Với chiếc tai phải được đính tấm băng trắng, đêm 18/7, ông Trump đã có bài phát biểu kéo dài hơn 90 phút tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Milwaukee, bang Wisconsin, cao trào trong 4 ngày họp liên tiếp.
Ông nhân cơ hội này để nhấn mạnh chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" thấm đẫm chủ nghĩa dân tộc kinh tế, đồng thời cảnh báo các đối tác thương mại của Mỹ: "Đã quá lâu chúng ta đã bị các nước khác lợi dụng, mà các nước này thường được coi là đồng minh của chúng ta. Chúng ta đã mất việc làm và thu nhập. Họ đã giành được mọi thứ và hủy hoại các công ty của chúng ta. Tôi đã ngăn chặn việc này 4 năm trước và sẽ ngăn chặn một lần nữa".
Tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc và hỗ trợ ngành ô tô Mỹ
Ông Trump đặc biệt cam kết sẽ sử dụng “thuế, thuế quan và các ưu đãi” để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. Ông chỉ trích chính sách xe điện của Tổng thống Joe Biden: “Tôi sẽ chấm dứt chính sách khuyến khích xe điện của Biden ngay ngày đầu tiên sau khi nhậm chức để cứu ngành công nghiệp ô tô Mỹ khỏi bị hủy hoại, điều đang xảy ra hiện nay, cũng để giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm hàng chục nghìn USD cho mỗi chiếc xe".
Ông Biden khuyến khích sử dụng xe điện là trọng tâm trong Chương trình khí hậu của ông.
Ông Trump cũng chỉ trích các hãng xe Trung Quốc lập nhà máy ở Mexico để trốn thuế, nhấn mạnh sẽ thúc đẩy sớm đưa các dây chuyền sản xuất về Mỹ: "Nhưng các nhà máy phải được xây dựng ở Mỹ, và người dân của chúng ta sẽ vận hành những nhà máy này. Nếu họ không đồng ý, chúng ta sẽ áp mức thuế khoảng 100% đến 200% cho mỗi chiếc xe, chúng sẽ không thể bán được ở Mỹ".
Ông nói thêm: “Trên thực tế, thỏa thuận thương mại tốt nhất có lẽ là thỏa thuận tôi đã thực hiện với Trung Quốc (trong nhiệm kỳ trước) và họ đã mua 50 tỉ USD sản phẩm của chúng ta”.
Theo báo Singapore Lianhe Zaobao, ông Trump đã đe dọa nếu trở lại Nhà Trắng ông sẽ áp thuế 60% đối với tất cả các hàng hóa Trung Quốc, và “phó tướng” Vance cũng tuyên bố “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của nước Mỹ”. Vì vậy, dư luận dự đoán một khi ê-kíp tranh cử của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, việc phát động một đợt chiến tranh thương mại mới với Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Trung Quốc đối phó ra sao?
Khả năng kỷ nguyên "Trump 2.0" đang đến gần đã làm dấy lên mối lo ngại lớn trong dư luận Trung Quốc trong tuần này.
Tài khoản WeChat chính thức Trung Quốc "Mingshu Zatan" ngày 17/7 đã đăng một bài báo nói rằng ông Trump là "người khởi xướng" kích động đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ; nếu tái đắc cử vào tháng 11 tới, ông Trump chắc chắn sẽ “gây áp lực tối đa" lên Trung Quốc và tạo tiền đề cho những bước tiếp theo. Điều này sẽ dẫn đến “những biến động dữ dội và xấu đi rõ rệt” trong quan hệ Trung-Mỹ chỉ trong thời gian ngắn sau khi ông nhậm chức.
Bài báo cho rằng nơi có nhiều khả năng nhất để Mỹ tấn công Trung Quốc trong kỷ nguyên “Trump 2.0” là các vấn đề kinh tế và thương mại. Cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc năm 2018 sẽ leo thang hơn nữa vào đầu năm 2025. Một cuộc “chiến tranh lạnh mới” và “nguy cơ tách rời toàn diện” mà Trung Quốc và Mỹ đang hướng tới cũng sẽ gia tăng.
