
Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong khai thác và chế biến phần lớn các khoáng sản thiết yếu. Trước tình hình này, chính quyền Trump đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Một trong những hướng đi đầy tiềm năng là khai thác đáy đại dương – nơi được cho là chứa đựng trữ lượng dồi dào của các kim loại quý như cobalt, đồng, mangan và nickel.
“Đây là một cơ hội lớn đối với nước Mỹ”, ông Gerard Baron, CEO của The Metals Company, chia sẻ với tờ Newsweek. “Chúng ta đang bị Trung Quốc bỏ xa trong cuộc đua khoáng sản thiết yếu, và khai thác từ đáy biển chính là cách để thu hẹp khoảng cách đó”.
Công ty có trụ sở ở Canada này đang nỗ lực xin giấy phép từ chính phủ Mỹ để khai thác đáy biển. Động thái này diễn ra sau khi họ bày tỏ sự không hài lòng với tiến độ của quy trình quốc tế do Liên hợp quốc điều phối. Cơ quan duy nhất hiện nay có thẩm quyền quốc tế về khai thác khoáng sản ngoài lãnh hải quốc gia là Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA), nhưng cơ quan này vẫn đang trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển.
Bà Leticia Carvalho, nhà hải dương học người Brazil, đã giữ chức Tổng thư ký của ISA từ tháng 1 năm nay. Phát biểu tại một hội nghị về khoáng sản chiến lược ở Washington D.C., bà khẳng định ISA là tổ chức duy nhất có quyền hợp pháp để quản lý các hoạt động ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia, và cho biết đã có sự đồng thuận rõ ràng giữa các nước thành viên.
“Không một hoạt động khai thác nào được phép bắt đầu cho đến khi khung pháp lý được hoàn thiện”, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Baron cho biết công ty của ông đã đầu tư hàng triệu đô la vào các cuộc đánh giá môi trường nhưng vẫn chưa thấy tiến triển rõ ràng từ ISA. “Hệ thống này đã bị thao túng bởi các nhóm hoạt động môi trường”, ông phàn nàn.
Mỹ chưa bao giờ phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và từ những năm 1990, nước này đã có một khung pháp lý quốc gia riêng cho phép cấp phép khai thác đáy biển. Theo sắc lệnh mới của ông Trump, các cơ quan liên bang Mỹ sẽ phải đẩy nhanh việc cấp phép cho các dự án khai thác khoáng sản ở “những vùng nằm ngoài thẩm quyền quốc gia”, bỏ qua quy trình quốc tế và đơn phương triển khai hoạt động khai thác.
Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức bảo tồn đại dương, những người cảnh báo rằng khai thác đáy biển có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến một hệ sinh thái mong manh và chưa được nghiên cứu đầy đủ.
“Những khu vực đáy biển Mỹ từng được thử nghiệm khai thác từ hơn 50 năm trước đến nay vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn”, ông Jeff Watters, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của tổ chức Ocean Conservancy, cho biết. “Tác động của khai thác không chỉ dừng lại ở đáy biển – mà sẽ lan rộng ra toàn bộ cột nước, ảnh hưởng đến mọi sinh vật sống phụ thuộc vào đó”.

Ông Duncan Currie, cố vấn pháp lý quốc tế của Liên minh Bảo tồn Biển Sâu (Deep Sea Conservation Coalition), đại diện cho hơn 100 nhóm môi trường, cảnh báo rằng khai thác tài nguyên đơn phương trong vùng biển quốc tế có thể gây ra xáo trộn nghiêm trọng đối với các thỏa thuận vận tải biển và đánh bắt cá.
Trả lời trước giới truyền thông, ông Currie nhấn mạnh: "Hành động coi thường Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển sẽ vấp phải sự phản đối từ bất kỳ quốc gia nào có sự phụ thuộc vào đại dương".
Ông cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi kinh tế của việc khai thác đáy biển, cho rằng các phân tích hiện nay về vấn đề này còn thiếu sót. Theo ông, vấn đề lớn nhất là thiếu hụt cơ sở hạ tầng chế biến khoáng sản, điều mà việc khai thác từ đáy biển không thể giải quyết.
Nhà thám hiểm Victor Vescovo, CEO của Caledon Capital và là người từng đến vực thẳm Challenger – điểm sâu nhất của Trái đất – bày tỏ hoài nghi về khả năng sinh lời của các công ty khai thác trong môi trường khắc nghiệt dưới đáy biển. Với kinh nghiệm vận hành thiết bị hạng nặng ở độ sâu hơn 4.000 mét, ông cho rằng khó khăn và thử thách ở đáy biển “có lẽ chỉ kém việc bay vào vũ trụ”.
Ngoài ra, ông cảnh báo rằng khai thác đáy biển không chỉ gây tổn thương lâu dài cho đáy biển và ô nhiễm nước mà còn đe dọa môi trường sống của nhiều loài sinh vật.
Trong khi đó, ông Baron lại cho rằng tác động của khai thác đáy biển cần được so sánh với các hậu quả của khai thác trên đất liền, như nạn phá rừng ở Indonesia do khai thác niken. Ông lập luận: “Chúng ta nên tiến hành khai thác ở những khu vực có ít sự sống nhất trên hành tinh, chứ không phải nơi có sự sống phong phú nhất”.

Ông Trump chỉ trích Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận mua máy bay Boeing

“Vladimir, dừng lại!”: Ông Trump lên tiếng sau vụ Nga oanh tạc Kiev khiến 12 người chết

Xung đột trong Nhà Trắng: Hai ông Musk và Bessent khẩu chiến trước mặt ông Trump
Theo Newsweek