|
Chiến lược Brexit không thỏa thuận của Boris Johnson đang gây chia rẽ sâu sắc trong UK và có thể khiến Liên hiệp Anh tan rã (Ảnh: Washington Post) |
Trong các chuyến thăm mà ông thực hiện tới 4 quốc gia hồi đầu tuần trước, ông Johnson đã vấp phải một số lượng người biểu tình không thích cách giải quyết Brexit kiểu "sống hoặc chết" của ông. Ông Johnson không hề e ngại khi tuyên bố đầy quyết tâm rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới. Và ông nói rõ rằng ông sẽ làm vậy mà không cần đạt một thỏa thuận.
Ở Scotland, ông Johnson bị những người ủng hộ EU và ủng hộ Scotland độc lập phản đối. Nicola Sturgeon - Bộ trưởng thứ Nhất của Sctoland và là lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) - nói với báo giới rằng ông Johnson không đủ "can đảm" để đối diện với người dân Scotland trong chuyến thăm của ông.
Ở xứ Wales, ông bị chỉ trích vì không đưa ra một kế hoạch ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của Brexit không thỏa thuận, đặc biệt là đối với người nông dân xứ sở này. Mark Drakefield - Bộ trưởng thứ Nhất xứ Wales - nói rằng ông Johnson đã đưa ra "ít chi tiết một cách đáng lo ngại".
Và ở Bắc Ireland, nước đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nhất từ Brexit không thỏa thuận - viễn cảnh biên giới "cứng" với Cộng hòa Ireland và khả năng tình trạng xung đột vùng miền trỗi dậy - ông Johnson được tiếp đón bởi những người biểu tình mang theo các biểu ngữ ghi rằng "Brexit có nghĩa là biên giới". Ông Johnson cũng không nhận được sự ủng hộ khi so sánh việc băng qua biên giới giữa hai nước như việc di chuyển giữa những con đường ở London - mà quên đi cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người.
Đây thực sự là một vấn đề đối với vị Thủ tướng đang tập trung vào 2 vấn đề quan trọng: Hoàn tất Brexit vào ngày 31/10 và đoàn kết lại đất nước của ông.
Việc duy trì Liên hiệp là tối quan trọng với đảng Bảo thủ mà ông Johnson đang dẫn dắt. Tuy nhiên, Liên hiệp không còn là thứ gì đó hợp thời đối với cộng đồng cử tri UK như trước kia - và điều này đã trở thành thực tế sau cuộc trưng cầu Brexit năm 2016.
"Tôi không nghi ngờ gì khi Brexit không thỏa thuận sẽ bị giới sử gia coi như sự kiện tan rã của UK" - Rob Ford, Giáo sư chính trị thuộc ĐH Manchester, nhận định. Ông Ford cho rằng, sự ủng hộ Brexit mạnh mẽ nhất xuất phát từ các cử tri theo chủ nghĩa dân tộc ở nước Anh, những người vốn không quan tâm nhiều tới Liên hiệp. "Họ cho rằng nó là thứ không thú vị, thậm chí coi nó như chướng ngại đối với Brexit và cần phải vứt bỏ" - ông Ford lý giải.
Bởi vậy, ở Anh - phần quan trọng và quyền lực nhất của UK - Brexit chủ yếu xuất phát từ tư tưởng nước Anh trên hết. Đây chính là thứ tạo nên điều thú vị.
Trên khắp vùng biển Ireland, mọi thứ lại rất khác. Làn sóng ủng hộ Brexit mạnh mẽ nhất ở Bắc Ireland xuất phát từ những người ủng hộ Liên hiệp (UK), họ coi việc bị chia tách khỏi UK là không thể chấp nhận. Nếu phải lựa chọn giữa việc có một đường biên giới với Cộng hòa Ireland với việc một đường hải giới với nước Anh, họ sẽ chọn thứ đầu tiên.
