|
Bảo vệ nguồn tài nguyên dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cần được quy định rõ ràng và chặt chẽ trong khung pháp lý. Ảnh minh họa |
Đó là quan điểm của đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS - trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam VDCA) trước thềm tọa đàm “Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân trên môi trường số - Từ thực tiễn đến hoàn thiện hệ thống pháp lý: Bài học và các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”, được tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 15/7 tới.
Cũng theo đánh giá của IPS, hiện nay, dữ liệu người dùng ngày càng trở thành “tài nguyên” quý giá, tạo “siêu lợi nhuận” cho nền kinh tế số. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, tài nguyên dữ liệu đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm. Đáng chú ý, những vụ việc lộ lọt thông tin cá nhân lại nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người dùng.
Chính vì vậy, bảo vệ nguồn tài nguyên dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cần được quy định rõ ràng và chặt chẽ trong khung pháp lý.
Tọa đàm do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), IPS và Oxfam Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường thực thi bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo Ban Tổ chức, Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin cùng các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương tham gia báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ dữ liệu trong kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, sự kiện cũng là nơi thảo luận, đưa ra các giải pháp đảm bảo an ninh dữ liệu quốc gia.
Được biết, tại tọa đàm "Kinh tế số và Chính sách An ninh mạng" do VDCA tổ chức 2 năm trước, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS - từng nói về quyền riêng tư, rằng: "Trong xu thế sát nhập của các doanh nghiệp thương mại điện tử, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề về quyền sở hữu dữ liệu cá nhân người dùng". Theo quy định của pháp luật, dữ liệu chỉ có thể được mua bán, chuyển nhượng giữa 2 bên. Tuy vậy, nếu một thương vụ sát nhập xảy ra, sẽ xuất hiện điểm tranh chấp về pháp lý trong câu chuyện này. Bởi thế, ông Đồng cho rằng Việt Nam cần có một thiết chế trung gian để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng cá nhân. |