiểm soát tình trạng mạch máu và huyết động, kiểm soát các vết thương lớn chảy máu trong miệng và mũi, đặc biệt là với vết thương vùng cổ răng của chú chó rất sắc nên có thể cắn vào mạch máu lớn, động mạch cảnh cấp máu nuôi, làm nguy hiểm đến tính mạng.

“Vết thương vùng cổ bệnh nhi ngay sát đường đi của động mạch cảnh, nếu vết cắn chỉ thấp hơn 1-2 cm sẽ xuyên thẳng động mạch cảnh, đe dọa tính mạng cháu bé ngay lập tức” - PGS.TS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.

vt_cho can 1.png
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn trước ca mổ

Sau khi hội chẩn kĩ càng, các bác sĩ chuyên khoa sọ não, phẫu thuật hàm mặt, phẫu thuật mạch máu tim mạch lồng ngực, mắt, tạo hình vi phẫu đã phối hợp xử lý, đưa bệnh nhi vào phòng phẫu thuật.

“Ca phẫu thuật kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã cắt lọc làm sạch vết thương, khâu nối ống tuyến lệ, sửa chữa xương gò má và góc hàm… cuối cùng đã thành công, sức khỏe của bệnh nhi được phục hồi tối đa.

Chỉ sau 1 tuần phẫu thuật, bệnh nhi đã tiến triển tốt, vết thương không sưng tấy đỏ, xương cố định tương đối vững chắc, khuôn mặt không quá biến dạng”- PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay.

Đây không phải lần đầu các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải cấp cứu các cháu bé bị chó cắn. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quản lý con em, không nên để các cháu đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Các bậc phụ huynh hay bảo mẫu cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn để phòng tránh nguy cơ bị chó cắn. Riêng đối với người dân, nên chú ý khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường phải được đeo rọ mõm.