Đến giờ, người ta vẫn cho rằng, nếu không phải ở sân vận động với sự hò reo, cổ vũ của đám đông mất kiểm soát không một ai dám bắn quả pháo với tốc độ 180m/s vào người dân. Theo các bác sỹ, mặc dù chị H.A bị bỏng lưu huỳnh nặng vào đến tận xương phải điều trị dài ngày và mổ ít nhất 2 lần cũng là may. Nếu trúng mặt hoặc vùng ngực, độ sát thương còn nguy hiểm đến tính mạng con người và hậu quả còn khôn lường.
Không chỉ là pháo
Theo quan sát, hôm đó từ khu vực khán đài B, ngoài hàng chục quả pháo sáng có đến 3 quả pháo hiệu như thế được bắn ra. Có 1 quả pháo đã bay ra ngoài khu vực sân vận động, may mắn không xảy ra hỏa hoạn. Điều gì khiến cho tình trạng mất kiểm soát diễn ra hàng chục phút, khói mù mịt sân vận động như thế?
Các bên liên quan đang kêu gọi chung ta tuyên chiến với vấn nạn đốt pháo. Ảnh VPF
|
Trước hết, đây không phải là lần đầu tiên sân Hàng Đẫy xảy ra tình trạng bạo loạn, đốt pháo sáng và hò reo tục tĩu. Dàn kèn đồng liên tục chơi bài Hồn tử sĩ, những tiếng loa bắt nhịp “Nam Định, Nam Định, Nam Định” thì đám đông hò reo “H.chó, H. chó, H.chó”.
Trước đó hàng trăm người mặc áo CĐV Nam Định đi xe máy lạng lách, đánh võng và đốt pháo sáng khiến CSGT Hà Nội phải ra tay trấn áp.
Mới đây, chúng ta vừa lên án việc trên “chảo lửa” Bung Karno chủ nhà Indonesia đã xếp chữ "Fuck You Loser" trên khán đài hướng về phía cầu thủ Malaysia. Do thua trận 2-3 họ, đốt pháo sáng, tấn công bằng gạch đá, gậy gộc cổ động viên Malaysia.
Những âm thanh, hành động diễn ra trên sân Hàng Đẫy, xem ra cũng không khác là mấy. Mặc dù thế nhưng khi xem những hình ảnh trận Hà Nội- Nam Định, những khán giả xứ vạn đạo còn cho rằng: “Dù sao chúng tôi cũng không tấn công đồng bào mình như các bạn Việt Nam”. Chua chát quá.
Hôm ấy, các cổ động viên Nam Định vừa trưng hình ảnh cô gái xấu số K.L vừa mất trong 1 tai nạn giao thông khi đến sân Thiên trường cỗ vũ bóng đá. Đây là hành động đẹp, cần nhân rộng nhưng đáng buồn là ngay sau đó họ lại tấn công và làm tổn thương một phụ nữ Hà Nội. Chưa hết, 2 CSCĐ đã bị đám đông vây đánh phải đi cấp cứu tại bệnh viện, đám đông còn vô tâm hò reo khi thấy người bị nạn máu mê bê bết.
Quá nhiều lỗ hổng
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, BTC sân Hàng Đẫy bị phạt nhiều nhất vì để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng (465 triệu đồng), theo sau là Hải Phòng (265 triệu đồng) rồi Nam Định (125 triệu đồng). Trong khi đó CLB Nam Định cũng đã phải nộp phạt 110 triệu đồng do hành vi đốt pháo của CĐV, chỉ sau Hải Phòng 290 triệu đồng.
Vụ việc đốt pháo sáng lần này liên quan đến 2 cái tên: sân Hàng Đẫy và cổ động viên Nam Định, những người đã quá quen với những vụ việc quá khích liên quan đến pháo sáng. Dù như ông Trần Thái Toán- GĐĐH CLB Nam Định tỏ ra khá bức xúc: “Rõ ràng, CĐV đốt pháo sáng hoàn toàn là hành động của cá nhân người đốt, không CLB nào đi xui CĐV đốt cả. Chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền, mong họ không đốt còn chẳng được. Thực tế chúng tôi không có Hội CĐV chính thống, chúng tôi không thể kiểm soát được hành vi của họ".
