Ông Nguyễn Tiến Dũng: NCB đang trong quá trình trưởng thành, sẽ còn lớn hơn nữa!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân cho biết, kế hoạch tăng vốn sẽ có sự góp mặt của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đáng chú ý, có một số nhà đầu tư đã tham gia thông qua sàn chứng khoán.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã CK: NVB)
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã CK: NVB)

Hôm nay (26/4), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Mã CK: NVB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với sự tham gia của 35 cổ đông, đại diện cho 80,79% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Mở đầu phần thảo luận tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng cho biết NCB đã tiến hành quá trình chuyển đổi với nhiều thử thách, sự kiên nhẫn, đồng lòng của cổ đông giúp ngân hàng có những kết quả tích cực năm 2020.

Cổ đông mã số 2602: NCB dự kiến sẽ triển khai ngân hàng số như thế nào để giảm thiểu chi phí, hoạt động hiệu quả nhất trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch HĐQT Vũ Mạnh Tiến: Xu hướng chuyển đổi số đã phổ biến trong một vài năm trở lại đây. Trong ngành ngân hàng, hơn 90% các ngân hàng đã và đang có kế hoạch chuyển đổi số. NCB đã có kế hoạch chuyển đổi số từ cách đây 4-5 năm. Nếu không làm nhanh, NCB sẽ bị tụt lại trong thị trường có quá nhiều đổi mới về công nghệ. Thị trường chứng kiến các Fintech bắt đầu cạnh tranh với ngân hàng, các ví điện tử chiếm lĩnh một phần thị phần thanh toán.

Về lộ trình của NCB, chúng tôi đã có hệ thống core hiện đại, chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, từng bước số hoá quy trình bán hàng, cho vay, luân chuyển chứng từ, xếp hạng rủi ro.

Cổ đông mã số 2600: Tỉ trọng thu từ bảo hiểm năm 2020 của NCB là bao nhiêu, năm 2021 sẽ như thế nào?

Tổng Giám đốc Phạm Thế Hiệp: Hoạt động bancasurance có vị thế khá quan trọng trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, NCB cũng không nằm ngoài xu thế này. Các hoạt động bancasurance của NCB được triển khai từ 3 năm trước và cũng được ban lãnh đạo hết sức quan tâm.

Trong 3 năm gần đây, doanh số về bancasurance của NCB đều tăng trưởng khá tốt. Năm đầu tiên triển khai, doanh số chỉ đạt được khoảng 9 tỉ đồng. Tới năm thứ hai là hơn 60 tỉ đồng. Đến năm 2020, dù bị gián đoạn do dịch Covid-19, NCB vẫn đạt được doanh số bancasurance tới 120 tỉ đồng. NCB cũng được đưa vào danh mục các ngân hàng có hoạt động banca tốt nhất thị trường. Thời gian tới, NCB tiếp tục gia tăng các hoạt động này. Bancasurance đóng góp tới gần 50% vào hoạt động bán lẻ của ngân hàng. NCB sẽ kết hợp mạnh mẽ hơn với các đối tác, tạo ra các trung tâm riêng biệt cho hoạt động này.

Cổ đông: Đề nghị HĐQT nói rõ hơn về kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng: Theo kế hoạch đang tình NHNN phê duyệt, NCB sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỉ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tiếp đó, NCB cũng đã lên kế hoạch phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi. Theo kế hoạch này, quy mô vốn của NCB sẽ tăng lên khoảng 7.000 tỉ đồng, trở thành ngân hàng quy mô trung bình khá trong hệ thống.

NCB đã làm việc tích cực với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2020, đã có 2 nhà đầu tư từ Nhật Bản và Singapore đăng ký tham gia. Trong thời gian tới, NCB sẽ đón nhận sự tham gia của một số nhà đầu tư chiến lược trong nước.

Như vậy, kế hoạch tăng vốn sẽ có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Một số nhà đầu tư đã tham gia thông qua sàn chứng khoán.

NCB đang trong quá trình phát triển từ bé lên trưởng thành, sẽ còn lớn hơn nữa, còn nhiều dư địa để phát triển. NCB tập trung vào con người, hệ thống quản trị để tạo tiền để phát triển sau này.

NCB đặt mục tiêu lãi 1.000 tỉ đồng năm 2021

Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo NCB cho biết, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 89.601 tỉ đồng, tăng 11% so với 2019; Huy động tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 74.212 tỉ đồng, tăng 20% so với 2019; Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%. Năm 2020, NCB báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 804 tỉ đồng, tăng 61% so với năm 2019. Tuy nhiên, nhà băng này trình cổ đông việc sẽ không chia cổ tức năm 2020.

Năm 2021, NCB đặt mục tiêu quy mô tổng tài sản đạt 95.000 tỉ đồng; huy động từ khách hàng 80.000 tỉ đồng; cho vay khách hàng 45.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý, NCB cũng công bố mục tiêu lợi nhuận năm 2021 ở mức 1.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi mục tiêu lợi nhuận đã được nhà băng này công bố tại báo cáo thường niên gần nhất và tăng 24,3% so với năm 2020.

NCB cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ, với mức lãi suất trong khoảng 10%/năm +/- 3%/năm theo tình hình thực tế và quyết định của HĐQT.

Đồng thời, HĐQT NCB cũng trình cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm và miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Văn Hảo – PCT HĐQT và ông Bùi Đức Long – Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025; Tờ trình về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của ngân hàng, từ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng sang Tổng Giám đốc Phạm Thế Hiệp./.