Phần 2: Các cuộc chiến đồng loạt của ông Trump giữa đại dịch Covid-19

VietTimes -- Ai cũng cho rằng việc chuẩn bị cho đất nước tái khởi động nền kinh tế sẽ là chủ đề chính và duy nhất được Nhà Trắng tập trung trong những ngày tới.
Tổng thống Trump trong một cuộc họp báo (Ảnh: Reuters)

Vậy nhưng không hiểu sao, ông Trump lại cùng lúc thổi bùng lên nhiều cuộc chiến trên nhiều mặt trận, từ việc đối đầu với các tiểu bang cho đến cuộc tấn công vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ nhận xét.

Lựa chọn đối đầu không cần thiết

Ngay từ đầu, rõ ràng các chính quyền tiểu bang đã không có sự chuẩn bị chống đại dịch. Các thống đốc đã không dự trữ các thiết bị y tế cần thiết như khẩu trang N95, máy thở và thiết bị bảo hộ - đồng thời cũng không chú trọng xây dựng năng lực để tăng cường mảng chăm sóc đặc biệt và đảm bảo giường bệnh cho các bệnh viện. Các tiểu bang đều thiếu các bộ dụng cụ xét nghiệm để xác định những người lây lan bệnh dịch.

Tương tự như vậy, chính quyền liên bang, dưới thời các tổng thống George Bush, Barack Obama và cả Trump, đã không bổ sung kho dự trữ quốc gia về thiết bị y tế và thuốc men, đồng thời cũng không có kế hoạch quốc gia chống đại dịch như Covid-19 ở quy mô lớn mà lẽ ra phải có.

Việc chính quyền liên bang đã làm được là nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của các thống đốc, tăng cường từ thiết bị, giường bệnh, bộ dụng cụ xét nghiệm cho đến cả nhân viên y tế. Ông Trump với tư cách là Tổng thống đã thực hiện quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và thuyết phục hoặc ra lệnh cho khu vực tư nhân hợp tác sản xuất và mua sắm thiết bị, thuốc men và vắc-xin chống virus.

Hầu hết thời gian qua, Tổng thống và thống đốc các tiểu bang đã cùng phối hợp chống đại dịch theo cách thức phi đảng phái. Một điều vô cùng quan trọng là các thống đốc đã nhượng quyền cho tổng thống và chính quyền liên bang để vừa tăng cường các hệ thống y tế vừa tiến hành đóng cửa nền kinh tế - hai hoạt động chỉ có thể thực hiện được nếu có sự can thiệp và hỗ trợ của chính quyền liên bang.

Không cố chấp, ông Trump không tiếc lời khen ngợi các thống đốc, những người vốn là kẻ thù chính trị của ông, và các thống đốc cũng khen ngợi những việc Tổng thống đã làm cho các tiểu bang. Hệ thống chính trị Mỹ đã hoạt động theo đúng cách thức của nó khi xảy ra khủng hoảng.

Ứng phó của chính quyền liên bang – được mô tả là phương thức “toàn chính phủ”, là mô hình bán quân sự và hợp tác công tư -  có thể sẽ đi vào lịch sử như một trong những nỗ lực hiệu quả nhất của bất kỳ chính phủ quốc gia nào khi đối mặt với khủng hoảng.

Rồi không hiểu sao, đúng khi mối liên kết tốt đẹp này đạt đỉnh điểm, ông Trump tuyên bố rằng ông có toàn quyền quyết định thời điểm và cách thức mở lại nền kinh tế. Và đúng như dự đoán, các thống đốc đã phản đối gay gắt và tuyên bố Tổng thống không có thẩm quyền đó.

Để thể hiện sự bức xúc, Thống đốc thuộc đảng Dân chủ của tiểu bang New York, ông Andrew Cuomo, có lẽ là người hâm mộ và ủng hộ lớn nhất của ông Trump, đã tập hợp sáu tiểu bang khác cùng hợp tác để đưa ra kế hoạch mở cửa lại kinh tế. California, cũng là một tiểu bang hâm mộ ông Trump, đã hợp tác với tiểu bang Oregon và Washington để lên kế hoạch mở cửa trở lại.

Các thống đốc khác ở Michigan và Illinois là thành trì của đảng Dân chủ cũng bắt đầu phản công lại tuyên bố này của ông Trump.

Ông Trump lên Twitter gọi những thống đốc này là những “kẻ nổi loạn” và tiếp tục tuyên bố ông có toàn quyền quyết định việc mở cửa lại kinh tế. Điều quan trọng là trong một động thái rất hợp tình hợp lý, Thống đốc Cuomo tuyên bố rằng mặc dù thẩm quyền mở lại nền kinh tế của bang New York thuộc về ông nhưng ông sẽ không tranh chấp với ông Trump và sẵn sàng tiếp tục hợp tác.

Các trung tâm kinh tế một thời sầm uất giờ vắng lặng do lệnh đóng cửa và giãn cách xã hội (Ảnh: AP)

Trên thực tế, Tổng thống không có quyền mở hoặc đóng nền kinh tế: các tiểu bang có quyền làm vậy. Ông Trump đã không thể đưa ra bất kỳ tài liệu nào để biện minh cho sự khẳng định thẩm quyền này. Và tôi không thể tìm thấy chuyên gia nào có thể ủng hộ tuyên bố này của ông Trump.

Chính tuyên bố này của ông Trump đã làm dấy lên các vấn đề hiến pháp quan trọng chỉ có thể quyết định được trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Vì vậy, cơn bùng nổ mà ông Trump trút lên các tiểu bang là vô căn cứ, phản tác dụng và thiếu sự tư vấn cẩn trọng của các chuyên gia.

