Ông thầy “phù thủy” sẽ chọn đòn phép nào?

VietTimes -- Ông Park chỉ trực tiếp đến sân Rizal Memorial xem trận U22 Indonesia đấu với U23 Thái Lan, còn cử trợ lý đến nghiên cứu U22 Indonesia gặp U22 Singapore. Phải chăng ông thầy Hàn quốc đã hiểu rõ chân tơ, kẽ tóc đội bóng xứ sở vạn đảo?
Ông thầy Hàn quốc đã vội tung hết đòn ra chưa? Ảnh VV
Ông thầy Hàn quốc đã vội tung hết đòn ra chưa? Ảnh VV

Trước hết, sau 2 năm làm việc tại Việt Nam ông Park đã không còn xa lạ với bóng đá Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng. Chỉ tính riêng trong năm 2019, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, các học trò của HLV Park Hang-seo dễ dàng đè bẹp đội tuyển Indonesia 3-0 ngay tại Bali ở trận lượt đi vòng loại bảng G World Cup 2022 khu vực châu Á.

Thế và lực của 2 bên

Dù có chút khó khăn thì ở cấp độ U22, thầy trò HLV Park Hang-seo rất khó khăn mới thắng được U22 Indonesia 1-0 trên sân nhà Mỹ Đình ở vòng loại giải U23 châu Á 2020 diễn ra vào tháng 3 vừa qua.

Nhưng chỉ tính riêng trong khuôn khổ SEA Games tính từ 1991 đến nay, sau 11 lần chạm trán, Indonesia thắng 5, hòa 2 và chỉ thua 4. Điều quan trọng là với mục tiêu chỉ cần có điểm thì ông Indra Sjafri chứ không phải Park Hang-seo mới là người được chọn lối chơi phòng ngự phản công trên sân Rizal Memorial.

Không phải U22 Indonesia mà tấm HCV SEA Games mới là cái đích của ông Park.
Không phải U22 Indonesia mà tấm HCV SEA Games mới là cái đích của ông Park.

Lâu nay, ông Park thành công với bóng đá Việt Nam bởi lối chơi phòng ngự phản công, xây dựng hàng phòng ngự chắc chắn để làm nản lòng đối phương. Nhưng tại SEA Games 30, trước 2 đối thủ quá yếu Brunei và Lào, ông Park đã chọn lối đá pressing, tấn công áp đảo đối phương.

Trong khi đó, ông Indra Sjafri lại đang thành công với lối đá phòng ngự phản công, lần lượt hạ hết Thái Lan lẫn Singapore. Khi một hàng phòng ngự với 2 sự thay đổi, Bùi Tiến Dụng và Thành Chung trở lại sân, ông Park sẽ mạo hiểm tấn công giành chiến thắng hay đá chắc chắn, chờ người Thái ở lượt đấu cuối.

Nếu hòa U22 Indonesia, ông Park lại được “giương bẫy” chờ người Thái tấn công để tung đòn “hồi mã thương”, bóng đá Thái đang thua nhiều hơn thắng Việt Nam với mọi cấp độ đội tuyển trong 2 năm qua. Mà như HLV Indra Sjafri nhận xét: “Theo đánh giá của cá nhân tôi, Singapore thậm chí còn khó đá hơn Thái Lan”. Thực ra, U22 Việt Nam cũng vừa hạ U22 Thái Lan 4 bàn không gỡ trên sân Mỹ Đình hồi đầu năm.

Ông Park còn có sự lựa chọn khác, bung sức hạ U22 Indonesia để tạo đà tâm lý trước khi gặp Singapore và Thái Lan. Hàng công với 12 bàn thắng sau 2 trận đấu đang có đà hưng phấn, việc chúng ta vừa thắng cả đội tuyển quốc gia lẫn U22 Indonesia, cho phép BHL nghĩ đến phương án này.

Bàn về chiến thuật

Không phải ngẫu nhiên mà ông đích thân huẩn luyện trung vệ Thành Chung. Ảnh VFF
Không phải ngẫu nhiên mà ông đích thân huẩn luyện trung vệ Thành Chung. Ảnh VFF

Một chút trở ngại khi với 2 bàn thắng và 1 kiến tạo sau 2 trận đấu, Osvaldo đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất tại bảng B trong vai trò “sát thủ” của lối đá phòng ngự phản công. Hộ công Egy Maulana Vikri cũng thi đấu kỹ thuật chả kém gì Quang Hải, lại chơi bóng đầu tiểu xảo so với tuổi 19 của mình.

Với bàn tay nhào nặn của HLV Indra Sjafri người ta đã thấy các cầu thủ U22 Indonesia đã khác xa hồi vòng loại giải U23 châu Á 2020 diễn ra vào tháng 3. Thay đổi lớn nhất là “cầu nối” Evan Dimas đã làm rất tốt việc chuyển từ thế trận phòng ngự sang phản công. Chưa kể, thi đấu mặt sân cỏ nhân tạo, các cầu thủ Indonesia có lợi thế về mặt thể lực. Trong các pha va chạm, các cầu thủ Indonesia đã thắng thế Singapore to cao hơn rất nhiều.

Với cá tính của mình, cùng với mục tiêu đi đến trận chung kết, giới chuyên môn cho rằng khó có chuyện HLV Park Hang-seo chọn điểm rơi ở trận đấu này. U22 Việt Nam sẽ tấn công, nhưng không cần chơi tất tay khi mà họ vẫn còn 2 trận đấu nữa. Nói như thủ môn Bùi Tiến Dũng: “Chúng ta cần không để thủng lưới, trước khi có bàn thắng vào lưới Indonesia”. Rất có thể vào trận chúng ta sẽ tung đòn phủ đầu,như đội tuyển quốc gia vẫn thường làm, rồi chuyển sang lối đá quen thuộc.

Thực tình thì vẫn có trường hợp, khi phát sinh tình huống hơn người trong trận gặp UAE, ông Park đã chủ động cho các học trò chơi tấn công, cầm bóng đến 54%. Nhưng đó là việc ông Park linh hoạt “xoay rubik” khi gió đá xoay chiều trên sân chứ không phải là đấu pháp chuẩn bị sẵn.

Đường dài

Chỉ cần có điểm trong trận đấu này, chúng ta sẽ được quyền chơi phòng ngự phản công trước người Thái, thứ vũ khí mà cho đến nay các cầu thủ xứ chùa Vàng vẫn chưa tài nào hóa giải được. Tất tay với Indonesia, nếu không thành công sẽ có hiệu ứng ngược lại trong các trận đấu tiếp theo. Vậy mạo hiểm lúc này để làm gì?

Thoạt tưởng đây sẽ là trận “chung kết sớm” của bảng B, nhưng chưa hẳn mọi thứ sẽ diễn ra như người ta mong đợi bởi mỗi đội bóng đều có sự toan tính riêng của mình. Không phải 3 điểm trên sân Rizal Memorial mà tấm HCV mới là cái đích của cả ông Park Hang-seo lẫn Indra Sjafri.