Ngày 20.4, truyền thông Trung Quốc loan tin ông Tập Cận Bình đã thị sát Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy Trung ương trong bộ quân phục dã chiến. Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp là cơ quan mới thành lập sau khi tái cấu trúc quân đội Trung Quốc, nắm toàn bộ quyền lực chỉ huy quân đội trong thực tế khi chiến tranh xảy ra.
Trong cuộc thị sát trung tâm đầu não chỉ huy chiến dịch của quân đội Trung Quốc, ông Tập yêu cầu các tướng lĩnh ở đây phải "tuyệt đối trung thành, vượt qua khó khăn trong chiến đấu, chỉ huy hiệu quả, can đảm, có khả năng chiến thắng trong chiến tranh".
Đây cũng là lần đầu tiên truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố chức danh Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp, bên cạnh các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương trước đây.
Các nhà quan sát chính trị cho rằng đây là thông điệp mạnh mẽ với thế giới rằng ông Tập không còn là nhà lãnh đạo về mặt hành chính của quân đội có quân số lớn nhất thế giới mà còn là chỉ huy tối cao trong chiến đấu của lực lượng này.
"Bộ quân phục dã chiến cho thấy ông Tập là tổng chỉ huy của cơ quan chỉ huy tối cao quân đội Trung Quốc, được thành lập để đáp ứng nhu cầu chiến tranh hiện đại và có khả năng ra lệnh cho lực lượng bộ binh, hải quân, không quân, các đạo quân đặc biệt khác như lực lượng tên lửa chiến lược và hậu cần. Đây là một cuộc họp chỉ huy tác chiến nên các thành viên của Quân ủy Trung ương khác và các quan chức cấp cao có mặt đều phải mặc quân phục dã chiến", ông Xu Guangyu, một thiếu tướng về hưu nói.
CCTV cho biết, ban chỉ huy 5 chiến khu, 4 quân chủng mới thành lập cũng đã họp với Tổng chỉ huy Tập Cận Bình qua đường truyền tín hiệu trực tuyến.
Ông Xu nhấn mạnh rằng chức vụ mới của ông Tập khác hoàn toàn với chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương trước đây. "Quân ủy Trung ương có trách nhiệm quản lý và bảo vệ sự vững chắc của PLA, trong khi Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy Trung ương tập trung vào chiến đấu và chiến lược", ông Xu nói.
Chuyên gia quân sự Hồng Kông, ông Liang Guoliang nói rằng chức danh mới của ông Tập tương đương với chức danh Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của Mỹ tức ngang bằng Tổng thống Mỹ. "Quân ủy Trung ương là một tổ chức hàng đầu nhưng không phải là cơ chế chỉ huy trong thời chiến", ông Liang nói.
Ông Liang nói rằng cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có đủ thẩm quyền cá nhân ra lệnh cho các chỉ huy quân sự. Nhưng hai người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào gặp khó khăn khi ra lệnh cho quân đội bởi rào cản từ hai Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Theo South China Morning Post, Một thế giới