Ngay ngày hôm sau, dường như ông Trump đã nhận ra sai lầm lớn của mình nên ông tuyên bố sẽ phối hợp với các tiểu bang để mở lại nền kinh tế trên cơ sở cân nhắc tình trạng kinh tế và y tế của từng tiểu bang. Một số tiểu bang sẽ mở sớm hơn, những tiểu bang khác sẽ tùy hoàn cảnh.

Nhưng ông Trump vẫn dùng từ “cho phép” như thể ông đang trao cho các tiểu bang quyền được quản lý kinh tế của chính họ. Đây không phải là ý hay.

Không ai có thể đưa ra một lời giải thích hợp lý nào cho việc tại sao ông Trump lại muốn toàn quyền quyết định việc mở lại nền kinh tế trong bối cảnh đang cần có sự thống nhất và hợp tác giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Chỉ một bên sẽ không thể thực hiện được điều này.

Ngay cả trong điều kiện lý tưởng nhất, việc mở lại kinh tế cũng vẫn rất phức tạp - vậy thì tại sao lại không chia sẻ cả trách nhiệm và ghi nhận với người khác, đặc biệt là khi các tiểu bang sẵn sàng phối hợp.

Ông Trump có thể hành xử đúng phong cách một tổng thống hơn nếu ông dành cơ hội cho những người khác được ghi nhận công sức mà họ xứng đáng được nhận.

Một số nhà phê bình cho rằng có thể là ông Trump đang cố gắng nhận công trong việc mở cửa lại nền kinh tế. Có lẽ ông cảm thấy rằng ông đã phải nhận trách nhiệm là người đóng cửa - việc mà các thống đốc không phản đối – thì giờ ông đáng được nhận ghi nhận là người đã mở lại.

Cũng có người lại nói rằng ông Trump đã “lập lờ đánh lận con đen”: Ông tuyên bố với các thống đốc là ông có toàn quyền sau đó đẩy cho họ phải chịu trách nhiệm”

Không ai biết được thực chất là thế nào.

Ông Trump mở ra nhiều cuộc chiến khác

Ai cũng cho rằng việc chuẩn bị cho đất nước tái khởi động nền kinh tế sẽ là chủ đề chính và duy nhất được Nhà Trắng tập trung trong những ngày tới. Vậy nhưng không hiểu sao, ông Trump lại cùng lúc thổi bùng lên nhiều cuộc chiến trên nhiều mặt trận.

Như đã nói ở phần trên, ông công kích các tiểu bang, một động thái được các nhà quan sát cho rằng như vậy là đủ tồi tệ rồi.

Nhưng chưa hết – ông tiếp tục với cuộc tấn công vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bởi ông tin rằng WHO đã cấu kết với chính phủ Trung Quốc để che giấu nguồn gốc, bản chất và ảnh hưởng của Covid-19 ngay khi virus vừa mới xuất hiện. Ông chủ Nhà Trắng đã ngừng tài trợ cho WHO.

Người dân Mỹ đeo khẩu trang khi ra đường giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội (Ảnh: AFP)

Tất nhiên, quyết định này đã khiến phe dân chủ bốc hỏa đúng lúc họ đang có kế hoạch mở các cuộc điều tra khác về ông Trump và cố gắng tạo rào cản pháp lý để chặn đứng các chính sách của ông. Việc ông Trump tấn công WHO cũng vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc, EU và các nước đồng minh của Trung Quốc.

Ông Trump cũng phàn nàn rằng phe Dân chủ đã cố tình trì hoãn việc phê chuẩn bổ nhiệm thẩm phán và các vị trí quản lý trong chính quyền- nhiều người trong số họ phải chờ đợi 1-2 năm. Sau ông Omaba, ông Trump cũng được quyền bổ nhiệm tạm thời các vị trí quan trọng còn trống khi quốc hội không có phiên họp.

Quốc hội ngăn cản việc này bằng cách bố trí một thành viên lại văn phòng Washington (gọi là phiên họp chiếu lệ - Pro Forma) trong khi những thành viên khác đều đã về nhà.

Về mặt nguyên tắc, chỉ cần có một thành viên ở văn phòng nghĩa là Quốc hội vẫn đang chính thức hoạt động và Tổng thống sẽ không được dùng quyền bổ nhiệm. Ông Trump đã đe dọa đóng cửa Quốc hội để thực hiện việc này. Nếu xảy ra thật thì đó sẽ là một cuộc khủng hoảng hiến pháp nữa, chưa kể đến một cuộc luận tội nữa. Thật đáng lo ngại!

Viễn cảnh

Bất chấp các chiêu trò đang diễn ra khắp hệ thống, trình bày sơ lược của Tổng thống về kế hoạch mở lại nền kinh tế là rất đáng khích lệ.

Ông Trump đã triệu tập “các hội đồng” cấp cao gồm các giám đốc điều hành, các nhà lãnh đạo tư tưởng và các chuyên gia từ mọi lĩnh vực của nước Mỹ cùng chung tay giúp ông đưa ra kế hoạch.

Các nhân vật cộm cán bao gồm các giám đốc điều hành như Mark Zuckerberg của Facebook, Tim Cook của Apple, Jamie Dimon của JP Morgan Chase và rất nhiều người khác đã đồng ý giúp ông. Danh sách đó còn bao gồm Thống đốc các tiểu bang.

Các chuyên gia y tế đang xác định xem xét nghiệm, “giãn cách xã hội”, cấm đi lại, và sử dụng khẩu trang cần ở quy mô thế nào.

Thực hiện cơ chế chia sẻ trách nhiệm để mở lại nền kinh tế là một bước đi đúng đắn.

Điều có thể cứu được nước Mỹ và thế giới lúc này là nhanh chóng phát triển vắc xin.

Hãy cùng cầu nguyện vì điều đó!