|
Công ty cổ phần cấp nước Bạc Liêu - Bawaco. (Ảnh: Internet) |
Ngày 13/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – ông Dương Thành Trung – ra công văn hỏa tốc (số 5441/UBND-TH), chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại Bawaco thực hiện: “Bán theo lô, theo đó tổng số vốn tại Công ty chỉ xác định một lô. Nếu không kịp thì tạm hoãn ngay”.
“Nhằm đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh đó là bán một lần cho toàn bộ số vốn”, Chủ tịch Trung dường như muốn lý giải cho chỉ đạo “phanh” thương vụ.
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu giao Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Bawaco tổ chức thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định. “Nhận được văn bản này, yêu cầu Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Cấp nước Bạc Liêu, Công ty Cổ phần Cấp nước Bạc Liêu và các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện” - công văn nêu rõ.
Ngay trong ngày 13/12/2018, người đại diện vốn Nhà nước kiêm người chịu trách nhiệm phụ trách chung của Bawaco đã có công văn gửi HoSE, đề nghị Sở này dừng tổ chức việc thoái vốn vào ngày 17/12/2018 để điều chỉnh phương thức bán theo lô.
Trên cơ sở này, một ngày sau, ngày 14/12/2018, HoSE đã ra thông báo về việc dừng tổ chức bán đấu giá cổ phần của CTCP Cấp nước Bạc Liêu do UBND tỉnh Bạc Liêu nắm giữ. “Đề nghị các nhà đầu tư tham gia đấu giá trên liên hệ các Đại lý đấu giá để nhận lại tiền cọc” – thông báo này hẳn sẽ khiến các nhà đầu tư tham gia thương vụ cảm thấy ngỡ ngàng.
Bởi lẽ, thời điểm ông Dương Thành Trung ký công văn trên – ngày 13/12/2018 – cũng chính là ngày chót để các nhà đầu tư nộp phiếu đấu giá (ghi rõ mức giá đặt mua và khối lượng đặt mua). Trước đó 6 ngày, họ đã phải hoàn tất việc nộp đặt cọc (10% giá trị tổng số cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm). Hay nói cách khác, khi bị “phanh” thì thương vụ đã cơ bản an bài.
|
Công văn của Chủ tịch Bạc Liêu Dương Thành Trung như cú "phanh gấp" đối với thương vụ đấu giá Bawaco.
|
“Bán một lần cho toàn bộ số vốn” và “bán trọn lô”
Sẽ không có gì đáng bàn nếu diễn tiến thương vụ cho thấy cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức, hay tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo việc “bán một lần cho toàn bộ số vốn”.
Thông báo của HoSE vào ngày 11/12/2018 cho thấy, đã có 05 nhà đầu tư đăng ký tham gia phiên đấu giá, gồm 3 cá nhân (đăng ký tổng cộng 1.602.00 cổ phần) và 02 tổ chức trong nước (đăng ký tổng cộng 11.759.700 cổ phần). Tổng khối lượng cổ phần đăng ký là 13.361.700 cổ phần – vượt 1,2 lần so với quy mô chào bán (11.017.600 cổ phần). Như vậy, phải khẳng định, cuộc đấu giá này đủ điều kiện đề tổ chức – nếu tiếp tục.
Còn về yêu cầu “bán một lần cho toàn bộ số vốn”, theo một nhà đầu tư, nó không đồng nghĩa với “bán trọn lô”. Bởi với lượng cầu vượt 1,2 lần so với lượng cung thì gần như chắc chắn, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ bán thành công toàn bộ lượng cổ phần BLW đang nắm giữ sau phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào chiều ngày 17/12 – tức là hoàn toàn đảm bảo yêu cầu “bán một lần cho toàn bộ số vốn”.
“Chúng tôi thấy tỉnh Bạc Liêu lấy lý do “nhằm đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh đó là bán một lần cho toàn bộ số vốn” để dừng thương vụ đấu giá, và chuyển sang bán theo lô là không thuyết phục”, một nhà đầu tư phân tích và lo ngại quyết định của Bạc Liêu sẽ mở ra một tiền lệ xấu trong hoạt động thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Phút cuối tạm dừng thì vấn đề là ở đâu? Quyền lợi của nhà đầu tư đã đặt cọc và bỏ phiếu đấu giá như thế nào?”, ông này đặt vấn đề và băn khoăn rằng liệu có vấn đề gì đằng sau chỉ đạo bất ngờ của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.
Lý giải của Bạc Liêu
VietTimes đã liên hệ với ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – để tìm hiểu rõ hơn nhưng lại được ông Trung giới thiệu liên hệ với ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính và đồng thời là Chủ tịch HĐQT, người đại diện vốn Nhà nước tại Bawaco.