Ông Kim Sán Vinh (Jin Canrong), giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng viết một bài đăng trên Weibo, kết luận rằng “nếu ông Trump lên nắm quyền, ông ta chắc chắn sẽ chèn ép Trung Quốc". Điều rắc rối hơn là quan hệ kinh tế và thương mại. Nếu Trump áp đặt thuế quan một cách đơn giản và thô bạo đối với Trung Quốc, "sẽ giáng một đòn chí mạng vào quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ".
Trong một cuộc phỏng vấn với Lianhe Zaobao, ông Lý Minh Giang (Li Mingjiang), phó giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế S. S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, đã phân tích rằng Trump và “phó tướng” của ông, Vance, có cùng lập trường về quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Nếu trở lại Nhà Trắng, "ông chắc chắn sẽ tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cường độ trấn áp rất có thể sẽ vượt quá nhiệm kỳ đầu tiên".
Ông Phó Phương Kiếm (Fu Fangjian), phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Lee Kong Chian thuộc Đại học Quản lý Singapore, kết luận trong một cuộc phỏng vấn rằng ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ lên 60%, nhưng “ông ấy chắc chắn sẽ không thể làm được”. Ông chỉ ra rằng Mỹ vẫn chưa tìm được nguồn thay có thể thay thế hoàn toàn hàng hóa Trung Quốc. Việc áp dụng tăng thuế quan chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức mua của người tiêu dùng Mỹ.
“American Action Forum” (Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ), một cơ quan tư vấn của Mỹ, ước tính rằng việc áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến các hộ gia đình Mỹ phải chịu thêm khoản chi phí lên tới 1.950 USD mỗi năm.
Ông Lý Minh Giang phán đoán ông Trump có thể sẽ không tiếp tục chính sách "giảm rủi ro" thời chính quyền Biden mà sẽ đẩy nhanh tốc độ "tách rời mạnh mẽ" khỏi Trung Quốc về kinh tế, thương mại, đầu tư và tài chính để đẩy nhanh sự quay trở lại Mỹ của các ngành công nghiệp.
Các học giả được phỏng vấn cho rằng mặc dù cả ông Biden và ông Trump đều coi Trung Quốc là một mối đe dọa, nhưng ông Trump đánh giá mối đe dọa của Trung Quốc nhiều hơn từ góc độ kinh tế, trong khi Biden lại đánh giá mối đe dọa của Trung Quốc nhiều hơn từ góc độ địa chính trị chiến lược.
Ông Lý Minh Giang kết luận, ông Trump không coi trọng quan hệ đồng minh khi kiềm chế Trung Quốc, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc cơ hội hàn gắn quan hệ với châu Âu và các nước châu Á - Thái Bình Dương khác, cũng như có thêm không gian hợp tác.
Trung Quốc trong những năm gần đây tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, chú ý nhiều hơn đến các thị trường mới nổi như Trung Đông, Trung Á để đối phó với tác động của cuộc chiến thương mại.
Lý Minh Giang phân tích, chiến tranh thương mại đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc đẩy nhanh việc mở rộng ra nước ngoài để tránh thuế quan. Tuy nhiên, việc chuyển năng lực sản xuất ra nước ngoài đã khiến nền kinh tế Trung Quốc hiện tại trở nên tồi tệ hơn, vì cần phải đầu tư lớn vào sản xuất để cải thiện việc làm và nguồn thu tài chính địa phương.
Ông dự đoán nếu ông Trump nhậm chức và chiến tranh thương mại leo thang, thương gia nước ngoài rút vốn đầu tư, hiện tượng các công ty trong nước đóng cửa cũng sẽ gia tăng, đặt ra thách thức rất lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Quan hệ Trung-Mỹ có thể xấu đi đáng kể và đối đầu giữa hai nước về các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương sẽ không dịu đi.
Theo Singtao, Zaobao