Đối lập với những người ủng hộ Liên hiệp là những người theo chủ nghĩa cộng hòa. Họ tìm cách ngăn chặn viễn cảnh một đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland bằng mọi giá. Những người có quan điểm cứng rắn nhất trong nhóm người này còn muốn Bắc Ireland sẽ thống nhất với phần còn lại của Ireland trong tương lai.
|
Những người biểu tình phản đối Brexit không thỏa thuận của ông Johnson ở Bắc Ireland (Ảnh: Washington Post)
|
Một bản thăm dò mới đây của North Ireland Life and Times thực thiện cũng xác nhận điều đó. Trong bối cảnh Brexit, những người Ireland vẫn mong muốn một đất nước thống nhất, trong khi những người có quan điểm hướng Anh hơn có quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề thống nhất. Nhóm người này dù không ủng hộ thống nhất Ireland, nhưng họ bắt đầu nhìn nhận nó như một hậu quả không thể tránh khỏi do Brexit không thỏa thuận gây nên.
"Những người vốn đã có quan điểm thống nhất Ireland nói rằng Brexit càng giúp họ ủng hộ thống nhất, trong khi những người phản đối nói rằng Brexit càng khiến họ phản đối" - Katy Hayward, chuyên gia phân tích thuộc tổ chức UK in a Changing Europe, nói.
Ở Scotland, "phe phản đối độc lập giờ đứng chung hàng ngũ với những người ủng hộ Brexit" - ông Rob Ford nói. Ông lý giải rằng, khi SNP kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai để ở lại EU, những người dân có tư tưởng hoài nghi EU đặt ra câu hỏi: "Tại sao chúng ta lại đổi các quy định thương mại của London sang quy định của Brussels?".
Scotland từng tổ chức một cuộc trưng cầu về độc lập trong năm 2014. Kết quả là người dân nước này lựa chọn ở lại UK với số phiếu thuận 55% và phiếu chống 45%. Sự kiện đó được coi là "cuộc trưng cầu dân ý diễn ra chỉ một lần trong một thế hệ". Nhưng rồi Brexit đã xảy ra.
Khi nhìn vào con số 62% người dân Scotland bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU và thực tế đảng Bảo thủ của ông Johnson giờ đang hướng về Brexit không thỏa thuận, người ta có thể hiểu vì sao những người có tư tưởng dân tộc ở Scotland lại cảm thấy cởi mở hơn đối với một cuộc trưng cầu dân ý lần hai.
Bởi vậy, ở Bắc Ireland và Scotland, đa số ủng hộ ở lại EU (lần lượt là 56% và 62%) rõ ràng là tín hiệu cho thấy họ đang tách khỏi chủ trương bảo vệ khối Liên hiệp của ông Johnson. Bối cảnh ở xứ Wales lại khác, đa số cử tri bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU và không có phong trào đòi độc lập. Thứ mà xứ Wales thiếu là một phong trào dân tộc mạnh mẽ chống lại đảng Bảo thủ và chỉ trích chủ trương Brexit không thỏa thuận của ông Johnson. Vấn đề lớn nhất của ông Johnson là ông xa lánh cộng đồng cử tri này và hậu quả là mất ghế trong Nghị viện xứ Wales về tay các đảng phái đối lập.
Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Boris Johnson cuối cùng có thể vấp phải một cuộc đấu đá giữa các phong trào dân tộc chủ nghĩa. Bởi vậy, chính quyền Johnson ngay trong những ngày đầu đã tập trung vào lá phiếu của cử tri Anh. Như ông Rob Ford nhận định: "So với bất kỳ nhóm dân tộc chủ nghĩa nào khác, họ (cử tri Anh) là một đối thủ nặng ký trong cuộc đối đầu giữa các nhóm chủ nghĩa dân tộc ở UK. Họ có thể hất cẳng bất cứ bên nào ra khỏi cuộc chơi".
Dường như kiểu chính trị "làm hoặc chết" của ông Johnson không thể làm hài lòng cả 4 cột trụ trong UK, ít nhất là trước khi Brexit hoàn tất. Nếu một cuộc bầu cử sớm được ông Johnson kêu gọi - điều mà phần lớn các nhà quan sát ở UK kỳ vọng - vậy thì việc làm hài lòng toàn bộ 4 nước thuộc UK không phải một chiến lược bầu cử thông minh.
Và trong trường hợp cử tri Anh ném phần còn lại của UK ra khỏi cuộc chơi, những nước còn lại trong Liên hiệp có thể quyết định không tìm cách trở lại nữa. Và dường như cử tri Anh không quan tâm nhiều đến điều này.
Theo CNN