|
Ông Tập Cận Bình có thể không tới dự APEC, trong hai ngày 18 và 19/11/2015. Ảnh REUTERS /Saul Loeb |
Theo RFI, trang web ABS-CBN của Philippines hôm 13/07/2015 đã dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, đó là do Bắc Kinh tức giận trước phát biểu của Tổng thống Aquino so sánh ông Tập Cận Bình với Hitler.
Theo nguồn tin trên, nguyên nhân khiến Tập Cận Bình đổi ý không tham dự thượng đỉnh APEC năm nay là do Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong chuyến viếng thăm Nhật Bản vào tháng trước đã so sánh các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông với chủ nghĩa bành trướng của Đức quốc xã dẫn đến cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai.
Bắc Kinh cho rằng lời phát biểu này là "sự sỉ nhục" nhân dân Trung Quốc.
Nếu ông Tập Cận Bình không đến hội nghị APEC tháng 11 tới, thì đây sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo một nền kinh tế lớn vắng mặt trong Diễn đàn kinh tế thường niên Châu Á-Thái Bình Dương.
Được thành lập năm 1989, APEC gồm 21 nền kinh tế (Úc, Brunei, Canada, Chilê, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam) với 2,8 tỉ dân, chiếm 57% tổng sản phẩm nội địa và 47% thương mại toàn cầu năm 2012.
Với việc tẩy chay này, đây cũng là lần đầu tiên người đứng đầu một nền kinh tế APEC không tham gia vì bất bình với nước chủ nhà.
Năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama vắng mặt tại thượng đỉnh APEC ở Bali nhưng do một vấn đề nội bộ: Quốc hội nước này không thông qua mức trần nợ công dẫn đến hoạt động của chính phủ bị tê liệt.
Ông Aquino đã hai lần so sánh Trung Quốc với Đức quốc xã, lần đầu tiên là trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Times hồi tháng 2/2014.
Nhằm thuyết phục các nước khác tham gia cuộc đấu tranh chống lại Trung Quốc, Tổng thống Aquino tuyên bố: "Tôi là một sinh viên nghiệp dư về lịch sử và tôi nhớ lại rằng, khi tham khảo nhiều tài liệu về Thế chiến 2, đặc biệt về cách thức thăm dò của Đức và câu trả lời của nhiều nước Châu Âu khác nhau … Khi Đức xâm lược Áo, vi phạm nhiều điều trong thỏa ước Versailles, họ đang thử phản ứng và sẵn sàng rút lui nếu Pháp yêu cầu ngưng lại. Nhưng buồn thay, cho đến tận lúc Đức chiếm Sudetenland của Tiệp Khắc, không nước nào ngăn cản cả. Và các nhà bình luận đặt câu hỏi, nếu có ai đó cảnh cáo Hitler vào lúc ấy, liệu chiến tranh thế giới lần thứ hai có xảy ra hay không?".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Chúng tôi rất sốc và vô cùng bất bình trước các nhận xét phi lý của nhà lãnh đạo Philippines".
Đại sứ Trung Quốc tại Manila, Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua) không đến dự buổi lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Philippines ngày 8/6, trong đó có Tổng thống Aquino phát biểu.
Tổng thống Philippines đã mời ông Tập Cận Bình đến dự thượng đỉnh APEC 2015 trong dịp tham gia hội nghị thường niên này tại Bắc Kinh năm 2014.
Bên cạnh các cuộc gặp chính thức, ông Tập và ông Aquino còn trò chuyện riêng thêm 10 phút trong lúc các nhà lãnh đạo APEC tham gia lễ trồng cây. Tuy ngắn ngủi, nhưng vẫn là một dấu hiệu tan băng giữa hai nước.
Thế nhưng trong vài tháng gần đây, căng thẳng lại dâng cao do Bắc Kinh tăng tốc bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.
Tuần rồi, Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc tại La Haye (Hà Lan) bắt đầu xem xét vụ Philippines kiện đường lưỡi bò do Trung Quốc tự ý vạch ra tại Biển Đông.
Vào tháng trước nhân Quốc khánh Philippines, một cuộc biểu tình đã nổ ra trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila.
Nguồn tin ngoại giao cho biết các viên chức Trung Quốc lo sợ ông Tập Cận Bình sẽ bị phản đối mạnh mẽ nếu đến Manila vào tháng 11 tới.
Theo: BizLive