Ông Trương Gia Bình: "Thế giới từng nghĩ Việt Nam không thể làm phần mềm và tôi là gã khùng"

Đó là chia sẻ của ông Trương Gia Bình trong tập phim tài liệu "Silicon Delta: The story of Vietnam's Tech revolution" (câu chuyện về đổi mới công nghệ ở Việt Nam) do hãng Warner Bros sản xuất.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ về chặng đường phát triển của FPT trên bộ phim tài liệu do Warner Bros. Discovery thực hiện

Xuyên suốt bộ phim tài liệu là hành trình tìm cách "thoát nghèo" của FPT, từ thuở ban đầu là một công ty nhỏ với vài chục nhân viên, trụ sở là một gara ô tô, cho đến lúc trở thành tập đoàn lớn với hàng chục nghìn nhân viên.

Bộ phim tài liệu tái hiện những thăng trầm của FPT gắn liền với sự phát triển của kinh tế xã hội Việt Nam qua lời chia sẻ của các lãnh đạo cấp cao FPT như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Phó Tổng giám đốc Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch FPT Software Chu Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính kiêm Giám đốc vận hành FPT Software Nguyễn Khải Hoàn cùng nhiều chuyên gia khác.

Bộ phim mở đầu bằng lời nhận xét của ông Vinnie Lauria, đối tác sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures: "Việt Nam là một trong những nền kinh tế số lớn nhất châu Á. Quốc gia này có 94 triệu người dùng smartphone, 82 triệu thuê bao di động băng rộng, chiếm 74% dân số, một con số ấn tượng".

Sự hấp dẫn của Việt Nam đã thu hút những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới như Apple, Samsung, Microsoft, Nvidia... trong khi những tập đoàn công nghệ nội địa như FPT cũng ngày một lớn mạnh khi tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao như tự động hóa, AI, chip bán dẫn. FPT đang thực hiện một hợp đồng sản xuất 70 triệu chip bán dẫn, giao hàng vào năm 2025.

"Trong khi quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng xấu đi, các tập đoàn công nghệ đa quốc gia phải chuyển hướng, tìm kiếm đối tác thay thế Trung Quốc. Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn bởi nhân lực công nghệ, chi phí hợp lý cũng như vị trí địa lý thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới", ông Vinnie Lauria nhận xét.

Tựa đề bộ phim tài liệu do FPT phối hợp với Warner Bros. Discovery thực hiện

50 năm trước đây, Việt Nam vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh thảm khốc. "Chúng tôi thiếu nước sạch, xà phòng, quần áo. Việt Nam hồi đó là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới", ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện nghiên cứu Yusof Ishak hồi tưởng.

Nhưng cũng chính thời điểm khó khăn đó, ý chí khởi nghiệp, thoát nghèo của các cựu sinh viên như ông Trương Gia Bình trở nên bùng cháy. Ông Bình, cũng giống như nhiều sinh viên ưu tú khác của Việt Nam đã được cử sang Liên Xô du học và sau đó trở về Việt Nam mang kiến thức đã học xây dựng đất nước.

Sau khi Việt Nam thực hiện đường lối Đổi mới vào năm 1986, công nhận nền kinh tế tư nhân, nhiều công ty tư nhân đã được thành lập, trong đó có công ty của ông Bình.

"Một người bạn tìm đến tôi và nói rằng, Bình, hãy giúp gia đình tôi thoát nghèo", ông Bình kể lại. Đó là lý do mà ông và những người bạn đã thành lập công ty FPT, viết tắt từ "Food Processing Technology" - Công ty Công nghệ xử lý thực phẩm. "Chúng tôi chỉ cần một cái tên để được thành lập công ty", ông Bình lý giải.

Trụ sở ban đầu của công ty FPT là một căn nhà nhỏ được hoán cải từ một gara ô tô nằm trong một biệt thự cũ kiểu Pháp ở Hà Nội.

"Chính sách Đổi mới đã làm thay đổi cuộc sống người dân. Thu nhập mỗi cá nhân tăng lên đáng kể, GDP tăng gấp nhiều lần. Khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ cấm vận Việt Nam vào năm 1994, thương mại và đầu tư bùng nổ", ông Lê Hồng Hiệp nhớ lại.

"Rất nhiều công ty công nghệ đã đến vì họ nhận thấy cơ hội lớn tại đây, trong đó có IBM", ông Bình chia sẻ. Lúc đó, hướng đi của FPT là tập trung vào lĩnh vực công nghệ thay vì xử lý thực phẩm. Việc trở thành đối tác của IBM, và sau đó là HP và Compact đã giúp FPT trở thành công ty sản xuất máy tính để bàn hàng đầu Việt Nam thời điểm đó.

"Chúng tôi đã tìm ra cách mới để tồn tại", ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc FPT chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình không muốn dừng lại ở đó, ông muốn "Go Global" - mang chuông đi đánh xứ người, đầu tiên là đặt chi nhánh ở Mỹ. Mặc dù cộng sự của ông rất bất ngờ với kế hoạch này, trong khi nhiều nhân viên to nhỏ rằng "ông ấy bị khùng", nhưng rốt cuộc mọi người vẫn ủng hộ kế hoạch này.

Không may cho FPT khi công ty thâm nhập thị trường Mỹ vào đúng thời điểm suy thoái của ngành công nghệ. Vào cuối thập niên 90, bong bóng dot.com vỡ khiến hàng loạt công ty công nghệ trắng tay.

"Tình cảnh lúc đó thật tồi tệ, chúng tôi lúc đó mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, nhưng chẳng nhận được hợp đồng nào, trong túi chỉ còn vài nghìn USD", ông Nguyễn Khải Hoàn, Giám đốc tài chính FPT Software chia sẻ.

Nhưng đó không phải là những khó khăn duy nhất FPT gặp phải. Đại dịch Covid-19 cũng đã khiến FPT hoạt động của FPT chững lại.

Trong giai đoạn khó khăn nhất, việc FPT Software tìm đến thị trường Nhật Bản và nhận được hợp đồng từ Hitachi là một bước ngoặt cho sự phát triển vượt bậc của FPT Software nói riêng và FPT nói chung.

Ông Phạm Minh Tuấn kể lại rằng, 10 năm sau ông gặp lại vị Tổng giám đốc Hitachi hồi đó, ông có đặt câu hỏi vì sao Hitachi lại lựa chọn FPT và nhận được câu trả lời: "Chúng tôi cảm nhận được tinh thần khát khao của những người trẻ và sự gắn kết trong đội ngũ FPT".

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc FPT

"Tôi đã đi nhiều nơi để mời gọi đối tác, đã từng chẳng có hợp đồng, chẳng có lợi nhuận. Thế rồi chúng tôi có hợp đồng đầu tiên với khoản lợi nhuận đầu tiên. Thật ngọt ngào. Rồi chúng tôi có 1 triệu USD đầu tiên, rồi 10 triệu USD, 100 triệu USD và gần đây là 1 tỉ USD", ông Trương Gia Bình tâm sự.

Chia sẻ về mục tiêu của FPT trong giai đoạn tới, bà Chu Thị Thanh Hà nói rằng tập đoàn đặt trọng tâm vào AI, tự động hóa và chất bán dẫn, trong đó chất bán dẫn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với AI trong tương lai.

"Việt Nam hiện có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, một nửa trong số đó là kỹ sư phần mềm. Đây là một nguồn lực rất lớn nếu chúng tôi chuyển đổi sang phát triển chất bán dẫn tích hợp AI. Việt Nam không chỉ cung cấp dịch vụ cho chính mình mà còn có thể cho toàn thế giới", người sáng lập và Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh.