Trong chuyến thăm London (Anh) hôm qua, Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết: "Giá dầu đã ở ngưỡng 45-55 USD thùng và tôi cho rằng nó đã chạm đáy. Giá sẽ sớm tăng trở lại thôi". Thông thường, những nhận định kiểu này không đáng chú ý, nhưng lần này nó lại được quan tâm do xuất phát từ lãnh đạo cao nhất OPEC.
Dù vậy, ông Abdullah cũng không cho biết liệu OPEC sẽ can thiệp và cứu thị trường dầu. Thay vào đó, ông cho rằng thị trường đang có nhiều dấu hiệu tự bình ổn khi các công ty cắt giảm chi tiêu, khiến nguồn cung đi xuống.
Hơn nữa, số lượng giàn khoan tại Mỹ cũng đang giảm mạnh. Đây được coi là yếu tố then chốt để giá dầu chạm đáy. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành dầu mỏ giảm tăng trưởng do dư cung hiện nay, ông Abdullah cảnh báo giảm đầu tư sẽ gây rủi ro cho nguồn cung dầu mỏ trong tương lai.
"Nếu bạn không đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt, giá dầu sẽ vượt ngưỡng 200 USD một thùng trong tương lai", ông Abdullah nhận định. Dù không đưa ra khoảng thời gian cụ thể, Tổng thư ký OPEC cũng cho biết đây là mối liên quan giữa đầu tư và sản xuất trong tương lai. Bởi vì sản lượng dầu sẽ giảm một cách tự nhiên và các công ty dầu mỏ cần phải đầu tư vào sản xuất mới, không chỉ để bù đắp lượng cung giảm của các mỏ dầu cũ mà còn để đáp ứng nhu cầu đang tăng. Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ khá dè dặt trong đầu tư vào sản xuất mới khi dòng tiền giảm.
Theo thời gian, đây sẽ là vấn đề đáng ngại bởi trữ lượng các mỏ dầu trên khắp thế giới sẽ giảm trung bình khoảng 5% mỗi năm. Để vượt qua sự sụt giảm này, các công ty dầu mỏ phải tăng nguồn cung thêm khoảng 200 tỷ thùng trong 15 năm tới chỉ để đáp ứng cầu thị trường.
Lượng cung này cần lượng đầu tư 7.000-10.000 tỷ USD. Tuy nhiên, khi các công ty đều tuyên bố giảm chi năm nay, thị trường sẽ khó đáp ứng nguồn cung trong tương lai. Trên thực tế, vì giá dầu giảm, số dự án có tổng giá trị lên tới 150 tỷ USD sẽ bị trì hoãn trong năm nay. Mà kể cả không bị trì hoãn, nhiều dự án trong số này cũng sẽ chưa có sản phẩm trong vài năm tới do thời gian xây dựng kéo dài.
Điển hình là vào cuối năm ngoái, Chevron mới giao những thùng dầu đầu tiên của hai dự án khởi công từ năm 2001 tại Vịnh Mexico. Trong khi đó, một dự án trị giá 6 tỷ USD khác của công ty mới bị đình chỉ cuối năm ngoái sẽ không sản xuất dầu cho tới năm 2018. Việc các dự án lớn bị trì hoãn sẽ đẩy giá dầu tăng trong tương lai, trong khi thắt chặt đầu tư hiện tại sẽ khiến nguồn cung sụt giảm.
Tổng thư ký OPEC đang kêu gọi thiết lập mức đáy cho giá dầu. Dù không phải người đầu tiên làm điều này nhưng với vị trí đứng đầu OPEC, những bình luận của ông Abdullah khá có trọng lượng.
Tuy nhiên, theo CNN, đây cũng có thể là một phần kế hoạch của OPEC. Họ đang chủ đích đẩy giá dầu xuống thấp để sau này chiếm lĩnh thị phần dầu khi giá tăng. OPEc sẵn sàng chịu thiệt hại trong ngắn hạn để thu lời lớn trong dài hạn.
Theo Vnexpress