Trang CNN mới đây đã đưa tin về dự định của Google trong việc cung cấp dịch vụ mở tài khoản vãng lai cho khách hàng trong năm tới. Theo đó, khách hàng có thể gửi tiền lên tài khoản trên nền tảng của Google và sử dụng cho các giao dịch cần thiết.
Đại diện của Google cho biết: “Chúng tôi sẽ hợp tác cùng các nhà băng và các liên minh tín dụng tại Mỹ để cung cấp cho họ tài khoản vãng lai trên Google Pay. Bằng cách này, người dùng có thể giữ tiền trên một nền tảng an toàn tuyệt đối, kèm theo đó là những công nghệ quản lý tài chính hữu ích, thông minh.”
Tuy nhiên Google sẽ không hoàn toàn quản lý các tài khoản của mình, những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ tài chính sẽ là trách nhiệm của những ngân hàng liên kết với hãng. Hiện tại Google vẫn chưa quyết định được có tính phí cho dịch vụ này hay không.
Google có thể xem là công ty cuối cùng trong hàng ngũ những ông lớn công nghệ của Mỹ dấn thân vào cuộc chơi tài chính.
Tương tự như Google, Amazon cũng đã lên kế hoạch cung cấp dịch vụ phát hành tài khoản vãng lai cho người dùng. Facebook mặt khác cho ra đời Libra – một đồng tiền mã hóa vào năm nay, với tham vọng tiếp cận đến 1,7 tỷ người trên thế giới chưa có tài khoản ngân hàng. Theo đó người dùng Facebook có thể chuyển và nhận đồng Libra lẫn nhau. Tuy nhiên, ngoài những người dùng ứng dụng, Facebook cũng muốn Libra trở thành phương tiện thanh toán của các doanh nghiệp khác.
Một ông lớn trong làng công nghệ khác là Apple cũng đã liên kết của Goldman Sachs để cho ra đời thẻ tín dụng. Trong khi, những người dùng iPhone cũng đang sử dụng dịch vụ Apple Pay để thanh toán.
Google là công ty cuối cùng trong hàng ngũ những ông lớn công nghệ Mỹ dấn thân vào cuộc chơi tài chính. (Nguồn: Internet)
|
Tranh sân với ngân hàng
Xu hướng phát triển trong lĩnh vực tài chính – đặc biệt là cung cấp các ứng dụng Fintech (tài chính công nghệ) đang nở rộ trên toàn thế giới. Các quốc gia lớn cũng dần tham gia vào cuộc chơi “xã hội không tiền mặt” nơi người dân thanh toán, giao dịch chuyển tiền bằng các loại ví điện tử, ứng dụng thanh toán.
Trong năm 2018, 111,8 tỷ USD đã được rót vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech với tất cả 2.196 thương vụ. Giá trị của thị trường Fintech toàn cầu được dự đoán sẽ đạt đến con số 305,7 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 22,17% trong giai đoạn từ 2018 - 2023.
Bản thân các ngân hàng thương mại trên toàn cầu cũng đã trở nên khá lo lắng vì sự phát triển như vũ bão của doanh nghiệp Fintech. Theo một khảo sát của Công ty tư vấn quản lý Accenture, 60% ngân hàng tham gia khảo sát cho rằng mình sẽ bị mất 15% doanh thu từ mảng thanh toán vì sự hiện diện của các doanh nghiệp Fintech - tương đương với 88 tỷ đô la Mỹ. 32% trong số những ngân hàng được hỏi cảm thấy lo sợ trước các công ty công nghệ lớn.
Số liệu từ đơn vị thống kê trực tuyến Statista cũng cho thấy, trong năm 2019, tổng giá trị giao dịch t trong hoạt động thanh toán thông qua Fintech đã lên tới 4,1 nghỉn tỷ USD. Con số này được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Hiện tại, phần đa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính công nghệ vẫn đang tập trung vào mảng thanh toán, tuy nhiên, sự lấn sân sang các mảng khác như cho vay, huy động vốn, tài chính cá nhân cũng đang dần lớn mạnh.
Dự đoán về sự tăng trưởng về giá trị giao dịch của thị trường Fintech tới năm 2023. (Nguồn: Statista)
|
Trên thực tế, mô hình tài chính truyền thống của các ngân hàng vẫn đang tồn đọng những vấn đề như phí giao dịch cao đặc biệt với các giao dịch ngoại địa, thủ tục rắc rối, rườm rà. Điều mà hầu hết các doanh nghiệp tài chính công nghệ có thể xử lý được.
Đa số doanh nghiệp Fintech hoạt động với tư cách là một đơn vị trung gian, sau đó ăn chiết khấu ở giữa. Họ không phải là ngân hàng với kho trữ tiền khổng lồ, mà đơn thuần là nơi trung chuyển, lưu trữ tiền tệ bằng kỹ thuật số với chi phí hợp lý hơn rất nhiều. Ở khía cạnh khác, các công ty Fintech cũng sẽ không cần những khoản phí khổng lồ để duy trì sự an toàn trong hệ thống tài chính như các nhà băng truyền thống.
Thị trường lớn, tiềm năng lợi nhuận cao – không khó để lý giải việc vì sao các ông lớn công nghệ lại lăm le qua mảng tài chính. Đặc biệt là khi, những ông lớn này đang nắm giữ những vũ khí mà một công ty khởi nghiệp thông thường khó có được, đó là nguồn dữ liệu và tập khách hàng khổng lồ từ mô hình kinh doanh cũ./.