Ít ai có thể hình dung cuộc gặp lịch sử này từ thời điểm một năm trước |
Được tổng thống siêu cường số một thế giới bắt tay, hội kiến ngang hàng trong suốt buổi sáng 12/6/2018 tại Singapore và được khen ngợi là một người thông minh, ông Kim Jong Un từ nay là một nhà lãnh đạo "đáng quý".
Có được kết quả này, Triều Tiên nhờ vào công lao của hai người. Theo phân tích của báo Pháp Le Monde, trước tiên là tham vọng của lãnh tụ Kim Nhật Thành, ước mơ trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền và sự sinh tồn của chế độ chính trị. Giấc mơ này vừa được người cháu nội Kim Jong Un thực hiện với khả năng chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Triều Tiên được Mỹ xem là đáng gờm.
Vào năm 2011 khi mới 27 tuổi, ông Kim Jong Un lên thay cha là Kim Jong Il từ trần vì bạo bệnh. Ông Kim Jong Un từng học trung học tại Thụy Sĩ và trường Võ bị Kim Nhật Thành, đã nhanh chóng tỏ ra là một người sắt thép: thanh trừng hàng ngũ tướng lĩnh, thẳng tay loại bỏ chú dượng được cho là thân Trung Quốc. Nắm cả quân đội lẫn đảng Lao động Triều Tiên trong tay, ông Kim tập trung vào hai mặt trận kinh tế và vũ khí hạt nhân.
Sự kiện Bình Nhưỡng nhẫn nhịn để được Washington chấp nhận thương lượng, theo đề nghị đánh đổi hạt nhân với bỏ cấm vận kinh tế chứng tỏ ông Kim Jong Un đủ tự tin để mở mặt trận thứ ba: Mặt trận ngoại giao.
Do vậy, thái độ cởi mở củaTriều Tiên từ đầu năm nay, mà dấu ấn đầu tiên là thông điệp đầu năm nay, tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông, ngừng thử vũ khí, gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hai lần, không phải là những quyết định ngẫu hứng hay do nhu cầu tình thế.
Trong các cuộc diện kiến với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã hoàn toàn thay đổi phong cách. Vóc dáng của một chính khách cứng rắn đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh một người vui vẻ, lịch thiệp trò chuyện và biết mình muốn gì và hướng đến đâu.
Cho đến giờ phút này, mặt trận ngoại giao của Triều Tiên được ba yếu tố thuận lợi: Tiến bộ về hạt nhân, tên lửa, chủ trương đối thoại của tổng thống Hàn Quốc và nhất là cả Bình Nhưỡng và Seoul đều ý thức nguy cơ chiến tranh toàn diện nếu Donald Trump khai hỏa đánh thật.
Tuy nhiên, đối với ông Kim Jong Un, hòa giải được với Mỹ cũng hàm chứa nhiều bất trắc đe dọa chế độ.
Với chiến thắng ngoại giao, mối đe dọa từ ngoài không còn nữa, nhà lãnh đạo Kim Jong un phải tìm một tính chính đáng mới trong bối cảnh người dân sau nhiều thập niên thiếu đói, đang trông chờ những thay đổi thấy được trong cuộc sống. Để được danh hiệu cường quốc đúng nghĩa, bên cạnh sức mạnh quân sự, Triều Tiên cần phục hưng kinh tế và buộc phải mở cửa.
Theo giới quan sát, chuyển tiếp theo mô hình Trung Quốc, nới lỏng từ từ và có kiểm soát, sẽ là «trận đánh thứ hai» của ông Kim Jong Un. Được Mỹ bảo đảm an ninh, nhưng trận chiến sắp tới sẽ gay go hơn nhiều vì đối tác nếu không khéo sẽ trở thành đối thủ.