Chào chị Oanh, được biết hiện nay chị đang sở hữu một trong những công ty tiên phong trong mảng Performance Marketing của Việt Nam. Chị nhận xét thế nào về hiệu quả của dịch vụ này đối với thị trường Việt Nam?
Performance Marketing là một thuật ngữ mới xuất hiện nhiều cách đây khoảng 3 năm tại Việt Nam. Vào thời gian trước, mọi người sử dụng những thuật ngữ “online marketing”, “social media”, “digital marketing”, “truyền thông truyền thống” để nói về quảng cáo.
Tuy nhiên, hiện giờ chúng ta có thước đo về mặt hiệu quả (dữ liệu về khách hàng tiềm năng, lượt truy cập, thời gian lưu lại trên website, tỉ lệ thoát trang, số người điền vào form đăng kí, tải và cài ứng dụng…).
Nhìn chung, những hoạt động đo lường đấy được gọi là “Performance Marketing”.
Hình thức quảng cáo mới này rất phát triển ở các nước tiên tiến. Nó cho phép các doanh nghiệp tiếp cận chính xác với những khách hàng mục tiêu, và tiết kiệm chi phí quảng cáo.
Ở thị trường Việt Nam, đây sẽ là một xu hướng mới vì hiểu biết của các nhà quảng cáo đã được nâng cao, cơ sở hạ tầng về truyền thông online, các kênh truyền thông, hệ sinh thái đã sẵn sàng cho việc đo đếm hiệu quả một cách chặt chẽ.
Theo chị, điều nào đã tạo được sự khác biệt và hấp dẫn trong dịch vụ của công ty so với những bên khác?
Với xuất phát điểm là 10 năm theo đuổi Digital Marketing, tôi đã chứng kiến lịch sử phát triển của ngành và thành lập ra công ty Omega với hệ thống quảng cáo hiện đại.
Công ty Omega cung cấp cho khách hàng dịch vụ về Performance Marketing, chỉ tính phí dựa trên những chỉ số đo lường hiệu quả cuối cùng.
Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận được đúng đối tượng và đạt được mục đích truyền thông của mình...Chỉ khi khách hàng có quan tâm đến sản phẩm thì mới xem thông tin trên trang lâu hơn.
Từ đó, khách hàng tiềm năng biết tới nhãn hàng, hiểu về nhãn hàng, thậm chí tương tác và có khả năng cao để mua sản phẩm.
Tôi lấy ví dụ, một số công ty quảng cáo sẽ cung cấp các các gói theo lượt click (CPC – Cost per click) vào các banner, video trên kênh truyền thông. Chúng tôi sẽ tư vấn 1 lượt click đó có phải là click hiệu quả, trúng đích hay không dựa vào các chỉ số đo lường được đường đi/ hành động của từng click đấy sẽ làm gì trên trang đích của nhãn hàng.
Như vậy, nhà quảng cáo sẽ biết để tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu thực sự cần chi bao nhiêu tiền. Có những khách hàng sẽ cần người dùng điền vào form đăng ký tham gia sự kiến, mua hàng,… và chúng tôi tính phí dựa trên từng lượt đó.
Tương tự đối với khách hàng sở hữu apps, họ không chỉ cần lượt cài đặt apps. Chúng tôi có thể tính toán & tính phí dựa trên các chỉ số sâu hơn khi người dùng cài apps về có đăng ký làm thành viên hay không, có quay lại mở apps ra ngày đầu tiên hay không ( Retention rate 1 – RR 1 ), người dùng trung thành quay lại mở apps bao nhiêu lần, bao nhiêu người cài apps sẽ chuyển thành người mua sản phẩm qua apps,…
Tốc độ phát triển của Performance Marketing tại Việt Nam.
|
Được biết các dịch vụ của công ty đều cung cấp các giải pháp Marketing đo lường rất hiệu quả với người dùng. Chị có thể chia sẻ thêm với độc giả về cách thức vận hành của các loại dịch vụ ấy?
-Hiện tại, công ty Omega chủ yếu cung cấp hệ thống quảng cáo là APPA và Lara.
Appa là một hệ thống quảng cáo tính phí dựa trên lượt cài dành cho các ứng dụng trên điện thoại. Các nhà quảng cáo đưa ra banner và video quảng cáo. Sau đó hệ thống Appa sẽ đưa những nội dung quảng cáo đó tiếp cận với hàng triệu ứng dụng thông qua các nhà phát hành. Và chúng tôi chỉ tính phí khi có người tải và cài đặt ứng dụng trên IOS và Adroid. Sản lượng có thể lên tới 9000 – 10000 lượt cài đặt ứng dụng trên điện thoại một ngày. Hiện nay, đây là sản lượng lớn nhất tại Việt Nam.
