|
Đài Truyền hình Trung Quốc hôm 21/8 công bố vụ phóng thử tên lửa DF-15B (Ảnh: CCTV). |
Cách đây hai ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nâng cấp cam kết an ninh của Mỹ đối với Đài Loan lên ngang với NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh truyền hình ABC hôm thứ Năm (19/8), Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng tình hình ở Đài Loan, Hàn Quốc và NATO khác với ở Afghanistan. Giới quan sát quốc tế cho rằng lời lẽ của ông dường như muốn coi Đài Loan giống như các quốc gia có cam kết quốc phòng rõ ràng với Mỹ.
Về vấn đề này, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cùng ngày nhắc lại với Reuters rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi. Từ lâu nay, Mỹ luôn xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh và phòng vệ của Đài Loan với cái gọi là “sự mơ hồ chiến lược”.
|
Tổng thống Mỹ Biden trả lời phỏng vấn trên kênh ABC News hôm 19/8, coi Đài Loan giống như NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc khiến Trung Quốc tức giận (Ảnh: Deutsche Welle). |
Trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm thứ Năm, khi ông Biden được phóng viên đài ABC hỏi về tác động của việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và ông trả lời thế nào trước ý kiến của truyền thông Trung Quốc cho rằng chiến lược của Mỹ ở Afghanistan cho thấy Đài Loan không thể dựa vào Mỹ để hỗ trợ phòng thủ. Ông Biden trong câu trả lời đã nói rằng “tình hình ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và NATO về cơ bản khác với Afghanistan”.
Ông nói: "Họ là những thực thể đã đạt được thỏa thuận với Mỹ. Cơ sở của những thỏa thuận này không phải là xảy ra nội chiến ở trên đảo hay ở Hàn Quốc, mà là họ có một thỏa thuận của một chính phủ đoàn kết, và chính phủ đó đang nỗ lực ngăn chặn những kẻ xấu làm những điều xấu với họ".
Ông Biden nói thêm: "Chúng tôi đã tuân thủ mọi cam kết. Chúng tôi đã cam kết thiêng liêng đối với Điều V của NATO, đó là nếu trên thực tế có ai đó muốn xâm lược hoặc có hành động chống lại các đồng minh NATO, chúng tôi sẽ lập tức đáp trả. Tình huống này cũng áp dụng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Các vấn đề của Afghanistan và Đài Loan về cơ bản hoàn toàn không thể so sánh với nhau được".
|
Tên lửa DF-15B trên xe chở kiêm bệ phóng (Ảnh: Sina). |
Tuy nhiên, sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với Reuters rằng "chính sách liên quan đến Đài Loan của Mỹ không thay đổi", và một số chuyên gia cho rằng điều này có nghĩa là Biden dường như đã nói sai điều gì đó. Cả Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington và Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Mỹ đều không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Mặc dù luật pháp Mỹ yêu cầu Washington cung cấp cho Đài Loan các phương tiện tự vệ, chính phủ Mỹ từ lâu đã theo đuổi cái gọi là chính sách "mơ hồ chiến lược" liên quan đến việc liệu Mỹ có đến giúp bảo vệ Đài Loan khi Trung Quốc tiến công Đài Loan hay không.
Ngay sau khi "cam kết mới" của ông Biden đối với Đài Loan được công bố, đã lập tức gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi, và những tiếng nói đòi “vũ thống” (dùng vũ lực thống nhất) Đài Loan trong dư luận Trung Quốc trở nên sôi nổi.
|
Các tên lửa DF-15B tham gia diễu bình (Ảnh: Sina). |
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại lập trường của Mỹ mong muốn hai bên eo biển Đài Loan sẽ giải quyết những khác biệt một cách hòa bình vẫn không thay đổi, nhưng Bắc Kinh đã phản ứng quyết liệt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đe dọa: "Nguyên tắc một Trung Quốc là lằn ranh đỏ không được vượt qua. Bất cứ ai cũng không được xem nhẹ quyết tâm cứng rắn bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, ý chí kiên định và năng lực hùng mạnh của nhân dân Trung Quốc”.
Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) của Trung Quốc ngày 21/8 đưa tin rằng: “Gần đây, Lữ đoàn I tên lửa thông thường của Quân chủng Tên lửa PLA đã phóng thành công hai tên lửa kiểu mới ở sa mạc Tây Bắc, vượt qua điều kiện nhiễu điện từ khắc nghiệt, đánh trúng chính xác các mục tiêu trận địa được bảo vệ nhiều tầng của quân Xanh cách đó mấy trăm cây số”.
