Ông Hun Sen nhờ Anh, Pháp, Mỹ xác thực bản đồ biên giới với Việt Nam

Thủ tướng Campuchia Hun Senđã viết thư gửi các nước Pháp, Mỹ và Anh, nhờ những người đứng đầu 3 nước này xác thực bản đồ phân chia biên giới giữa Campuchia và Việt Nam hiện tại là đúng pháp luật. Việt Nam bác bỏ thông tin chuyển vũ khí về phía nam.
Người dân Campuchia xuống đường ủng hộ thủ tướng Hunsen
Người dân Campuchia xuống đường ủng hộ thủ tướng Hunsen

Báo Cambodia Daily ngày 16.7 cho hay để bác bỏ những cáo buộc của phe đối lập cho rằng chính phủ đã phân định biên giới với Việt Nam không đúng, Thủ tướng Hun Sen đã gửi thư cho Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron.

Ông yêu cầu lãnh đạo 3 nước này gửi bản đồ biên giới Campuchia với các nước láng giềng mà ba nước này đang lưu trữ nhằm mục đích xác nhận việc phân định biên giới hiện nay của Phnom Penh là đúng luật.

Từ tháng 6.2015, đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc (CNRP) tổ chức một chiến dịch nhằm nói xấu Việt Nam, cho rằng Việt Nam ‘xâm lấn’ (?) Campuchia. Cũng trong chiến dịch này, lãnh đạo của CNRP cáo buộc chính phủ của đảng cầm quyền CPP không theo đúng bản đồ chuẩn khi phân định biên giới với Việt Nam.

Lãnh đạo đảng này còn nại ra rằng bản đồ Phnom Penh đang sử dụng là do Việt Nam vẽ (?).

Ông Hun Sen hôm qua 15.7 đã đề nghị sự giúp đỡ của phương Tây và Mỹ, nhờ cung cấp bản đồ để chứng minh rằng bản đồ Phnom Penh đang sử dụng là đúng với bản lưu giữ ở 3 nước này. Bởi theo Thủ tướng Campuchia, 3 nước Mỹ, Anh, Pháp từng sản xuất và công nhận bản đồ Đông Dương.

“Pháp là nơi sản xuất ra bản đồ “Bonnie” theo tỷ lệ 1:100.000 vẽ biên giới Campuchia với những nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam. Tôi đề nghị ngài cung cấp (cho chúng tôi) bản đồ này”, Thủ tướng Campuchia viết trong thư gửi cho Tổng thống Pháp Francois Hollande, Cambodia Daily cho hay.

Ông Hun Sen cũng đề nghị người đứng đầu nước Pháp cử một nhóm chuyên gia về bản đồ sang Campuchia để chứng thực bản đồ mà người Pháp đã vẽ và bản đồ mà Campuchia và Việt Nam sử dụng để phân định biên giới là một.

Bức thư tương tự cũng được ông Hun Sen gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron. Theo Cambodia Daily, lãnh đạo trước đây của Mỹ và Anh từng có mặt trong cuộc đàm phán hòa bình năm 1964 có sử dụng bản đồ được Thủ tướng Hun Sen đề cập.

Hồi tháng 6.2015, ông Hun Sen cũng có đề nghị tương tự với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và yêu cầu người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cung cấp bản sao của bản đồ mà Campuchia từng đệ trình cho tổ chức này hồi năm 1964. Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc cho biết Tổng Thư ký Ban đang xem xét lời đề nghị của Thủ tướng Campuchia, theo Cambodia Daily.

*Tối 16/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua phía Campuchia cho rằng, "Việt Nam đã thống nhất với phía Campuchia tạm dừng các hoạt động xây dựng tại một số khu vực biên giới giữa hai nước"”.

Theo Người phát ngôn Lê Hải Bình, trong các công hàm trao đổi với Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Cơ quan phụ trách về Biên giới Campuchia cũng như tại cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc tại Phnom Penh từ ngày 6-9/7 vừa qua, Việt Nam đều đã khẳng định rõ tất cả các công trình Việt Nam xây dựng ở khu vực biên giới trong thời gian qua đều được tiến hành trong phần đất hiện tại đang do phía Việt Nam quản lý.

“Điểm 8, Thông cáo Báo chí chung Việt Nam – Campuchia ngày 17/1/1995 quy định “Hai bên thỏa thuận, trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới, thì duy trì sự quản lý hiện nay; không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục, không để nhân dân xâm canh, xâm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự biên giới”. Rõ ràng là Việt Nam đã tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận giữa hai nước về việc quản lý biên giới trong quá trình phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia”, ông Bình khẳng định.

Ông Lê Hải Bình cho biết, để tỏ thiện chí và nhằm tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc đang ở vào giai đoạn then chốt hiện nay, tại công hàm ngày 6/7/2015 gửi Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia và tại cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc, Việt Nam đã chính thức đề nghị thiện chí với phía Campuchia.

Theo đó cùng cam kết “không xây dựng công trình trong phạm vi 100m tính từ đường quản lý thực tế về mỗi bên tại các khu vực chưa phân giới, cắm mốc hoặc chưa hoàn thành hoán đổi theo ‘Bản Ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực tồn đọng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia’ ký ngày 23/4/2011 (MOU)”.

Tuy nhiên, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, “rất tiếc phía Campuchia không đáp ứng đề nghị thiện chí đó của phía Việt Nam”.

Trước đó, ngày 28/6, khoảng 250 người Campuchia với sự tham gia của một số nghị sĩ đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đã tiến sâu vào khu vực mốc 203 do Việt Nam quản lý, thuộc địa bàn tỉnh Long An. Lực lượng chức năng Việt Nam và người dân địa phương đã ngăn chặn, giải thích nhưng bị một số phần tử quá khích Campuchia tấn công, khiến 7 người Việt Nam bị thương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi đó đã yêu cầu Campuchia xử lý thỏa đáng vụ việc và khẳng định hành động bạo lực của một số phần tử quá khích Campuchia đã vi phạm pháp luật của cả hai nước, các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp song phương.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều 16-7, phóng viên đã đặt câu hỏi với Người Phát ngôn Lê Hải Bình về thông tin Việt Nam đang đưa vũ khí, khí tài về phía Nam liên quan đến tình hình bất ổn biên giới Tây Nam.

Được biết, trong những ngày qua, một số diễn đàn, mạng xã hội đưa thông tin các lực lượng chức năng Việt Nam đưa vũ khí, khí tài về phía Nam liên quan đến tình hình bất ổn ở biên giới nước ta và Campuchia.Trả lời câu hỏi này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định đây đều là các thông tin không có tính xác thực.

Theo TN/NLĐ