Nhiều năm ròng rã đi đòi nhà
Đã từng băng rôn, khẩu hiệu rồi khăn gói ra tận Hà Nội gặp lãnh đạo, nhưng sau hơn 4 năm, khách hàng PetroVietnam Landmark vẫn chưa nhận được nhà như cam kết trong hợp đồng. Thực tế, thời gian qua, đông đảo báo chí đã đưa tin về việc chủ đầu tư bỏ khách hàng bơ vơ cả năm trời.
Hầu hết những người mua nhà của dự án này đều rất bức xúc, bởi họ đã đóng đến 70%, có người đóng 102%, nhưng họ chỉ biết chờ đợi và gửi đơn khiếu kiện khắp nơi, yêu cầu phía chủ đầu tư phải giao nhà đúng hẹn. Thế nhưng, phía chủ đầu tư, kể cả công ty tổng lẫn công ty con đều tránh né, “đá qua đá lại” trách nhiệm và đưa ra nhiều lý do trì hoãn.
Từ quảng cáo trên webiste tới thực tế dự án |
Sau nhiều công văn của cư dân gửi tới cả PVL, PVC land, các cơ quan chức năng cùng với việc tập trung căng băng rôn tại dự án để đòi nhà, đòi quyền lợi, cuối cùng họ cũng gặp được lãnh đạo PVC land. Song, khách hàng vô cũng thất vọng khi chủ đầu tư trả lời: Công ty đang rất nỗ lực và cũng không biết đến ngày nào mới bàn giao nhà được.
Chỉ cần gõ từ khóa “bán căn hộ Petro Landmark”, ngay lập tức Google sẽ cho ra hàng ngàn kết quả tìm kiếm. Nào là dự án Petro Landmark giá cực tốt, dự án Petro Landmark giá gốc từ chủ đầu tư, bán cắt lỗ dự án,... Nếu như năm 2010, dự án được chào bán ở mức giá 24 triệu đồng/m2, thì năm 2014 giá thị trường do một số nhà đầu tư dự án đang rao bán chỉ còn 13 triệu đồng/m2, thậm chí có người cần bán gấp chỉ 12 triệu đồng/m2, tức hạ giá tới 50%.
Khoảng cuối năm 2011, dự án gây chú ý trên thị trường khi hạ giá xuống còn 15,5 triệu đồng/m2, khách hàng muốn mua phải ra tận trụ sở của PVL tại Hà Nội để tiến hành bốc thăm, thay vì lựa chọn theo ý thích. Đồng thời, phải đặt cọc trước 500 triệu đồng cho mỗi phiếu bốc thăm.
Ông Hoàng Ngọc Sáu, Tổng giám đốc PVL, báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội rằng để đầu tư cho dự án, công ty đã vay Ngân hàng Liên Việt 100 tỷ đồng, sắp đến hạn trả nợ, nếu không thu xếp được dòng tài chính sẽ làm tê liệt doanh nghiệp. Hội đồng quản trị thông qua giá bán mới, sau khi bán hết số căn hộ trên, số lỗ từ hoạt động này dự kiến khoảng 70 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo thông tin từ chủ đầu tư, tổ hợp công trình PetroVietnam Landmark nằm trên khuôn viên gần 19.000 m2 gồm chung cư cao cấp, trung tâm thương mại và văn phòng. Dự án gồm 418 căn hộ, với tổng giá trị 1.028 tỷ đồng, đến nay đã bán được 412 căn, thu về 739,5 tỷ đồng.
Chủ đầu tư ngập trong nợ nần
Tìm hiểu sâu hơn thấy rõ sự chồng chéo của các công ty này có chung “tên mẹ” dầu khí. Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) là mẹ của PVC Land, góp vốn 76%, đến cuối năm 2012 tổng số vốn “mẹ bơm cho con” là 203 tỷ đồng. Trong PVL cũng có phần vốn của PVX, rồi cũng có sự tham gia của Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí Việt Nam.
Vào thời điểm PVL cắt lỗ gây xôn xao dư luận thì PVC Land “nhảy ra” tuyên bố: việc giảm giá bán căn hộ là của nhà đầu tư thứ cấp, không liên quan đến chính sách của chủ đầu tư; không ảnh hưởng đến chất lượng dự án; hiện nay dự án đang trong quá trình khẩn trương thi công hoàn thiện để bàn giao khách hàng.
Trong lần trao đổi với báo giới gần đây, đại diện chủ đầu tư PVC Land thú nhận đã mất khả năng thực hiện do hết vốn. Với tình trạng tài chính bi bét như hiện tại của chủ đầu tư, chưa biết đến bao giờ dự án này mới có tiền hoàn thành.
Chỉ riêng tại Ngân hàng TMCP Liên Việt (chi nhánh TP.HCM), tính đến ngày 13/8/2014, công ty đang có khoản nợ quá hạn lên tới hơn 191 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Ngân hàng Liên Việt đã có đơn khởi kiện PVC Land ra TAND quận 1, TP.HCM để thu hồi các khoản nợ trên.
Tại buổi làm việc gần đây nhất, ngày 15/6, với khách hàng, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Công ty PVC Land thừa nhận dự án vẫn chưa có vốn để tiếp tục thi công. Chủ đầu tư không thể hứa được ngày nào tiếp tục triển khai. Còn làm việc với phía Liên Việt thì chưa có kết quả. Giám đốc Công ty PVC Land cho biết hiện dự án đã hoàn thành được khoảng 80%, để hoàn thành phần còn lại giao nhà cho khách hàng sẽ cần thêm khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đồng ý về nguyên tắc tạm bàn giao hiện trạng dự án cho Ban quản lý dự án, trong đó có đại diện chủ đầu tư, khách hàng và nhà thầu thi công. Ban quản lý chịu trách nhiệm đôn đốc khách hàng đóng tiền vào tài khoản chuyên chi do ban quản lý lập ra và giải ngân cho các nhà thầu thi công.
Liên quan đến dự án Petro Vietnam Landmark, mới đây Cơ quan an ninh điều tra vừa bắt giam Hà Văn Sơn (30 tuổi), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng liên quan đến quá trình điều tra vụ án này, ngày 22/1 vừa qua, Cơ quan Điều tra đã bắt tạm giam ông Hoàng Ngọc Sáu (48 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL), để điều tra về hành vi trên.
Theo VNN