Ông Trump tuyên bố không tham gia cuộc tranh luận ngày 15/10, vì sao?

VietTimes – Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/10 tuyên bố, ông sẽ không tham gia cuộc tranh luận thứ hai dự kiến được tổ chức vào ngày 15/10. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cho biết sẽ tổ chức một hoạt động vào ngày hôm đó để trực tiếp trả lời các câu hỏi mà cử tri nêu ra.
Cuộc tranh luận lần 2 giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden dự kiến ngày 15/10 có thể sẽ không diễn ra (Ảnh: DWnews).

Do ông Trump bị nhiễm COVID-19, Commission on Presidential debate - ủy ban tổ chức cuộc tranh luận bầu cử tổng thống trước đó đã quyết định rằng cuộc tranh luận thứ hai sẽ được tổ chức với hình thức trực tuyến.

Cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đã tranh cãi kịch liệt về hình thức của cuộc tranh luận. Ông Trump nói, cuộc tranh luận với hình thức trực tuyến ảo là nhằm “bảo vệ” đối thủ của ông là Joe Biden. 

“Tôi sẽ không lãng phí thời gian vào cuộc tranh luận. Ngồi sau máy tính là một điều thật vô lý. Họ sẽ cắt ngang bài phát biểu của bạn (tắt micrô) ... Tôi sẽ không tham gia vào một cuộc tranh luận trực tuyến ảo”. Ông Trump đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn với Fox News TV.

Ông Biden phản công, nói ông Trump “thay đổi ý định bất cứ lúc nào”. Đội ngũ của ông nói, rằng nếu cuộc tranh luận thứ hai không thể diễn ra, ngày hôm đó (15/10) ông Biden sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi mà cử tri nêu ra tại Philadelphia, Pennsylvania. Pennsylvania là một bang “do dự”, nơi hai đảng đang tranh giành lá phiếu cử tri gay gắt.

Ngày 8/10, ông Trump tuyên bố sẽ không tham gia cuộc tranh luận trực tuyến ngày 15/10 tổ chức qua mạng (Ảnh: AP).

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump hiện không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh COVID-19 nữa, nhưng phạm vi lây nhiễm trong Nhà Trắng vẫn tiếp tục lan rộng.

Hiện vẫn không rõ ban đầu ông Trump nhiễm SARS-CoV-2 như thế nào và liệu hiện ông có còn tính lây nhiễm hay không.

Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra ngày 30/9 là một cuộc hỗn chiến đầy những đòn tấn công và vạch ra thiếu sót của nhau. Cuộc tranh luận giữa các phó tổng thống diễn ra vào tối thứ 4 (7/10) có phần văn minh hơn nhưng hai ứng viên phó tổng thống Kamala Harris và Mike Pence đã nhiều lần né tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi của nhau.

Cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống Hoa Kỳ sẽ được tổ chức vào ngày 3/11 và các cuộc thăm dò mới nhất của một số cơ quan cho thấy ông Biden đang dẫn trước về tỷ lệ phần trăm một chữ số trên toàn quốc. Tuy nhiên, do hệ thống bầu cử đại cử tri được thông qua trong cuộc tổng tuyển cử, các bang “do dự” sẽ quyết định phần lớn kết quả của cuộc bầu cử. Tình hình tranh cử của hai ông Biden và Trump  tương đối sít sao ở các bang được coi là “bang chiến trường” này.

Ông Biden tuyên bố sẽ tổ chức sự kiện và sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi mà cử tri nêu ra tại Philadelphia, Pennsylvania vào ngày 15/10 (Ảnh: AP).

Cuộc tranh luận “townhall” mang tính tương tác cao

Cuộc tranh luận thứ hai ban đầu dự kiến được tổ chức tại phòng họp tòa thị chính (townhall); tức các khán giả có mặt sẽ đặt câu hỏi cho hai ứng cử viên trên sân khấu.

Bình thường, các ứng cử viên có thể đi lại trên sân khấu, khán giả đặt câu hỏi thường là những cử tri vẫn chưa quyết định dứt khoát sẽ bỏ phiếu cho ai trong cuộc tổng tuyển cử. So với cách tranh luận các ứng cử viên đứng trên sân khấu hoặc ngồi tại chỗ thì với hình thức tranh luận townhall này các ứng cử viên tổng thống sẽ tương tác nhiều hơn với đối thủ và khán giả.

Trong cuộc tranh luận townhall giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump năm 2016, ông Trump đã nhiều lần đi tới phía sau bà Hillary, điều này từng gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet.

Cư dân mạng cũng đã chụp lại màn hình cuộc tranh luận này rồi chế ảnh và giễu cợt như thể hai người đang hát karaoke cùng nhau.

Ông Mitchell McKinney, giáo sư truyền thông tại Đại học Missouri, cho biết: “Cuộc tranh luận tại cuộc họp tòa thị chính sẽ tạo ra một bầu không khí khác biệt, cho thấy năng lực kết nối với cử tri và cho các cử tri do dự thấy được hiểu biết của ứng cử viên về các vấn đề nổi bật mà cử tri quan tâm”.

Nhưng căn cứ tình hình hiện tại, số phận của cuộc tranh luận trong cuộc họp ở tòa thị chính đang được treo lơ lửng chưa biết ra sao.

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ông Trump và Biden hôm 30/9 được mô tả là "hỗn chiến" (Ảnh: AP).

Tranh luận có ảnh hưởng đến bầu cử không?

Các cuộc thăm dò trong những năm qua cho thấy trong số các cử tri Mỹ đã theo dõi các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống, khoảng 90% đến 95% đã quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai và chỉ dưới 5% trong số họ là có thể quyết định bỏ phiếu do xem tranh luận. Tuy nhiên, điều này có thể đóng vai trò quyết định ở các bang chiến trường với kết quả bầu cử sát sao.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, bà Hillary Clinton đã bị đánh bại với tỷ số cách biệt rất nhỏ ở nhiều bang chiến trường, ví dụ như ở bang Michigan, bà chỉ thua Trump hơn 10.000 phiếu.

Giáo sư McKinley nói: “Chúng tôi biết rằng những khán giả xem cuộc tranh luận có nhiều khả năng đi bỏ phiếu hơn. Họ đã dành thời gian theo dõi cuộc tranh luận. Nếu cuộc tranh cử đã đến gần và có một số đáng kể cử tri chưa quyết định ở các bang chiến trường, thì tôi nghĩ rằng cuộc tranh luận sẽ có tác động rất lớn đến kết quả của cuộc tổng tuyển cử”.

Nếu hai ông Biden và Trump đồng ý tổ chức vòng tranh luận thứ ba, cũng tức là vòng cuối cùng, nó sẽ được tổ chức tại bang Tennessee vào ngày 22/10, khi chỉ còn cách cuộc bỏ phiếu 11 ngày nữa.

Nhưng xét từ tình hình hiện tại, liệu cuộc tranh luận này có thể tiến hành như dự kiến được hay không vẫn còn là một câu hỏi.

(Theo BBC)