Bóng đá Việt Nam không có Hội CĐV chính thống nhưng khi có sự cố, BTC giải sẽ nhanh chóng chuyền quả bóng về phía các CLB, nên không ít đội khách bị phạt trớ trêu" "Lỗi để CĐV đốt pháo sáng là lỗi của BTC sân đấu, không phải lỗi của chúng tôi. Hiện công an đang vào cuộc xác minh những người đốt pháo sáng để xử lý theo quy định pháp luật. Họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.” ông Trần Thái Toán- GĐĐH CLB Nam Định than thở.
Lực lượng an ninh sân Hàng Đẫy mỏng, không có phương án kiểm soát việc cổ động viên mang chất cháy, chất nổ từ cổng, không trấn áp ngay từ đầu các hành vi quá khích đã khiến mọi việc lọt ngoài tầm kiểm soát. Sự việc được xảy ra ngay sau khi Hội cổ động viên Nam Định vừa được kiện toàn tổ chức và nhân sự, khiến cho không ít người đặt câu hỏi về năng lực của người mới.
Ban kỷ luật VFF từng ra bản án nhằm răn đe hành vi đốt pháo sáng và phá hoại diễn ra trên sân Hàng Đẫy ở vòng 6 V-League giữa Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng ngay sau đó Ban giải quyết khiếu nại đã xóa án vì thấy “không cần thiết” được dư luận ghi nhận như sự tiếp tay cho những hành vi quá khích.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, BTC sân Hàng Đẫy bị phạt nhiều nhất vì để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng (465 triệu đồng). Ảnh VPF
|
Việc sau sự cố, người đứng đầu đội bóng Hà Nội FC - ông Nguyễn Quốc Hội tổ chức họp báo phản pháo lại nhiều thông tin của VPF khẳng định, CLB không nhận được bất cứ công văn nhắc nhở nào của VPF.
Rồi “giữa tuần Hà Nội có nhiều sự kiện” nên không thể đủ lực lượng CSCĐ để bảo đảm an ninh.
Thưa ông Hội! Nhiệm vụ của BTC sân là phải đảm bảo an ninh, trật tự cho khán giả đến sân, không cần ai nhắc nhở. Khi không đảm bảo an ninh, theo quy định của FIFA là không được tổ chức trận đấu, còn tuần rồi Hà Nội có những sự kiện gì thì người dân thừa biết.
Thực tế ở mùa giải này, cả hai trận đấu của Hà Nội với hai đối thủ Hải Phòng, Nam Định trên đều xảy ra tình trạng đốt pháo sáng nghiêm trọng, nhưng an ninh sân không phản ứng kịp thời, hiệu quả. Án phạt cấm CĐV Nam Định đi cổ vũ sân khách được chế tài như thế nào cũng khiến nhiều người nghi ngại.
VPF khi đó phải ra văn bản chưa từng có là "yêu cầu ban tổ chức sân không cho người mặc áo CĐV Hải Phòng vào sân" nhưng hàng trăm CĐV đội này mặc sẵn áo CLB ở bên trong, bên ngoài mặc áo khoác để mua vé "hợp lệ" rồi khi vào sân cởi bỏ khiến cho BTC sân "dở khóc, dở cười".
Mùa 2017, sau hành vi đốt pháo sáng của CLB Hải Phòng khi làm khách trên sân Mỹ Đình của CLB Hà Nội, Ban Kỷ luật VFF từng ra một án phạt tương tự gây tranh cãi, đó là cấm CĐV Hải Phòng tới sân khách cổ vũ cho tới hết mùa.
Việc dù quá khích đến đâu thì cổ động viên cũng không dám đem pháo sáng đốt ngoài đường, ngoài chợ mà chỉ chọn sân vận động và nhiều nhất vẫn là là câu hỏi mà dư luận dành cho VFF, VPF và BTC sân.
Ban kỷ luật VFF đưa ra 2 quyết định xử lý vi phạm trận Hà Nội - Nam Định vòng 22 V-League 2019. Theo đó, CLB Hà Nội bị phạt 85 triệu đồng, buộc thi đấu trên sân nhà (sân Hàng Đẫy) không có khán giả 2 trận kế tiếp. CLB Nam Định bị phạt 85 triệu đồng, thi đấu 2 trận sân khách không có CĐV nhà. |