
Trong hôm 25/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng phần lớn những điểm quan trọng trong thỏa thuận chấm dứt xung đột của ông đã được Kiev và Moscow nhất trí, tuy nhiên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại một lần nữa công khai bác bỏ một điều khoản then chốt trong khuôn khổ hòa bình do Mỹ đề xuất.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc thảo luận kéo dài với đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff – người được Điện Kremlin mô tả là đã có các cuộc trao đổi “mang tính xây dựng và rất hữu ích”. Ông Trump cũng tỏ ra hài lòng với tiến trình đàm phán, gọi đây là “một ngày thành công trong các cuộc họp và trao đổi với Nga và Ukraine”.
“Các bên đang tiến rất gần đến một thỏa thuận. Hai phía nên sớm gặp nhau ở cấp cao nhất để ‘chốt hạ’. Hầu hết các điểm then chốt đã được đồng thuận”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social vào cuối ngày thứ Sáu, nhấn mạnh rằng “thành công dường như đang ở phía trước!”.
Theo các nguồn tin, bản đề xuất hòa bình từ Washington bao gồm việc Mỹ công nhận chủ quyền của Nga tại Crimea, đóng băng xung đột theo ranh giới hiện tại và thừa nhận quyền kiểm soát thực tế của Moskva đối với phần lớn các khu vực từng thuộc Ukraine đã bỏ phiếu sáp nhập vào Nga.
“Crimea sẽ ở lại với Nga” trong bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào nhằm kết thúc cuộc chiến, ông Trump nói trong bài phỏng vấn với tạp chí Time hôm thứ Sáu.
Tuy nhiên, phát biểu trái ngược hoàn toàn với ông Trump, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố Kiev sẽ không chấp nhận đàm phán về việc công nhận Crimea là lãnh thổ Nga.
“Lập trường của chúng tôi không thay đổi: chỉ có người dân Ukraine mới có quyền quyết định đâu là lãnh thổ thuộc về Ukraine”, ông Zelensky nói với báo giới tại Kiev, đồng thời viện dẫn hiến pháp Ukraine, trong đó quy định rằng tất cả các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm đều thuộc về Ukraine.
Ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng “tầm nhìn” của ông về giải pháp xung đột bao gồm việc tăng cường trừng phạt và gây thêm áp lực kinh tế–ngoại giao lên Moscow, trái ngược với khuôn khổ hòa bình của Mỹ, vốn được cho là sẽ từng bước gỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Trước đó, ông Trump đã nhiều lần cáo buộc các tuyên bố cứng rắn của ông Zelensky làm tổn hại đến quá trình đàm phán và cảnh báo rằng Tổng thống Ukraine có thể “mất cả đất nước” nếu tiếp tục trì hoãn đối thoại với Moscow.
Thỏa thuận do Mỹ đề xuất cũng được cho là bao gồm điều khoản ngăn Ukraine gia nhập NATO – một mục tiêu đã được ghi rõ trong hiến pháp Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với Time, ông Trump thừa nhận rằng chính tham vọng gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu này “có thể đã gây ra chiến tranh”.
Về phía Nga, Moscow tiếp tục khẳng định sẵn sàng đối thoại và đã bày tỏ biết ơn với những nỗ lực hòa bình từ ông Trump. Trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov xác nhận rằng cuộc họp hôm thứ Sáu đã đề cập đến khả năng nối lại các cuộc đàm phán song phương trực tiếp giữa Nga và Ukraine, dù chưa công bố chi tiết cụ thể. Từ sau khi Ukraine rút khỏi vòng đàm phán tại Istanbul vào năm 2022, hai bên chưa có cuộc gặp trực tiếp nào.
Theo Tổng thống Putin, ông Zelensky – người từng ký sắc lệnh cấm bản thân đàm phán với Moskva – đang “chủ động phá hoại” mọi nỗ lực hòa bình vì điều đó sẽ buộc ông phải dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật, vốn cho phép ông tiếp tục nắm quyền.
Nga cho rằng nếu không có thiết quân luật, ông Zelensky sẽ phải tổ chức bầu cử hoặc chuyển giao quyền lực cho Chủ tịch Quốc hội Ukraine theo quy định Hiến pháp.

Tổng thống Putin thảo luận “hữu ích” với đặc phái viên của ông Trump

Ông Trump: Crimea sẽ ở lại với Nga, ông Zelensky "hiểu điều đó"
