Như VietTimes từng đề cập, thương vụ trái phiếu 1.350 tỷ đồng của CTCP Phúc Long Vân mang đậm dấu ấn của nhóm Phúc Khang Group và phần nào thể hiện tham vọng của nhà phát triển địa ốc đến từ TP. HCM tại tỉnh Long An với dự án khu dân cư cùng tên ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc.
Song, theo dữ liệu của VietTimes, việc phát triển dự án Phúc Long Vân còn có sự tham gia của “ông trùm” khu công nghiệp tại Long An - CTCP Đầu tư và Xây dựng Tân Đô (Tân Đô CIC).
Cập nhật tới ngày 21/6/2019, Phúc Long Vân có quy mô vốn chỉ ở mức 250 tỷ đồng (chưa bằng 1/5 khối lượng trái phiếu phát hành sau đó nửa tháng).
Cơ cấu cổ đông của Phúc Long Vân khi đó bao gồm 3 pháp nhân là: CTCP Đầu tư và Xây dựng Tân Đô (viết tắt: Tân Đô CIC, sở hữu 10,2 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%); CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (viết tắt: Phúc Khang Corporation, sở hữu 6,8 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 34%) và CTCP Bất động sản Tân Vạn Hưng (viết tắt: Tân Vạn Hưng, sở hữu 3 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 15%).
Dù chỉ nắm giữ cổ phần thứ yếu, đại diện của nhóm Phúc Khang Group là ông Trần Tam (SN 1974) vẫn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của Phúc Long Vân.
Theo tìm hiểu của VietTimes, cổ đông Tân Vạn Hưng cũng từng có mối liên hệ hợp tác với Tân Đô CIC tại dự án đường Long Hậu - Tân Lập. Trong khi đó, ngoài Phúc Long Vân, Tân Đô CIC và Phúc Khang Corp còn tham gia góp vốn thành lập một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Về Tân Đô CIC
Thành lập từ tháng 5/2004, dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Tất Thắng, Tân Đô CIC đã phát triển trở thành “ông trùm” bất động sản khu công nghiệp tại địa phương.
Theo giới thiệu, Tân Đô CIC là chủ đầu tư dự án Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Tân Đô, có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, với tổng diện tích 303,74 ha, bao gồm” Khu công nghiệp (KCN) Tân Đô (209,1 ha) và Khu đô thị - dịch vụ Tân Đô (94,64 ha).
Dự án nằm trong vùng quy hoạch trọng điểm của tỉnh Long An, giáp ranh với Tp. HCM. Được biết, tại KCN Tân Đô, chủ đầu tư cho thuê đất với giá từ 50 - 65 USD/m2.
Phối cảnh KCN Tân Đô (Nguồn: Tân Đô CIC)
|
Sau KCN Tân Đô, vị thế của Tân Đô CIC còn được mở rộng bằng những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Cụ thể, vào tháng 4/2016, Tân Đô CIC cùng loạt pháp nhân khác thành lập CTCP Prodezi Long An (Prodezi Long An).
Khi mới thành lập, doanh nghiệp này có quy mô vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, Tân Đô CIC và Phúc Khang Corporation đều tham gia góp 16% vốn điều lệ. Cơ cấu cổ đông của Prodezi Long An còn có: Công ty TNHH Xây dựng Đô thị (20%), CTCP Xây dựng Liên Á (16%) Công ty TNHH Công Thương nghiệp Thịnh Hưng (16%) và Công ty TNHH MTV Anh Minh Anh (16%).
Tới tháng 3/2017, Tân Đô CIC cùng CTCP Bất đông sản E Xim (Eximland) và ông Trương Đình Vĩnh tham gia góp vốn thành lập CTCP Tandoland (Tandoland) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 35%, 55% và 10% vốn điều lệ.
Ông Trương Đình Vĩnh (SN 1971) là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của cả Prodezi Long An và Tandoland.
Prodezi Long An còn “chung sức” cùng UBND tỉnh Long An đầu tư vào dự án đường Lương Hòa - Bình Chánh với nền đường rộng 30m, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Đây là 1 trong 14 công trình giao thông trọng điểm của địa phương. Đáng chú ý, tuyến đường này sẽ đóng vai trò kết nối KCN Prodezi (400 ha) và KCN Tandoland (250 ha) do Tân Đô CIC đầu tư. Đồng nghĩa, Tân Đô CIC cũng sẽ là người thụ hưởng lớn lợi ích từ khoản đầu tư hạ tầng này của địa phương.
Được biết, 2 dự án kể trên nằm trong số 3 KCN mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển KCN của tỉnh Long An, vào tháng 12/2018.
Ngoài ra, Tân Đô CIC còn ghi nhận Công ty TNHH Dịch vụ Cấp nước Đức Hòa (Đức Hòa Wasuco) là công ty thành viên. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2010, hoạt động chính trong lĩnh vực thi công lắp đặt đường ống cấp nước và cung ứng nước sạch.
Đức Hòa Wasaco đã đầu tư tuyến ống 400mm với tổng chi phí hơn 40 tỷ đồng để dẫn nước sạch từ đầu cấp của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco – TP. HCM) về KCN Tân Đô và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lân cận.
Trở lại với Phúc Long Vân, năm 2019, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 9,57 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô vốn chủ sở hữu của Phúc Long Vân chỉ ở mức 217,3 tỷ đồng (thấp hơn nhiều so với quy mô vốn chủ sở hữu). Do đó, nhiều khả năng kết quả kinh doanh của Phúc Long Vân cũng không mấy khả quan cả ở các năm trước đó.
Trong một diễn biến đáng chú ý, ngay trong ngày Phúc Long Vân phát hành 1.350 tỷ đồng trái phiếu, vợ chồng doanh nhân Trần Tam - Lưu Thị Thanh Mẫu, Phúc Khang Corporation và Tân Đô CIC đã đồng loạt thế chấp lần lượt 10,25 triệu, 12,25 triệu và 2,5 triệu cổ phần doanh nghiệp dự án tại PVcomBank.
Với thông tin cổ phần sở hữu nêu trên, có thể thấy vai trò của Tân Đô CIC tại Phúc Long Vân nhiều khả năng đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là khi các thủ tục pháp lý của dự án dường như đã “an bài”.
Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về vai trò thực của Tân Đô CIC tại dự án Phúc Long Vân, nhất là khi doanh nghiệp này đã ít nhiều có vị thế và mối quan hệ bền vững tại Long An./.