Chiếm phần lớn thời lượng cuộc họp báo cung cấp thông tin về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã “chê” Đà Nẵng nghèo các sản phẩm du lịch và vẽ nên một viễn cảnh vượt cả Las Vegas khi Đà Nẵng đầu tư trở thành trung tâm tài chính khu vực.
“Chê” Đà Nẵng nghèo sản phẩm du lịch
Bắt đầu buổi họp báo do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, từ năm 2016, IPPG đã ấp ủ ý tưởng về một trung tâm tài chính ở Việt Nam, nhưng do nhiều vướng mắc chưa làm được. Cho đến thời điểm này, khi Chính phủ cho phép nghiên cứu, lập đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực thì đây là cơ hội để biến ý tưởng thành hiện thực.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, hiện các trung tâm tài chính trên thế giới đang có những xáo trộn, buộc các trung tâm tài chính này phải định hình lại. Chính vì vậy, đây là thời cơ, cơ hội mà Đà Nẵng phải nắm bắt. Và nguồn tiền của thế giới sẽ đổ về Việt Nam nếu Đà Nẵng thực hiện thành công chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính tầm khu vực.
Chủ tịch IPPG cũng nhấn mạnh: “Cái cần nhất của Trung tâm tài chính là huy động vốn từ các nhà tài phiệt lớn. Hơn 5 năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tài chính và bộ máy nhân lực. Chúng tôi đã đi học hỏi khắp thế giới để thực hiện được ý tưởng trên, trong 10 năm qua cá nhân tôi đã kết giao với rất nhiều người bạn, trong đó 3 người bạn Mỹ là 3 con "đại bàng chúa" về lĩnh vực tài chính, casino và luật tài chính. Nếu Đà Nẵng xây dựng một trung tâm tài chính đạt tầm thì sẽ thu hút được dòng tiền chảy vào Việt Nam. Khi các “đại bàng chúa” đã vào làm “tổ” thì các “bồ câu”, “đại bàng con”… sẽ tự động bay về”.
“Tôi đã ký kết thảo thuận hợp tác với Đà Nẵng đế xây dựng Đề án Trung tâm tài chính và tôi sẽ ở lại cho đến khi các thoả thuận được làm rõ”- ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết thêm.
Phối cảnh Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng (ảnh IPPG) |
Để thuyết phục đề án của mình, Chủ tịch IPPG cho rằng, Đà Nẵng đang rất nghèo nàn về sản phẩm du lịch và để thu hút du khách đến Đà Nẵng, địa phương cần có những sản phẩm khác biệt, tốt nhất để kích thích du khách chi tiêu.
“Chúng tôi sẽ thu hút hàng triệu du khách đến Đà Nẵng và sẽ đóng góp 2% cho GRDP. Đà Nẵng đã có Bà Nà Hills rồi, có khu vực khác rồi… thì phải làm cái gì đó thật khác biệt. Nhưng thật sự Đà Nẵng đang rất nghèo nàn sản phẩm du lịch... Vì lý do đó, chúng tôi đưa đến những sản phẩm để giữ chân khách du lịch, không chỉ đi vô Đà Nẵng 2,2 ngày rồi đi ra mà phải làm sao cộng thêm 2,8 ngày nữa để thành 5 ngày. Và trong 5 ngày ấy du khách chi tiêu, chứ không chỉ 5 ngày đó rồi đi chơi lòng vòng,… rồi đem tiền quay về. Chúng ta không có cách nào làm cho hiệu quả ngành du lịch bằng việc này”- ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Không cần đến Las Vegas mà chỉ cần đến Đà Nẵng
Cùng với ý tưởng xây dựng 1 trung tâm tài chính khu vực, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ viễn cảnh về một Đà Nẵng với các khu đô thị thông minh, khu mua sắm hàng hiệu, khu phi thuế quan… với 8 đề án mang tính đột phá cho Đà Nẵng mà IPPG có năng lực đáp ứng tốt nhất.
TP Đà Nẵng diễu hành xích lô để quảng bá du lịch |
“Du khách đến địa phương du lịch, điều cần là được mua sắm tại các khu thời trang hàng hiệu. Nên để kích thích chi tiêu của du khách, chúng tôi có 108 hãng hàng hiệu độc quyền và những đối tác lớn trên thế giới nên chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu này”- ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Không những vậy, để thu hút du khách đến Đà Nẵng, vị Chủ tịch IPPG cho biết, ông đã làm việc với các đối tác của mình, rằng đã xem xét xây dựng chương trình nghệ thuật, trình diễn đặc sắc để thu hút du khách về đêm và kéo dài thời gian lưu trú tại Đà Nẵng.
“Chúng tôi đã làm việc với các đối tác của mình về những chương trình nghệ thuật, trình diễn để thu hút du khách. Thay vì qua Las Vegas của Mỹ thì du khách chỉ cần đến Đà Nẵng để xem và mua sắm. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện xong vấn đề này và Đà Nẵng đề nghị chúng tôi nhanh chóng triển khai tại Đà Nẵng”- ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Chiếm gần hết thời lượng của buổi họp báo, Chủ tịch IPPG cho rằng, khi Hà Nội và TP HCM đã là trung tâm trung chuyển logistic thì miền Trung cũng cần hình thành một trung tâm logistics mà Đà Nẵng là địa phương có nhiều tiềm năng.
“Tại sao chúng ta không mở một hub tại Đà Nẵng để khai thác và khi Đà Nẵng đề nghị chúng tôi xây dựng ngay trung tâm logistic thì chúng tôi đã thực hiện xong. Đối với hàng phi thuế quan, chúng tôi đã thuê công ty hàng đầu trên thế giới xem xét, nghiên cứu xây dựng tại Đà Nẵng một khu phi thuế quan tốt nhất. Những gì tôi nói không phải là vẽ mà chúng tôi đang làm và đã đệ trình xong ở vòng thứ nhất với 8 đề án. 8 đề án này là để ở tầm nhìn 2045, để đưa vào định hướng của Đà Nẵng, hướng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi hop báo |
Kết luận nội dung họp báo sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ, với những thuận lợi về vị trí địa lý, đất đai, con người, cũng như tiềm năng, tốc độ phát triển của cách mạng 4.0, cơ chế đặc thù,… Đà Nẵng sẽ xây dựng đề án xin Trung ương tạo điều kiện thuận lợi để "rút ngắn giai đoạn" và có thể vượt lên được. Hơn nữa, việc xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực đang ở góc độ chủ trương và đang được xem xét.
“Nếu chúng ta đi tuần tự thì cả trăm năm nữa Đà Nẵng cũng sẽ khó lòng trở thành trung tâm tài chính. Hiện tại chúng ta chỉ mới công bố về chủ trương mà thôi. Và chúng ta đang có liên danh nhà tài trợ do ông Hạnh Nguyễn và bạn bè doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ tham gia, tài trợ. Nên khi đề án hoàn thiện, chúng tôi sẽ chia sẻ sâu hơn về việc làm sao để Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính”- ông Hồ Kỳ Minh nói.