Trao đổi qua điện thoại, ông Sỹ cho biết: “Trước đây, theo phương án đấu giá thông thường thì người mua có thể mua nhỏ lẻ. Còn ý Ủy ban chuyển qua đấu giá theo lô là để chọn nhà đầu tư có năng lực, có khả năng. Qua đó, làm tăng tài sản nhà nước và đảm bảo không có sự thất thoát. Do đó, mình dừng phương án để tổ chức đấu lại thôi”.
Tuy vậy khi được PV phân tích rằng, trên thực tế, quy mô đăng ký đã gấp 1,2 lần quy mô chào bán, với 5 nhà đầu tư tham gia; Và việc áp dụng phương pháp đấu giá thông thường sẽ mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư hơn, tăng tính cạnh tranh hơn cho thương vụ, qua đó sẽ giúp Nhà nước thu được kết quả có lợi hơn, thì ông Sỹ lại nói rằng ông không nắm được số lượng, quy mô đăng ký của các nhà đầu tư “bởi người ta đăng ký với sở giao dịch chứng khoán thôi” (?!).
Trước trao đổi lại của PV, rằng thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần BLW đã được HoSE công bố công khai trên website hsx.vn từ ngày 11/12/2018 – điều này ai cũng có thể cập nhật, ông Sỹ thừa nhận chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là khá gấp. “Thường trực Ủy ban họp rồi quyết là đấu giá theo lô. Mình là người đại diện vốn chủ sở hữu, thì Ủy ban chỉ đạo sao, mình thực hiện vậy thôi”.
Phó Chủ tịch ký văn bản phê duyệt phương án, Chủ tịch ký văn bản “phanh”
Nên biết, chỉ cách đây ít lâu - ngày 31/08/2018, cũng chính Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Phương án thoái vốn nhà nước tại Bawaco, trong đó xác định rõ phương thức chào bán là “Không thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán (thực hiện theo thứ tự Đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận)”. Trên cơ sở Quyết định này, người đại diện vốn nhà nước tại Bawaco mới tiến hành các bước tiếp theo của thương vụ đấu giá dự kiến được tổ chức vào chiều ngày 17/12/2018.
Tuy nhiên, có một điểm lưu ý là, các Quyết định phê duyệt Phương án thoái vốn (số 1618/QĐ-UBND ngày 31/8/2018) và giá bán khởi điểm cổ phần Bawaco (số 4733/UBND-TH ngày 29/10/2018) của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã được ký thay bởi Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Lê Minh Chiến. Còn văn bản “phanh gấp” thương vụ - vào ngày 13/12/2018 - lại được ký bởi chính Chủ tịch UBND tỉnh – ông Dương Thanh Trung.
|
Quyết định phê duyệt phương án thoái vốn Bawaco của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu được ký thay bởi Phó Chủ tịch Lê Minh Chiến.
|
Phải chăng lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đã thiếu sự thống nhất về phương án thoái vốn tại Bawaco? Ông Trần Văn Sỹ lý giải qua điện thoại với PV: “Không có gì đâu. Tại vì là Chủ tịch phân công Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực ký phương án. Phương án đều phải thông qua thường trực hết. Còn khi thay đổi thì Chủ tịch ký. Chủ tịch thay đổi phương án chọn bán theo lô để chọn nhà đầu tư mạnh, có năng lực”.
Cũng theo ông Sỹ, hiện Bawaco đã trình UBND tỉnh xin điều chỉnh phương án. Sau khi được phê duyệt, sẽ tiến hành thuê tư vấn xây dựng phương án lại. Còn về các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi quyết định dừng đấu giá vừa rồi, họ có thể liên hệ với người đại diện vốn nhà nước ở Bawaco để giải quyết – kể cả việc tính toán lãi ngân hàng cho các khoản đặt cọc.
Thương vụ lớn Bawaco không phải doanh nghiệp duy nhất được UBND tỉnh Bạc Liêu thực hiện thoái vốn theo phương thức bán đấu giá. Cùng lúc, tỉnh này còn thực hiện bán đấu giá cổ phần của 2 đơn vị khác, là Trung tâm Dịch vụ Đô thị Bạc Liêu và Trung tâm phát hành Sách Bạc Liêu (đều đã hoàn tất). Nhưng chúng đều không thể sánh với thương vụ đấu giá Bawaco về quy mô. Với mức giá khởi điểm 13.150 đồng/cổ phần và quy mô chào bán 11.017.600 cổ phần (98,65% vốn điều lệ) như phương án cũ, thương vụ dự kiến sẽ đem về cho UBND tỉnh Bạc Liêu tối thiểu 145 tỷ đồng (làm tròn)./. |