Thông tin này được cho biết trong báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – Mã CK: HVN).
Cụ thể, năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.486,7 tỉ đồng. Trừ đi chi phí, công ty này báo lỗ trước thuế 2.096 tỉ đồng, giảm lỗ 211,9 tỉ đồng so với năm 2021.
Vietnam Airlines cho biết, năm 2022, thị trường hàng không nội địa bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên thị trường hàng không quốc tế chưa khôi phục như kỳ vọng do nhiều thị trường trọng điểm vẫn còn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế.
Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng cao và tỷ giá biến động mạnh đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của của Pacific Airlines.
Trong quý 1/2022, Vietnam Airlines đã tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Qantas Asia Investment Company tại Pacific Airlines, qua đó nâng tỉ lệ sở hữu tại hãng bay này lên gần 98,84% vốn điều lệ.
Sau đó, Vietnam Airlines đã triển khai nhiều biện pháp duy trì hoạt động và tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines. Tuy nhiên, quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.
Trong năm 2022, một hãng hàng không khác có cổ phần của Vietnam Airlines là Cambodia Angkor Air (K6) cũng báo lỗ.
Cụ thể, tổng doanh thu năm 2022 của K6 đạt 38,8 triệu USD. Trừ đi chi phí, hãng bay này báo lỗ 10,26 triệu USD, giảm lỗ 7,4 triệu USD so với năm 2021.
Năm 2022, thị trường hàng không đi/đến Campuchia dần hồi phục, nhu cầu thị trường tăng trên cơ sở các chính sách mở cửa của chính phủ Campuchia và Việt Nam, giúp K6 cải thiện kết quả kinh doanh so với năm 2021.
"Tuy nhiên, thị trường nguồn của K6 là Trung Quốc mở cửa chậm hơn so với dự kiến. Bên cạnh đó, do tình hình địa chính trị phức tạp, chi phí nhiên liệu tăng cao, nên các chỉ tiêu sản lượng và hiệu quả đều thấp", báo cáo của Vietnam Airlines cho hay.
Kết quả kinh doanh thua lỗ của Pacific Airlines và K6 một phần khiến Vietnam Airlines lỗ lớn. Năm 2022, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế ở mức 11.223 tỉ đồng. Đây cũng là năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp của hãng hàng không này.
Bên cạnh Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air cũng báo lỗ lớn trong năm 2022.
Cụ thể, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) báo lỗ sau thuế tới 17.619,3 tỉ đồng trong năm 2022. Khoản lỗ này đã đẩy giá trị lỗ lũy kế của Bamboo Airways lên 19.335,8 tỉ đồng, vượt cả quy mô vốn điều lệ (18.500 tỉ đồng).
Bamboo Airways hiện đang triển khai quá trình tái trúc toàn diện từ bộ máy quản trị - điều hành, đến cấu trúc mạng lưới đường bay và đội tàu nhằm giảm chi phí.
Lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, khó khăn lớn nhất của hãng hiện nay là việc duy trì dòng tiền. Kết quả kinh doanh thua lỗ đã gây ra gánh nặng nợ nần lớn kéo dài với nhiều nhà cung cấp và các tổ chức tín dụng.
Năm ngoái, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air – Mã CK: VJC) cũng báo lỗ sau thuế hơn 2.262 tỉ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Vietjet Air báo lỗ kể từ khi công bố thông tin tài chính./.