|
Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank (giữa). Ảnh: VPBank |
VPBank nhận chuyển giao bắt buộc GPBank hồi đầu năm nay với giá 0 đồng. Hiện, GPBank vẫn hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập và không hợp nhất báo cáo tài chính vào VPBank.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 của VPBank, Chủ tịch Ngô Chí Dũng đã có những chia sẻ về kế hoạch phát triển GPBank thời gian tới.
Theo ông, quá trình tiếp nhận GPBank đã được VPBank chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều tháng qua. Kể từ khi chính thức nhận bàn giao hồi đầu năm, ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các bước đầu tiên trong đề án tái cơ cấu.
"Chúng tôi đã cử nhân sự có kinh nghiệm sang điều hành GPBank và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận. Đây là bước đi quan trọng nhằm ổn định bộ máy điều hành GPBank", ông Dũng cho biết.
Theo đó, ngày 25/4, bà Phạm Thị Nhung đã được VPBank bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên GPBank. Bà sẽ thôi chức Phó tổng giám đốc VPBank để đảm nhận nhiệm vụ mới, nhưng vẫn tham gia HĐQT ngân hàng này.
Song song với đó, VPBank sắp hoàn thành việc xây dựng chiến lược cho GPBank từ đối tác McKinsey - một trong những hàng tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới. Tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà băng này cũng được rà soát và xây dựng chương trình hành động chi tiết nhằm phục hồi và phát triển.
Nói về tình hình GPBank trước khi chuyển giao, ông Dũng cho biết mỗi năm nhà băng này lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. "Dù năm nay còn 8 tháng, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu ngân hàng này có lãi 500 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi lỗ kéo dài", ông Dũng tự tin.
Được biết, GPBank đã không công bố báo cáo tài chính kể từ năm 2011.
"Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ tái cơ cấu thành công GPBank", ông Dũng khẳng định với cổ đông.
Ngoài ra, ông Dũng chia sẻ thêm, cùng với việc tham gia tái cơ cấu GPBank, VPBank đã được NHNN chấp thuận cho phép nới room sở hữu nước ngoài lên tối đa 49%.
"Chắc các cổ đông cũng theo dõi trên thị trường thấy rằng room ngoại của VPBank hiện nay vẫn chưa được sử dụng hết. Việc nới room này sẽ tạo thêm dư địa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào ngân hàng, đồng thời hỗ trợ cho chiến lược tăng vốn và mở rộng quy mô của VPBank trong thời gian tới", ông Dũng cho hay.
Chi trả cổ tức tỷ lệ 5% bằng tiền
Cổ tức cũng là vấn đề được đa số cổ đông quan tâm tại đại hội. Năm 2024, VPBank sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 5% bằng tiền, tương ứng số tiền chi ra khoảng 3.967 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 ngân hàng duy trì chính sách trả cổ tức bằng tiền.
Ông Ngô Chí Dũng cho biết VPBank sẽ duy trì chính sách trả cổ tức bằng tiền 5 năm liên tiếp kể từ năm 2022. Trước đó, VPBank đã có 12 năm liên tiếp không chia cổ tức trong giai đoạn 2010-2021 nhằm tập trung tối đa cho việc phát triển ngân hàng.
Kể từ năm 2022, ngân hàng đã chi khoảng 20.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông, hướng đến việc cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng dài hạn và lợi ích của cổ đông.
"Hai năm tới chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì chiến lược cổ tức bằng tiền. Mức chia cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, tài chính của ngân hàng", Chủ tịch VPbank khẳng định.
Hai "mảnh ghép" bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ
Đại hội cũng thông qua phương án thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng dự kiến góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để sở hữu một công ty con trong lĩnh vực quản lý quỹ.
Chia sẻ với cổ đông, ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT cho biết VPBank đã phát triển vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngân hàng đơn lẻ và đang tiến dần tới mô hình "tập đoàn tài chính".
Hệ sinh thái hiện có công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES).
"Hai mảnh ghép tiếp theo mà ngân hàng đang muốn bổ sung là công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ", ông Quân nói.
Theo ông, việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ là bước đi chiến lược cần thiết vì đây là một phần không thể thiếu trong mô hình tập đoàn tài chính. Ngoài ra, nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, chúng ta sẽ luôn bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh và đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Do đó, chúng tôi xác định phải chủ động nguồn kinh doanh, từ sản phẩm cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác.
Thêm nữa, bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng.
Năm nay, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2024.
Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, phần còn lại sẽ đến từ nhóm công ty con gồm tài chính tiêu dùng (FE Credit), chứng khoán (VPBankS) và bảo hiểm (OPES). Đáng chú ý, năm nay, FE Credit đặt mục tiêu thu về 1.126 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt mục tiêu trên, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 887.724 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của NHNN.
Tổng tài sản hợp nhất VPBank dự kiến tăng 23% lên 1.132.800 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất dự kiến tăng thêm 34%, lên 742.311 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 2,47%, giảm so với cuối năm 2023 là 2,95%.
Tính đến 31/12/2024, VPBank có 1 cổ đông lớn là Sumimoto Mitsui Banking Corporation nắm giữ 15,005% vốn điều lệ.
Cổ đông là người nội bộ của ngân hàng gồm các thành viên HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành của ngân hàng đang sở hữu tương ứng 7,85% tổng số cổ phần.
Trong đó ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT nắm 4,14% vốn. Tính tổng số cổ phần ông Dũng và người/đơn vị có liên quan tương ứng gần 20% vốn VPBank
Còn ông Ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch nắm 1,97% vốn; ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc nắm 1,322% vốn.