Một cuộc điều tra mới của tổ chức Consumer Reports đã khiến nhiều người “sốc” khi phát hiện ra rằng "gần như mọi nhà sản xuất ô tô bán tại Mỹ đều ... thu thập và chia sẻ dữ liệu hành vi của người lái xe với các công ty khác".
Điều này đã tạo ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư cũng như cách thức các dữ liệu này có thể được sử dụng.
Việc tìm hiểu về hoạt động thu thập dữ liệu này không hề dễ dàng và đòi hỏi Consumer Reports phải điều tra số lượng khổng lồ hồ sơ của các công ty trong ngành Công nghệ bảo hiểm (Insurtech).
Cũng từ hoạt động thu thập trên, Consumer Reports đã khám phá ra điều đáng báo động, là việc nhiều người tiêu dùng có thể đã tự từ bỏ quyền riêng tư cá nhân mà không hề hay biết.
Khi người dùng lần đầu mua và cài đặt trên xe, họ thường phải đồng ý với các điều khoản để tiếp tục sử dụng. Đa số chỉ bấm nút "Ok" mà không đọc kỹ vì chỉ muốn nhanh chóng sử dụng chiếc xe mới của mình.
Hoạt động thu thập dữ liệu không chỉ dừng lại ở ô tô mà còn lan rộng ra các ứng dụng như Mitsubishi Road Assist+, được cho là thu thập rất nhiều thông tin từ việc chạy quá tốc độ, lái xe ban đêm đến các tình huống phanh gấp.
Mặc dù hãng xe Mitsubishi tuyên bố không trực tiếp truy cập dữ liệu này, nhưng các dữ liệu của khách hàng được phát hiện đưa vào "một sàn giao dịch viễn thông nơi hàng chục công ty bảo hiểm ô tô tham gia".
Điện thoại thông minh và ô tô công nghệ hiện đại là nguồn thu thập thông tin cá nhân khổng lồ, có thể được tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, dữ liệu thu thập được có thể trở thành cơ sở để các công ty nâng cao giá bảo hiểm hoặc thậm chí từ chối cung cấp dịch vụ bảo hiểm.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là dữ liệu vị trí được thu thập có thể được sử dụng để chống lại người dùng, dù thông tin này vô cùng nhạy cảm và riêng tư. Tuy nhiên, vẫn có những cách để người dùng giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc thu thập dữ liệu như cần chú ý và đọc kỹ khi điền vào biểu mẫu soạn sẵn của nhà sản xuất ô tô hoặc điều chỉnh cài đặt ứng dụng.
Theo Justin Brookman, giám đốc chính sách công nghệ của Consumer Reports thì "dữ liệu về cách thức và địa điểm khi bạn lái xe là rất riêng tư và nhạy cảm, và các công ty chỉ nên thu thập và chia sẻ dữ liệu đó khi cần cho một dịch vụ mà người tiêu dùng đã yêu cầu".
Ông cũng khẳng định: "Việc cố tình ẩn đi điều gì đó trong một thỏa thuận pháp lý hoặc cài cắm điều khoản mà người tiêu dùng không có khả năng nhận biết thì đó không phải là sự đồng ý thực sự và các nhà sản xuất ô tô nên dừng lại.
Trước đó, vào tháng 8 năm 2024, khách hàng đã khởi kiện hãng xe General Motors vì thu thập dữ liệu mà không có sự đồng ý, và gần đây, Ford, Hyundai, Toyota và FCA đều phải đối mặt với những vụ kiện tương tự.
Theo đơn kiện, GM đã bán dữ liệu này trong nhiều năm mà không có sự đồng ý rõ ràng của người lái xe, bao gồm thông tin của hơn 100.000 xe chỉ tính riêng ở bang Arkansas.
Theo Carscoops