Một số chuyên gia quân sự chỉ ra rằng hai tên lửa kiểu mới là tên lửa đạn đạo Dongfeng- 15B (DF-15B) với tầm bắn khoảng 900 km; trong khi căn cứ của lục quân Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông PLA cách Đài Loan 250 km. Các tên lửa này có tầm bắn tối đa tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam, và dễ dàng bao trùm toàn bộ đảo Đài Loan.
|
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 (Ảnh: CCTV). |
Tên lửa Dongfeng (Đông Phong) là vũ khí trang bị chính của Quân chủng Tên lửa PLA. Quân chủng Tên lửa hiện chủ yếu được trang bị các loại tên lửa đạn đạo chiến lược mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn thông thường, cũng như các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tầm ngắn, tầm trung và tên lửa hành trình tầm xa.
Thế giới bên ngoài cho rằng Dongfeng hiện là dòng tên lửa đạn đạo đất đối đất duy nhất có đủ các tầm bắn khác nhau trên thế giới, có thể được gọi là "sát thủ" của PLA trong việc khắc chế kẻ thù.
Trong số các loại tên lửa Dongfeng, tên lửa đạn đạo Dongfeng-26B là tên lửa đạn đạo thông thường đầu tiên của Trung Quốc có tầm bắn tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam; tên lửa đạn đạo Dongfeng-21D được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay"; tên lửa Dongfeng-16 có tầm bắn bao trùm "chuỗi đảo thứ nhất", có thể tấn công đảo Okinawa Nhật Bản, Philippines và khu vực Đài Loan, điều đáng chú ý là có rất nhiều căn cứ quân sự của Mỹ ở trên đảo Okinawa.
|
Trung Quốc phóng thử tên lửa DF-21 (Ảnh: CCTV). |
Quân đội Mỹ đã công bố Báo cáo Vũ khí Hạt nhân năm 2020 của Trung Quốc, chỉ ra rằng Quân chủng Tên lửa PLA có tổng cộng 40 lữ đoàn tên lửa đạn đạo, 12 trong số đó thuộc Chiến khu Miền Đông và Chiến khu Miền Nam, có nhiệm vụ chủ yếu giải quyết các vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Ngoài ra, các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các căn cứ của Quân chủng Tên lửa ở Phúc Kiến và Quảng Đông cũng đang có dấu hiệu mở rộng và nâng cấp thiết bị.
Kể từ đầu năm nay, các hoạt động tương tác giữa Mỹ và Đài Loan trở nên thường xuyên hơn. Máy bay quân sự của Mỹ đã hạ cánh xuống Đài Loan hai lần và chính quyền Joe Biden đã bán vũ khí cho Đài Loan lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền. Phía Đài Loan đã nhiệt liệt hoan nghênh điều này.
Gần đây, chính phủ Afghanistan được Mỹ hỗ trợ trong 20 năm đã bị Taliban lật đổ “chỉ trong một đêm”, và quân đội Mỹ cũng được rút về vào ban đêm. Trong tình hình như vậy, Trung Quốc đã chỉ trích quân đội Mỹ là không đáng tin cậy với "khởi đầu hỗn loạn và kết thúc bỏ rơi". Các cơ quan truyền thông địa phương và mạng xã hội của Trung Quốc thì càng mạnh mẽ thúc giục Đài Loan đừng lặp lại những sai lầm của Afghanistan.
Ngoài việc tiến công bằng dư luận, PLA còn đưa ra những cảnh cáo vũ lực. Chiến khu Miền Đông ngày 17/8 thông báo tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên các vùng biển và vùng trời xung quanh ở phía tây nam và đông nam của Đài Loan, với lực lượng tham gia gồm tàu chiến, máy bay chống tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Lực lượng Không quân PLA đã cử 1 chiếc máy bay chống ngầm Y-8, 1 máy bay gây nhiễu điện tử Y-8, 1 máy bay báo động sớm trên không KJ-500, 6 chiếc máy bay chiến đấu J-16 và 2 máy bay ném bom H-6K đến vùng trời Tây Nam của Đài Loan ngày hôm đó.
|
Trực thăng AH-64 Apache Mỹ bán cho quân đội Đài Loan (Ảnh: UDN). |
Chính vì vậy, việc quân đội Trung Quốc công bố Quân chủng Tên lửa phóng thử tên lửa đạn đạo kiểu mới hiển nhiên là có ý đồ rõ ràng nhằm vào Mỹ và Đài Loan.
Tên lửa đạn đạo DF-15, NATO gọi là CSS-6 là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn cơ động trên xe bánh hơi, đồng thời là bệ phóng do Trung Quốc tự chế tạo, bắt đầu đưa vào trang bị từ 1989.
Tên lửa DF-15B (CSS-6 mod 2) chiều dài 10,5m, đường kính 1m, nặng 6.800kg (đầu đạn 640kg), được đưa vào sử dụng khoảng 2003-2005, sử dụng thuốc phóng rắn, trần bay trên 3000m, phạm vi tác chiến hiệu quả: dưới 900km; độ dung sai mục tiêu 15 đến 50m. Theo phỏng đoán của Mỹ, hiện PLA có từ 315 đến 355 quả đạn DF-15 các loại.