Lara là hệ thống quảng cáo trên website. Khi các nhãn hàng có chương trình quảng cáo cần đưa lên website, thông qua hệ thống Lara, toàn bộ banner và video cho chiến dịch quảng cáo đó sẽ được xuất hiện trên toàn bộ các kênh truyền thông mà nhãn hàng muốn. Lara sẽ đưa lại cho các nhãn hàng các lượt click với các chỉ số về time on sites, bounce rate (tỷ lệ thoát trang), điền form…
Trong quá trình khởi nghiệp, chị đã gặp phải những khó khăn gì và chị đã giải quyết chúng như thế nào để có được thành tựu như hiện tại?
-Tôi không phải tuýp người ngại khó nên thực tế, tôi không coi các chướng ngại trong cuộc sống là khó khăn mà là thử thách. Tôi luôn tâm niệm là mỗi một lần gục ngã, một lần trở ngại là một lần tiếp sức cho mình mạnh mẽ hơn để mình đi xa hơn. Tôi tiếp cận vấn đề dựa trên việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ và giải pháp là gì. Nhiều khi mình còn cảm ơn những chướng ngại vật đã giăng ra trong đời mình cho mình được như ngày nay.
Những công việc tôi đã từng làm đều như một người đang khởi nghiệp.
"Tôi như một kẻ điếc không sợ súng..."
|
Năm 2006 – 2008: Từ một sinh viên mới ra trường còn chân ướt chân ráo chưa được đào tạo về nghề, về kỹ năng xử lý vấn đề nhân sự, về kỹ năng khai thác thị trường, đàm phán với đối tác,…Tôi như một kẻ điếc không sợ súng, nhìn đời bằng một cặp kính mầu hồng cực đại và tinh thần trách nhiệm cao nhất việc gì cũng sẽ có giải pháp hết.
Tôi được cử sang Malaysia làm trưởng đại diện cho 1 công ty trực thuộc Vietnam Airlines và quản lý 3000 công nhân ở các nhà máy khắp Malaysia. Lúc đó, tôi tự nghiên cứu thị trường từ A-Z, kể cả phải xử lý tất cả những vấn đề phát sinh liên quan đến cuộc sống 3000 công nhân đó.
Tôi gặp mọi thử thách liên quan tới đồng nghiệp, người lao động, đối tác, văn hóa,…nhưng thật lòng lúc đó giống như bạn bị ném xuống biển, không bơi là bạn sẽ bị chìm nên từng bước từng bước giải quyết, sai lại sửa, sửa đi sửa lại nhất định phái đúng. Có thể đó cũng là một dạng kiên trì.
Năm 2009 - 2015 (6 năm): Tôi chuyển qua ngành online marketing bởi lúc đó có một công ty của Hong Kong mang vào Việt Nam một hệ thống gọi là mạng lưới quảng cáo mới. Thời đó, ngành quảng cáo online còn rất sơ khai, nhiều publisher lớn như Vnexpress, Dantri, Zing,... vẫn còn bán quảng cáo theo CPD (chi phí theo thời gian) và banner kích cỡ nhỏ chằng chịt treo trên trang nhưng không hiệu quả,…
Tôi bắt đầu nhập cuộc với vị trí thấp nhất là nhân viên kinh doanh. Không có kiến thức về ngành, phải học từ con số 0 nên tôi như một bạn trẻ học cấp tốc, liên tục đặt các câu hỏi cho đồng nghiệp để tiếp thu kiến thức được nhanh nhất.
Thêm một lần nữa, chiến đấu với tinh thần không có gì để mất, làm nhiều hơn gấp 2,3 lần so với KPI được giao, sau 3 tháng tôi lên làm Sales manager, 6 tháng là Sales Director và 1 năm là CEO và trở thành cổ đông của công ty.
Lúc tôi trở thành người điều hành công ty thì cũng là lúc vốn từ công ty mẹ rót vào đã tiêu gần hết, áp lực từ các loại chi phí, lương nhân sự cao cấp,… tôi cắt giảm nhân sự cao cấp, tuyển nhân sự mới về đào tạo, đổi văn phòng hạng sang sang hạng thấp nhất,…
Tôi làm mọi biện pháp giảm chi phí, mở rộng dịch vụ đa dạng online hơn, mở rộng quan hệ đối tác,… và sau 1 năm sau thì công ty tăng trưởng tốt trở thành 1 trong những công ty truyền thông online được nhiều nhãn hàng, đối tác biết tới tại thị trường Việt Nam.
Năm 2015-2017: Một công ty Nhật với 11 văn phòng ở Châu Á, quy mô 1000 người thành lập văn phòng ở Việt nam. Họ mang vào Việt Nam một hệ thống Mobile Marketing CPI (Quảng cáo dựa trên lượt cài đặt dành cho Apps) với rất nhiều cách thức làm thông minh. Tôi nhận lời mời của họ về thành lập và điều hành cho họ thị trường Hà Nội.
Sau đó, tôi lại một lần nữa cặm cụi cùng bạn CEO người Nhật soạn thảo, chuẩn bị từ chiến lược về sản phẩm, định hướng, chính sách giá, bán hàng,…tới văn hóa doanh nghiệp, sổ tay nhân viên, nội quy công ty, tuyển dụng, đào tạo,...
