Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – Mã CK: PGB) thông báo vừa nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của cổ đông lớn Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán.
Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý 3/2022.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) của PG Bank cũng tạm khóa ‘room’ ngoại ở mức 2% vốn điều lệ để đảm bảo đợt chào bán ra công chúng của cổ đông lớn Petrolimex không vi phạm quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Như VietTimes từng đề cập, Petrolimex là cổ đông lớn duy nhất hiện "ra mặt" tại PG Bank, với quy mô nắm giữ 120 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 40% vốn điều lệ. Nhiều năm qua, PG Bank luôn ở trong trạng thái chờ sáp nhập, trong khi Petrolimex chịu áp lực thoái vốn do vượt quá tỷ lệ sở hữu theo quy định.
Còn quá sớm để định vị những cái tên sẽ tham gia đấu giá cổ phần PG Bank của Petrolimex.
Thoạt nhìn, thương vụ thoái vốn của Petrolimex, với tỷ lệ lớn ấn tượng như vậy, hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn. Nhưng...
Khát khao sở hữu ngân hàng
Sở hữu một ngân hàng thương mại luôn là khao khát của rất nhiều đại gia. Tập đoàn càng lớn, hệ sinh thái càng mở rộng, nhu cầu vốn càng phình to thì khát khao ấy lại càng thêm cháy bỏng.
Mà chưa cần đến mức chi phối, nắm giữ một lượng cổ phần nhà băng đủ lớn, đã là một khoản đầu tư khôn ngoan.
"Anh thử nhìn lại mười năm trước, khi quy mô nền kinh tế Việt Nam mới chỉ hơn 100 tỉ đô, chúng ta có bao nhiêu ngân hàng thương mại. Bây giờ, GDP Việt Nam hơn 300 tỉ đô, số lượng ngân hàng thương mại có tăng lên không? Không hề! Ngược lại nó còn giảm đi. Toàn bộ dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế, nó nằm và chạy ở đâu? Nếu không phải ở các ngân hàng!" - một doanh nhân số má trong giới kinh doanh Việt Nam từng chia sẻ với PV VietTimes như vậy.
Minh họa trực quan hơn: Nếu như 10 năm trước, số ngân hàng được định giá tỉ đô rất hiếm hoi, thì đến hiện tại, vốn hóa dưới tỉ đô đã thành thiểu số với nhóm ngân hàng. Theo đà tăng trưởng ấy, những ngân hàng Việt có giá trị tính bằng chục tỉ đô có lẽ sẽ không còn xa vời.
Vị đại gia tin rằng "license" ngân hàng sẽ ngày càng có giá hơn theo sự lớn mạnh của nền kinh tế. "Chưa cần phải sử dụng cho "sân trước - sân sau", tự thân nó đã là một khoản đầu tư rất chắc ăn" - ông nói.
Thực tế thời gian qua, cổ phần nhà băng luôn là một trong những món hàng "hot" nhất. Chỉ cần một chủ ngân hàng nào bắn tiếng chuyển nhượng – dù cho có là ngân hàng nhỏ hay tình hình tài chính không thật lành mạnh – thì vẫn có tới tấp khách hỏi mua. Thậm chí là tranh nhau mua.
"Cuộc chiến vương quyền" dai dẳng ở Eximbank bao năm qua, hay những cao trào trong "game" chuyển nhượng NCB có thể xem như những minh chứng sống động. Mà đó mới chỉ là những vận động bề nổi và đã ít nhiều được truyền thông lên mặt báo.
Còn không ít những cuộc gặp không thể đi xa hơn và thị trường cũng không có cơ hội tiếp cận.
Bản thân PGBank, theo tìm hiểu của VietTimes, từng trở thành mục tiêu nhòm ngó của không ít bên. Và cũng đã có cả những cuộc gặp.
Nhưng phần đông mới chỉ biết về các thương vụ M&A hụt PGBank của VietinBank, rồi HDBank!
Thế cuộc PG Bank
Theo các tài liệu công bố, cơ cấu cổ đông PG Bank hiện rất cô đặc.
Gần nhất, AGM 2022 của PG Bank ghi nhận sự tham dự của 43 cổ đông, đại diện cho 288 triệu cổ phần, chiếm 96% vốn điều lệ. Trừ đi 40% cổ phần do Petrolimex sở hữu, thì 42 cổ đông còn lại đã nắm giữ tới 56% vốn điều lệ PG Bank. Đồng nghĩa, ngân hàng này đang có cả loạt "cổ đông gần lớn".
Tham khảo của VietTimes cho thấy, nhiều người trong nhóm "cổ đông gần lớn" trên của PG Bank có mối liên hệ với một đại gia tên tuổi trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - bất động sản.
Vị này có niềm say thích đặc biệt với cổ phiếu ngân hàng. Ông sở hữu một ngân hàng và trực tiếp ngồi ghế Chủ tịch, trong khi "hệ sinh thái" của ông còn nắm giữ lượng cổ phần đáng kể ở nhiều "bank" khác. PG Bank chỉ là một trong số đó.
Lượng cổ phần PGB của nhóm trên được cho là đã "quá bán", khiến cho các bên có nhu cầu thâu tóm PGBank lại hay tìm đến họ đặt vấn đề (Chứ không phải là Petrolimex!).
Vị đại gia nọ vẫn sẵn lòng tiếp khách, nhưng không chịu áp lực phải bán. Ông cũng giữ quan điểm kiên nhẫn với các lô cổ phần "bank" khác. Vị thế ấy lại càng khiến mức giá kỳ vọng được đẩy lên cao hơn.
Trở lại với thương vụ triệt thoái vốn của Petrolimex ở PG Bank, thoạt nhìn, đó sẽ là một "hot game". Nhưng nếu tỷ lệ chi phối PG Bank đã an bài, thì liệu các nhà đầu tư có còn nhiều hào hứng (?!).
Dĩ nhiên, với nhóm hiện hữu ở PG Bank, gia cố thêm sở hữu là lựa chọn không tồi. Một PG Bank không có vốn nhà nước có khi sẽ lại còn hấp dẫn hơn!
Hồi tháng 11/2020, thị trường xuất hiện những đồn đoán về một tay chơi mới ở “game” PG Bank, sau khi ông Nguyễn Phi Hùng – nguyên Phó Tổng giám đốc MSB – được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc tại nhà băng này. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB đã lên tiếng phủ nhận.
Năm 2022, PG Bank đặt mục tiêu lãi trước thuế 430 tỉ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm 2021. Nhà băng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm đạt 43.659 tỉ đồng; dư nợ tín dụng đạt 27.640 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, PG Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 245,2 tỉ đồng, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 57% kế hoạch năm.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt 39.636,9 tỉ đồng, giảm 2,1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng cũng giảm 4,4% xuống còn 26.271,7 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,52% lên 2,67%./.