Người phát ngôn Chính phủ Pháp Stephane le Foll nói với AFP số tiền nói trên bao gồm cả phần hoàn lại những khoản mà Nga đã ứng trước.
Ông Le Foll nói ông không thể đưa ra con số chi tiết vào thời điểm này vì chính phủ còn phải báo cáo với quốc hội trước.
Việc chuyển hai tàu chiến này cho Nga đã bị Pháp hoãn, rồi hủy bỏ vào năm 2014 vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Giá trị thương vụ là 1,2 tỉ euro, mà nếu diễn ra, sẽ là vụ bán vũ khí lớn nhất từ một nước thành viên NATO cho Nga.
Pháp giờ sẽ tìm những đối tác mới để bán lại các tàu Mistral, với hai nước đang ngỏ ý muốn mua là Malaysia và Ai Cập.
Reuters dẫn lời một nguồn tin riêng của họ nói Bộ Quốc phòng Pháp đã mở thương lượng với Malaysia về việc bán lại một trong hai tàu.
Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian dự kiến thăm Malaysia chủ nhật tuần này, 29-8.
Kể từ khi hủy hợp đồng với Nga tới nay, hai chiếc tàu chiến vẫn neo đậu ở vùng biển của Pháp, khiến ngân khố nước này đã phải chi ra gần 60 triệuUSD cho việc bảo trì tàu.
Ít nhất 12 nước đã bày tỏ mong muốn mua tàu Mistral, bao gồmSaudi Arabia, UAE, Ai Cập, Nam Phi, Brazil, Canada, Ấn Độ, Malaysia và Singapore.
Malaysia đã quan tâm tới một tàu sân bay cỡ nhỏ như Mistral ít nhất 10 năm, theo báo Pháp La Tribune.
NATO, trong khi đó, muốn Pháp bán tàu cho một nước trong khối.
Ai Cập cũng là một ứng viên tiềm tàng mua lại tàu Mistral sau khi đầu năm nay, nước này đã đạt được thỏa thuận mua 24 máy bay phản lực chiến đấu Rafale của hãng chế tạo máy bay Pháp Dassult Aviation SA với giá 5 tỉ euro (5,7 tỉ USD).
Việc bán tàu Mistral cho các nước khác sẽ khiến Pháp phải bỏ tiền điều chỉnh một số thiết bị vốn được lắp theo đơn đặt hàng cho công nghệ của Nga.
CHIÊU VĂN theo Tuổi Trẻ