Cũng trong thời gian làm việc tại đây, khi đại diện công ty sang Singapore tham dự hội thảo lớn nhất khu vực về Mobile, khoác trên mình chiếc áo Kimono của người Nhật để giới thiệu cho khách mời từ khắp nơi trên thế giới về công ty Nhật, tôi bỗng sôi sục một cảm giác mạnh mẽ rằng một ngày nào đó tôi muốn mình sẽ mặc trang phục của Việt Nam và tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế rằng công ty của tôi tới từ Việt Nam.
Tháng 03/2018: Thời cơ đã tới, các bạn Nhật rút khỏi Việt Nam do chiến lược từ công ty mẹ, với rất nhiều bài học tích lũy được trước đó, sau khi bàn bạc và được sự ủng hộ của chồng và gia đình, tôi quyết định mua lại ekip, sản phẩm và OMEGA MEDIA WORLDWIDE JSC ra đời với slogan "The leading Performance Marketing Agency in Asia".
Thực tế là thị trường có rất nhiều Agency nhưng Agency có hệ thống và có thể làm tốt về Performance là đếm trên đầu ngón tay.
Mọi tính toán, chỉ số doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng cộng hiểu biết về ngành đủ lâu đều đang cho tôi một niềm tin mạnh mẽ rằng Omega sớm sẽ thành công trên thị trường quốc tế.
Có rất nhiều chướng ngại phải xử lý trước mắt, có thể thắng, có thể bại, nhưng dù kết quả là gì, tôi cứ hành động đã. Tôi sợ phải nghĩ tới cảnh 10,20 năm nữa tôi ngồi kể chuyện cho con cháu nghe về cuộc đời mình với một tiếng thở dài và hối tiếc.
Trong vòng 5 tháng kể từ ngày thành lập, Omega Media Worldwide đã mở rộng ra 2 chi nhánh (Hà Nội và Tp. HCM), tăng từ 3 lên gần 20 nhân sự.
|
Nói thêm về công ty, chị có thể chia sẻ tốc độ tăng trưởng của công ty đến nay ra sao?
-Sau 5 tháng thành lập, Omega có 2 văn phòng ở Hà Nội và Hồ Chí Minh, tăng từ 3 tới gần 20 nhân sự. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng 300%, công ty có lãi chỉ sau 3 tháng vận hành.
Các khách hàng, đối tác của Omega hiện nay là các tập đoàn truyền thông quốc tế, nhãn hàng premium từ thương mại điện tử, ngân hàng, hàng tiêu dùng nhanh, bất động sản, các hãng đặt xe, du lịch,…Chúng tôi rất vui mừng khi thấy hơn 90% khách hàng đã chạy với Omega một chiến dịch là đều quay lại ký và chạy tiếp các chiến dịch khác. Có những khách còn ký hợp đồng hợp tác lâu dài.
Chị cho biết sẽ phát triển Omega thành những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực Performance Marketing tại thị trường Châu Á vào những năm tới. Chị có cơ sở nào để khẳng định được tầm nhìn này?
-Đúng vậy, tôi hy vọng rằng sẽ mở rộng được Omega ra những thị trường ở nước ngoài, và những thách thức đang nằm ở đấy. Còn thị trường Việt Nam, đội ngũ đang từng bước chinh phục. Mặc dù công ty mới ra chưa tới 1 năm nhưng doanh thu đang liên tục tăng trưởng theo chiều thẳng đứng.
Thực tế rằng, hệ thống mà Omega đang sở hữu được kết nối với đối tác khắp thế giới và có thể triển khai mang tính toàn cầu. Hiện số lượng khách hàng quốc tế chiếm tới 20%. Tính đến thời điểm này, mọi kết quả đều khả quan theo con số tính toán ban đầu của tôi.
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Omega dự định sẽ phát triển thế nào?
-Omega sẽ tập trung vào thị trường thế mạnh là Việt Nam. Sau đó, chúng tôi sẽ từng bước chọn những thị trường tiềm năng nhất như thị trường Indonesia, Thái Lan, Singapore.
Nếu cần thiết phải gọi vốn để mở rộng thị trường, chúng tôi cũng sẽ làm. Hiện nay, Omega cũng đang có nhiều nhà đầu tư, đối tác quan tâm.
Nếu được chia sẻ kinh nghiệm với các Startup marketing số, chị sẽ nhắn nhủ điều gì?
-Cái Tâm, Sự Đam mê, Gắn kết - Cam kết (thời gian, công sức, tiền bạc,…) là những điều kiện cần.
Còn điều then chốt nữa là hãy đặt câu hỏi: Tài sản của công ty bạn là gì? Mô hình kinh doanh của bạn là gì? Sản phẩm bạn đang bán là gì ? Có thể scale up (Nhân rộng quy mô nhanh chóng) được không?...
Tôi đã từng thất bại khi xây dựng một công ty mà tài sản dựa toàn bộ vào con người, không hề có hệ thống thế mạnh trong khi lại muốn nhân rộng khi được đầu tư./.